Bất ngờ trước poster nhân vật nhạc kịch đậm chất điện ảnh của học sinh trường Ams

Bộ poster nhân vật của vở nhạc kịch 'Yên sứ' lấy bối cảnh là thành phố Thượng Hải năm 1930 do Thôn nghệ thuật trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thực hiện được cư dân mạng trầm trồ khen ngợi.

Poster nhân vật nhạc kịch đậm chất điện ảnh của học sinh trường Ams.

G'LAMS là một chương trình nghệ thuật được thực hiện bởi Thôn nghệ thuật của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam dưới hình thức nhạc kịch. G’LAMS có nghĩa là “Glamour” – vẻ đẹp mê hoặc, khiến khán giả có thể liên tưởng đến sự hào nhoáng và lấp lánh của những vở nhạc kịch mang đậm chất Broadway, quyến rũ và đầy sắc màu.

Bằng việc dàn dựng một tác phẩm nhạc kịch học sinh, giới trẻ có thể tiếp cận với xu hướng nghệ thuật mới, đưa loại hình nhạc kịch phát triển mạnh ở Việt Nam để làm phong phú nền nghệ thuật nước nhà cũng như truyền tải những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc thông qua diễn xuất, âm nhạc và vũ đạo.

"G'LAMS 2018: Yên sứ" lấy bối cảnh ở thành phố Thượng Hải năm 1930.

Tiếp nối sự thành công của những vở kịch Emily, Họa, Anh là ai vàgần đây nhất là Nhật thực, ở mùa thứ năm này, G’LAMS quay trở lại với tác phẩm mang tên Yên sứ. Đó là một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ và không kém phần li kì, xoay quanh cô gái trẻ Bảo Ân yêu đời, lạc quan và mạnh mẽ với ước muốn được đi lên thành phố để có cuộc sống mới không còn tẻ nhạt và tìm lại người cha của mình.

Bảo Ân bắt gặp Hiểu Minh, một chàng thợ xưởng nghiêm túc, ít nói nhưng chân thành. Tới làm việc tại xưởng búp bê nức tiếng, Bảo Ân làm quen với các anh thợ và ông Phùng, một ông chủ tài ba nhưng lại chịu cảnh khuyết tật về đôi mắt. Dần trở nên thân thiết và coi những người trong xưởng như gia đình, cô cảm thấy mãn nguyện, tưởng chừng như cuộc sống mới chốn thành thị đầy ắp những niềm vui. Nhưng ẩn trong bối cảnh hào nhoáng phù hoa lại tồn tại những bí ẩn tăm tối và đầy khúc mắc.

Bảo Ân - cô gái quyết đoán, mạnh mẽ nhưng cũng mang trong mình một tâm hồn mộng mơ, trong trẻo.

Hiểu Minh - bị chính cha mẹ ruột vứt bỏ nơi góc phố chợ bẩn thỉu ngay từ khi còn nhỏ, anh được ông Phùng cưu mang, nuôi nấng và dạy dỗ trở thành cánh tay phải đắc lực. Bề ngoài luôn toát lên vẻ lạnh lùng, gai góc nhưng ẩn sâu là trái tim chân thành, thủy chung.

Xuất thân là những đứa trẻ mồ côi nghèo khó, các chàng trai này được ông Phùng cưu mang và cho làm việc trong xưởng búp bê. Dẫu cuộc sống vốn chẳng dễ dàng với họ, những người thợ xưởng vẫn luôn lạc quan và không ngừng hy vọng về tương lai tươi sáng.

Ông chủ xưởng búp bê có tiếng tăm lừng lẫy khắp Thượng Hải.

Bà Trương - mẹ của Bảo Ân.

G’LAMS 2018 kể về ước muốn đổi đời, về tình bạn và tình yêu của những người trẻ. Cùng với đó, điểm nhấn xuyên suốt câu chuyện là ước muốn được tận hưởng cuộc sống gia đình trọn vẹn và sự thay đổi nhận thức về những mối quan hệ gia đình. Gia đình, dù tồn tại những mâu thuẫn, ràng buộc, vẫn là nơi ta cảm thấy thuộc về, cảm thấy tình yêu và sự che chở.

Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 15/8 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội.

Hoài Thu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/bat-ngo-truoc-poster-nhan-vat-nhac-kich-dam-chat-dien-anh-cua-hoc-sinh-truong-ams-515330.htm