Bất ngờ trước những trải nghiệm độc đáo tại 'Văn hay chữ tốt'

Tại hội thi 'Văn hay chữ tốt' cấp TP, học sinh đã có những trải nghiệm mới lạ về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Sáng 28-3, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, 150 học sinh tiêu biểu đến từ các trường THCS trên địa bàn TP đã tham gia hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp TP lần thứ 24.

150 học sinh tham gia hội thi "Văn hay chữ tốt"

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết hội thi "Văn hay chữ tốt" luôn được tổ chức với nhiều sự đổi mới nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho học sinh.

Hội thi gồm 2 hoạt động trải nghiệm và viết văn.

Tại hoạt động trải nghiệm, các em cùng trí tuệ nhân tạo tham gia sáng tạo “cầm, kì, thi, họa”.

Đối với “cầm” (đàn hát), học sinh thưởng thức tiết mục văn nghệ “Thương ca tiếng Việt (Đức Trí) do các bạn học sinh biểu diễn và lắng nghe bài hát về chủ đề quê hương do trí tuệ nhân tạo sáng tác và hát. Từ đó các em nêu cảm nhận về tiết mục văn nghệ của ban nhạc và trí tuệ nhân tạo.

Học sinh chia sẻ sự khác biệt giữa các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo và con người sáng tác

Đến trải nghiệm thứ hai, các em được chứng kiến cuộc đấu trí giữa những kì thủ cờ vây, cờ tướng và trí tuệ nhân tạo. Từ đó, học sinh đưa ra nhận xét của mình.

Đến phần "thi" (thơ), cả hai cùng sáng tác thơ với các từ khóa (tuổi trẻ, thơ ca và cuộc sống). Sau đó, học sinh nhận xét, đánh giá sự khác biệt giữa các tác phẩm.

Với trải nghiệm cuối cùng, học sinh được xem tranh của trí tuệ nhân tạo và của các bạn học sinh về chủ đề “TP của tôi”. Từ đó so sánh xem bức nào thể hiện rõ tính chất “của tôi”.

Trải nghiệm khá mới lạ khiến các em phải dành nhiều thời gian suy nghĩ

Nguyễn Như Ngọc, học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 đánh giá qua những trải nghiệm trên cho thấy trí tuệ nhân tạo rất nhanh. Tuy nhiên, những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo sáo rỗng, không đem lại niềm cảm hứng cho học sinh.

Còn Phan Nguyễn Nhật Hào, học sinh Trường THCS Hậu Giang, quận 6, cho rằng trải nghiệm tại hội thi đã cho em những điều bổ ích không chỉ về khả năng văn chương mà còn là sự thấu hiểu của tâm hồn.

Những trải nghiệm sẽ giúp các em có xúc cảm để thực hiện hoạt động viết văn trong hội thi

"Trí tuệ nhân tạo có trí thông minh và khả năng vô hạn. Tuy nhiên, con người có xúc cảm, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và trái tim để yêu thương con người. Do đó, con người sẽ điều khiển trí tuệ nhân tạo để cùng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn" - Hào nói.

"Bất ngờ với những trải nghiệm tại hội thi" - cô Phạm Thị Tố Như, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp bộc bạch.

"Những trải nghiệm mang tính thời sự và giáo viên không thể dự đoán trước. Đây là lần đầu tiên giáo viên được tham gia cùng học sinh trong hoạt động trải nghiệm. Chính điều này sẽ đem lại kinh nghiệm quý báu cho tôi trong quá trình bồi dưỡng học sinh tham gia hội thi" - cô Như nói thêm.

Thí sinh sẽ làm bài trong thời gian 90 phút

Sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh được yêu cầu chọn một từ hoặc cụm từ nói về sự khác biệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo, đồng thời diễn giải ngắn gọn về lựa chọn đó.

Song song, đề thi khối 6, 7 yêu cầu viết bài văn với nhan đề “Ngày hôm nay tôi biết…”, riêng khối 8, 9 thực hành viết bài văn nghị luận trả lời câu hỏi “Phải chăng trí tuệ nhân tạo cũng là một biểu hiện cho sức mạnh của con người?”.

Đề thi khối 8-9

Đề thi khối 6-7

"Trí tuệ nhân tạo đang trở nên rất gần gũi với giới trẻ. Là học sinh giỏi văn cần phải có sự nhạy cảm với cuộc sống để nắm bắt những chuyển biến của xã hội. Phần trải nghiệm sẽ giúp các em thấy được sự khác biệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo để nhận ra giá trị của chính mình.

Văn chương phải đi từ cuộc sống, chính sự trải nghiệm sẽ mang đến những cảm xúc trong tâm hồn. Do đó "Văn hay chữ tốt" luôn gắn liền với những trải nghiệm thực tế để khơi gợi xúc cảm, giúp các em yêu văn chương".

Ông TRẦN TIẾN THÀNH, chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT TP.HCM

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-ngo-truoc-nhung-trai-nghiem-doc-dao-tai-van-hay-chu-tot-post782628.html