Bất ngờ phế truất hoàng quý phi, vua Thái Lan tái khẳng định quyền uy

Người dân Thái Lan thức dậy sáng 22/10, bất ngờ trước những biến động chưa từng có gần 100 năm qua trong hoàng gia. Tối hôm trước, hoàng quý phi Sineenat nhận lệnh phế truất.

Biến động trong hoàng gia khép kín của Thái Lan khiến người dân khắp cả nước bất ngờ. Giữa đêm 21/10, Văn phòng Hoàng gia Thái Lan thông báo hoàng quý phi 34 tuổi Sineenat Wongvajirapakdi bị phế truất vì phạm tội bất trung, tham vọng chiếm ngôi hoàng hậu và hủy hoại thiết chế của nền quân chủ.

Bà Sineenat, tên trước khi được sắc phong tước vị hoàng gia là Sineenat Bilaskalayani, bị tước hết mọi chức vụ trong hoàng gia, cấp bậc trong quân đội. Bà bị phế truất khỏi ngôi vị "Chao Khun Phra" chưa đầy 3 tháng sau lễ sắc phong lịch sử. Lần cuối cùng Thái Lan có một vị hoàng quý phi đã gần 100 năm trước.

Hoàng quý phi Sineenat bị phế truất trong thông báo đêm 21/10 của hoàng gia Thái Lan. Ảnh: AFP.

Hoàng quý phi Sineenat bị phế truất trong thông báo đêm 21/10 của hoàng gia Thái Lan. Ảnh: AFP.

Củng cố quyền lực

Cú sốc phế truất hoàng quý phi cũng không phải động thái duy nhất trong thời gian qua nhằm khẳng định và củng cố quyền uy cho nhà vua Vajiralongkorn.

Hoàng gia Thái Lan đã gia tăng sức mạnh cho lực lượng an ninh của nhà vua, bổ sung vào biên chế gần 1.600 cảnh sát. Đầu tháng 10, quân đội cũng đưa thêm 2 đơn vị đặc biệt cho hoàng gia trực tiếp quản lý, dựa trên một sắc lệnh được nhà vua ban hành sau lễ đăng cơ vào tháng 5. Mỗi đơn vị có thể đạt quy mô hơn cấp trung đoàn với khoảng 5.000 quân.

Quyết định điều chuyển biên chế đã vấp phải phản đối từ đảng Tiến đến Tương lai (FFP) trong quốc hội Thái Lan, bày tỏ hoài nghi trước tính cấp thiết của tái cơ cấu lực lượng hoàng gia. Tuy nhiên, sắc lệnh của nhà vua cuối cùng vẫn được thực hiện.

Vua Vajiralongkorn (giữa), hoàng hậu Suthida (phải) và con gái Bajrakitiyabha Mahidol trong lễ đăng cơ của nhà vua vào tháng 5. Ảnh: AFP.

Vua Vajiralongkorn còn lấy lại quyền kiểm soát khối tài sản của triều đình, trực tiếp quản lý Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) với hàng tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng, công ty trong và ngoài nước, cùng nhiều bất động sản đắt giá. Ủy ban điều hành CPB trước đó do lãnh đạo Bộ Tài chính Thái Lan đứng đầu. Giới chuyên gia ước tính khối tài sản hoàng gia trị giá 30-60 tỷ USD.

Nhà vua ra lệnh chỉnh sửa hiến pháp, trao cho ông thêm quyền lực để giải quyết những xung đột của "thường dân". Ông cũng xây dựng một đội ngũ các chỉ huy quân sự trung thành. Mọi điều chỉnh pháp luật quan trọng của đất nước đều cần chữ ký của nhà vua.

Ông cũng ra lệnh điều chỉnh lại một phần hiến pháp mới, bổ sung một điều khoản mơ hồ rằng mọi vấn đề nảy sinh ngoài dự báo nên được giải quyết dựa trên "truyền thống".

Luật mới cũng loại bỏ yêu cầu Thái Lan có "quan nhiếp chính" khi nhà vua ở nước ngoài. Giới chuyên gia nhận định các điều chỉnh này tăng vai trò của nhà vua khi xảy ra biến động lớn trong chính trường Thái Lan.

