Bất ngờ số liệu 9 người dân nuôi 1 cán bộ

Dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 cán bộ nhà nước.

Thông tin trên được PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam) tính toán dựa trên số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ.

Nghịch lý càng tinh giảm biên chế, bộ máy càng phình to. Ảnh minh họa

Cụ thể, số liệu của Bộ Nội vụ cập nhật đến tháng 3/2018 cho biết, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người.

"Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách”, PGS.TS Phạm Duy nghĩa tính toán.

Với tỉ lệ công chức và viên chức trên dân số ước tính là 4,8%, ông Nghĩa cho biết, Việt Nam đang có tỉ lệ cao nhất so với các quốc gia châu Á và đây cũng được cho là nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn nghèo và yếu.

Về hiện trạng trên, hồi đầu năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo thống kê rà soát công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động năm 2017.

Trên cơ sở kiểm tra, Kiểm toán đã phát hiện cả nước thừa 57.175 nhân viên, công chức và đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động.

Đây được xem là điều nghịch lý khi mà chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy hành chính được đặt ra từ nhiều năm qua, cùng với những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng biên chế lại càng ngày càng có xu hướng tăng lên.

Đề cập tới giải pháp, ông Phạm Duy Nghĩa bày tỏ, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một sự bắt đầu phù hợp, với hy vọng sẽ lan dần tới cấp tỉnh.

Song song đó là việc tách dịch vụ công thuần túy theo địa giới hành chính tách ra khỏi các chức năng điều tiết từ TƯ (đất đai, tài nguyên, quy hoạch, bảo vệ môi trường, thuế, y tế công cộng). Đồng thời, tách công vụ, công chức dần ra khỏi các nhà chính trị TƯ và địa phương và viên chức làm việc theo hợp đồng trong khu vực công.

Đồng thời từng bước tách dần các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp ra khỏi khu vực công. Đây cũng là những chiến lược đúng, đã và đang từng bước được thực hiện.

Thừa hơn 57.000 biên chế: Không phải chuyện nhiều hay ít

Tuy nhiên, con số trên lại gây ra nhiều băn khoăn. Nếu theo con số mới công bố, gánh nặng từ số người hưởng lương trên đầu dân đang nặng hơn nhiều. Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" vừa diễn ra hồi cuối năm 2017, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra những con số gây bất ngờ.

Theo đó, ông cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).

Dân số Việt Nam hiện là 93 triệu người nhưng phải “nuôi” 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức, cộng với số người hưu trí, người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) là khoảng 7,5 triệu người. Toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người, bằng 11,5% dân số.

Đây là tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với những nước khác, ví dụ như Mỹ có dân số gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Tính trung bình cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức.

Ông Thiên cho rằng: Bộ máy của chúng ta tồn tại thực trạng: Thừa người nhưng không rõ chức năng, thiếu quyền, ít chịu trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Việt Nam lắm cấp phó, Việt Nam bàn nhiều về “ghế”, về biên chế, mà ít bàn về cơ chế, chức năng bộ máy – yếu tố quyết định cơ cấu nhân sự.

“Mỗi bộ ở Việt Nam có 5-7 thứ trưởng mà lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”. Ở các nước phát triển, bộ chỉ có một, thậm chí không có thứ trưởng mà công việc vẫn chạy trơn tru. Vấn đề là ở thể chế vận hành", ông Thiên nêu.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bat-ngo-so-lieu-9-nguoi-dan-nuoi-1-can-bo-3364411/