Bất ngờ cung đường 'Nơi ta tìm về' ở quận Phú Nhuận

Nhiều du khách tham gia cung đường tour 'Nơi ta tìm về' do UBND quận Phú Nhuận (TPHCM) tổ chức thực sự choáng ngợp với những khung cảnh cũng như thông tin các điểm đến tưởng như quen thuộc, qua lại hàng ngày.

Ngày 24/2, Quận ủy Quận Phú Nhuận đã tổ chức cho 120 cán bộ đảng viên tiêu biểu, lãnh đạo khu phố tại quận Phú Nhuận tham gia trải nghiệm tour du lịch “Phú Nhuận – Nơi ta tìm về” .

Đặc biệt, khi tham gia tour này, du khách sẽ được di chuyển bằng xe buýt hai tầng.

Tham gia tour, du khách lần lượt khám phá các điểm đến tại Phú Nhuận như: di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia “Đình Phú Nhuận” có tuổi đời hơn 200 năm; thăm di tích lịch sử quốc gia “Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam”; di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố “Lăng Võ Tánh” và trải nghiệm ẩm thực tại Phố ẩm thực Phan Xích Long.

Độc đáo của tour là mang lại cho du khách không gian trầm lắng, bình yên giữa một phố thị đông đúc. "Rất độc đáo và bất ngờ, tôi là người dân Phú Nhuận, ở đây trên 30 năm nhưng không nghĩ nơi mình sống đẹp như thế. Khi trên xe buýt len qua dòng phương tiện đông đúc, du khách sẽ cảm nhận được sự năng động của một thành phố hiện đại nhất cả nước. Nhưng khi xuống xe, đi bộ vào các điểm đến thì cái ồn ào của phố thị không còn. Nếu nói vui, tour 'Nơi ta tìm về' có sự bình yên giữa lòng phố thị", bà Trần Thị Giá, Bí thư chi bộ Khu phố 3, phường 8, quận Phú Nhuận, thành viên trải nghiệm chia sẻ.

Đình Phú Nhuận được xây dựng vào khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kênh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay (số 18 đường Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM).

Ngày 29/11, năm Nhâm Tý (tức ngày 8/1/1953), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng của đình. Trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1930, 1966, 1989 và 1998, nhưng Đình vẫn giữ được nét độc đáo trong kiến trúc cổ của đình Nam bộ thế kỷ XIX. Đình Phú Nhuận được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 3744/QĐ-BVHTT ngày 29/1/1997.

Có thêm thời gian, du khách có thể dừng lại một chút để ngắm nhìn đường ray xe lửa đi xuyên thành phố đang tiết xuân với sắc màu của hoa chuông vàng bung nở.

Một du khách trẻ trong đoàn tranh thủ thả dáng. Đoạn đường ray này nằm phía trước đình Phú Nhuận.

Ông Trần Quang Duy (ngoài cùng bên trái), Giám đốc đơn vị du lịch Chim Cánh Cụt (đơn vị xây dựng và khai thác tour Phú Nhuận) cùng đội HDV đón khách trước đình Phú Nhuận.

Điểm đến tiếp theo chính là lăng Võ Tánh.

Võ Tánh (1768 - 1801), sinh tại Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), là vị tướng theo phò chúa Nguyễn Ánh. Năm 1801 khi quân Tây Sơn vây thành Quy Nhơn (nay thuộc Bình Định), biết không giữ nổi, Võ Tánh đã viết thư cho đối phương mong không giết binh lính rồi "tuẫn tiết theo thành".

Để ghi nhớ công lao, ngoài xây lăng mộ ở Quy Nhơn, chúa Nguyễn Ánh còn làm mộ gió, xây lăng cho ông ở Gia Định. Ngoài ra còn có một mộ gió Võ Tánh do người dân lập nên.

Tại TPHCM hai lăng mộ của Võ Tánh nằm ở quận Phú Nhuận và Tân Bình. Lăng mộ chính do chúa Nguyễn Ánh xây dựng nằm trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận). Lối vào lăng là cổng tam quan, có từ năm 1951.

Vừa trải nghiệm tour du lịch này, bà Trần Thị Giá, Bí thư chi bộ Khu phố 3, phường 8, quận Phú Nhuận cho biết, chúng tôi là những người cán bộ làm ở địa phương do đó phải nắm hết được các hoạt động, các di tích lịch sử và ý nghĩa của nó để tuyên truyền, giáo dục cho người dân và đảng viên biết về nó. Riêng Lăng Võ Tánh khi đến đây giúp người ta cảm nhận được sự bình yên. Mỗi ngày lễ Kỳ Yên, người dân đến đây rất đông để khấn cầu sự an lành, làm ăn thuận lợi. Người ta thấy rất linh ứng nên người dân tham gia rất đông.

Một góc bình yên ở lăng Võ Tánh.

Khu lăng mộ Võ Tánh có diện tích hơn 2.000 m2, không gian bao quanh là vườn cây xanh mát. Trước đây, lăng mộ nằm trong khu vực quân sự, cho đến những năm 1990 mới được bàn giao cho quận Phú Nhuận. Từ năm 2006-2007, lăng mộ và đền thờ được trùng tu, nâng cấp; đồng thời xây dựng thêm nhà bảo vệ và tường rào bảo vệ như hiện nay.

Du khách tiến vào tham quan Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam - nơi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia để lắng nghe những câu chuyện lịch sử về sự tồn tại vững vàng của Phái đoàn liên lạc trong lòng địch, thể hiện quá trình đấu tranh kiên cường. Đặc biệt, trong khuôn viên của Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam còn có một cây thị được trồng từ khoảng năm 1955-1956. Đây là nơi để cán bộ phát đi những thông báo, liên lạc với người dân ở bên ngoài, nhờ cây thị này mà người dân, các cán bộ chiến sĩ bên ngoài cũng biết địa điểm của quân đội Việt Nam.

Sảnh chính trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.

Du khách tìm hiểu chiếc máy đánh chữ vẫn được để nguyên vị trí bao năm qua.

Khu vực máy truyền tin bên trong trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.

Mọi thứ vẫn được giữ nguyên như ban đầu. Theo một thành viên BTC, địa điểm này ngày thường ít khi mở cửa cho khách vào tham quan.

Năm 2008, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã khởi công dự án trùng tu, phục hồi Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955 – 1958) tọa lạc tại số 87A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ vào ngày 16/11/1988. Ngày 22/12/ 2011 công trình được khánh thành và đưa vào hoạt động.

Ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Quận ủy Quận Phú Nhuận cho biết, hiện nay, quận Phú Nhuận được tổ chức thành 13 phường, 60 khu phố, 828 tổ dân phố; quận cũng có 9 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia (Đình Phú Nhuận, Lăng Trương Tấn Bửu, Lăng Võ Di Nguy và Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn) và 5 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố (Lăng Võ Tánh, Chùa Từ Vân, Chùa Phú Long, Chùa Quan Thế Âm và Chùa Pháp Hoa)… Đây là những điểm đến du lịch có tính lịch sử, giáo dục cách mạng cao cho thế hệ trẻ. Quận cũng đang đầu tư khá nhiều cho việc phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của quận để giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-ngo-cung-duong-noi-ta-tim-ve-o-quan-phu-nhuan-post1512804.tpo