Dù theo mô hình quân chủ lập hiến thì hoàng gia phải đứng ngoài chính trị, AFP nhận định vua Vajiralongkorn thời gian qua vẫn có nhiều động thái can thiệp ít nhiều vào chính trường Thái Lan. Ví dụ rõ nhất chính là cơn địa chấn công chúa Ubolratana ứng cử cho đảng Thai Raksa Chart, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Chiến dịch tranh cử của công chúa có biệt danh "La Poupeé" (búp bê) kéo dài chưa đầy một ngày. Vua Maha Vajiralongkorn khuya 8/2 ra sắc lệnh khẳng định đề cử trên là "không phù hợp và vi hiến", qua đó chấm dứt tham vọng chính trị của chị mình.

Thông báo của Cơ quan Nội vụ Hoàng gia Thái Lan nhấn mạnh công chúa Ubolratana vẫn là thành viên của hoàng tộc dù bà đã từ bỏ tước vị khi cưới chồng ngoại quốc vào năm 1972, do đó không được ứng cử vị trí trong chính quyền.

Tham vọng ngôi hậu, can tội bất trung

Hoàng gia Thái Lan cho biết hoàng quý phi Sineenat không tuân thủ lệnh của nhà vua Maha Vajiralongkorn, gây nên xung đột trong nội bộ hoàng gia khi có nhiều hành động lạm quyền.

Thông báo đêm 21/10 tiết lộ hoàng quý phi không những bày tỏ thái độ phản đối việc sắc phong bà Suthida làm hoàng hậu, mà còn "chống lại quyết định sắc phong ... vì những tham vọng của riêng mình". Hành động của bà Sineenat bị xem là "vô ơn trước tấm lòng của nhà vua" và đe dọa thiết chế của nền quân chủ, gây hiểu lầm cho người trong cơ quan hoàng gia và công chúng Thái Lan.

Sau quyết định đầy bất ngờ từ nhà vua, số phận và nơi ở hiện nay của bà Sineenat vẫn là ẩn số đối với truyền thông Thái Lan. Động thái mở ra một làn sóng đồn đoán tò mò về những diễn biến thật phía sau tấm màn bí ẩn bao phủ hoàng gia Thái Lan, vốn được bảo vệ bởi luật Lese Majeste cấm xúc phạm người trong hoàng tộc.

Thông tin và hình ảnh của hoàng quý phi biến mất khỏi cổng thông tin của hoàng gia Thái Lan trong ngày 22/10. Người dùng mạng xã hội nước này lập tức rộ lên phong trào #SaveKoi, bày tỏ sự thương cảm phần nào cho số phận của hoàng quý phi có biệt danh "Ngón tay út" và cuộc cạnh tranh ở chốn hậu cung.

Thật ra, việc hoàng quý phi Sineenat thất sủng không phải câu chuyện kịch tính đầu tiên về đời sống riêng tư của vua Vajiralongkorn khiến dân Thái Lan phải xôn xao.

Tháng 2/2015, cảnh sát Thái Lan bắt giữ cha mẹ ruột của cựu thái tử phi Srirasmi, người vợ thứ 3 mà nhà vua Vajiralongkorn ly hôn vào năm 2013 khi còn là thái tử. Họ bị cáo buộc vi phạm luật cấm xúc phạm hoàng gia, lợi dụng mối quan hệ để đẩy hàng xóm vào cảnh ngồi tù 12 năm.

Chú của Srirasmi, cựu lãnh đạo cấp cao lực lượng cảnh sát, chịu án tù 31 năm với nhiều tội danh từ tham nhũng, đánh bạc, bắt cóc đến tống tiền. Bản thân bà Srirasmi cũng bị phế truất mọi tước vị trong hoàng gia sau khi ly hôn và không còn được bảo vệ bởi luật Lese Majeste. Một số hình ảnh về Srirasmi được lan truyền sau đó cho thấy bà đã cạo đầu, theo AFP.

Hoàng quý phi Thái bị phế truất vì âm mưu lật đổ hoàng hậu Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã tước bỏ mọi chức vị và quân hàm của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi, cung điện hoàng gia tuyên bố tối ngày 21/10.

Tinh Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bat-ngo-phe-truat-hoang-quy-phi-vua-thai-lan-tai-khang-dinh-quyen-uy-post1004511.html