Bất ngờ trước tiềm lực xe tăng của Sudan

Quốc gia châu Phi này đã có những dây chuyền sản xuất xe tăng tương đối hiện đại, đồng thời sỡ hữu một lực lượng không quân mạnh nhất khu vực.

Các cuộc giao chiến từ ngày 15/4 giữa quân đội Sudan và lực lượng phản ứng nhanh (RSF) cùng lực lượng dân quân, đã đặt ra câu hỏi liên quan đến khả năng tác chiến trên bộ của quân đội Sudan. Một số báo cáo chưa được xác minh cho thấy những tổn thất nặng nề của các đơn vị xe tăng quân đội Sudan.

Xe tăng của Sudan đã được triển khai tới thủ đô Khartoum trong những tuần trước khi bùng nổ chiến sự, nhằm phô trương lực lượng chống lại RSF, mặc dù khả năng chống tăng của lực lượng dân quân được cho là rất “đáng gờm”.

Các đơn vị xe tăng của quân đội Sudan chủ yếu là các biến thể của xe tăng T-54/55, loại xe tăng được đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ năm 1948, đây vẫn là loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay do yêu cầu bảo trì rất thấp.

Sudan mua được những chiếc xe tăng đầu tiên của Liên Xô vào năm 1958 thông qua việc chuyển giao 20 xe tăng T-34 từ Ai Cập, số xe tăng này đã được quân đội Ai Cập mua lại từ Liên Xô. Còn những chiếc xe tăng T-54/55 đầu tiên được Sudan mua vào năm 1969 với 100 chiếc được chuyển giao từ Liên Xô.

Xe tăng T-54/55 của Sudan

Vào những năm 1970, Trung Quốc nổi lên như một nhà cung cấp xe tăng hàng đầu cho Sudan và đã bắt đầu sản xuất xe tăng Type 59 – một biến thể của T-54/55. Trung Quốc đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên cho Sudan vào năm 1972 với một lô ước tính khoảng 50 xe.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vào năm 1999 Sudan đã đặt hàng thêm 70 chiếc T-55 từ Belarus, cụ thể là biến thể T-55AM-2 nâng cao, được mua lại và hiện đại hóa đáng kể với sự hỗ trợ của Nga.

Vào thời điểm đó, hàng nghìn chiếc T-55 đã được các quốc gia kế thừa Liên Xô cho loại biên khỏi lực lượng vũ trang và chúng có thể được mua lại với chi phí không đáng kể.

Sudan đã tận dụng mạnh mẽ cơ hội này để mua lại lượng thiết bị khổng lồ từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm cả các máy bay chiến đấu MiG-29 được mua với giá chỉ 10 triệu USD mỗi chiếc cùng với các phụ tùng và vũ khí đi kèm, cho đến các máy bay trực thăng tấn công Mi-24 của Belarus và Nga.

Một đơn vị xe tăng của Sudan

Sudan còn thiết lập một dây chuyền sản xuất xe tăng Type 59D của Trung Quốc, được chế tạo theo giấy phép từ năm 2010 với tên gọi xe tăng Al Zubair. Những chiếc xe tăng này tạo thành xương sống cho lực lượng thiết giáp Sudan với khoảng 100 chiếc đang hoạt động.

Al Zubair có những cải tiến đáng kể so với thiết kế T-54/55 cơ bản, bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực tương đối hiện đại với máy tính đường đạn mới, máy đo tầm xa laser và màn hình hiển thị hình ảnh ổn định, máy tạo ảnh nhiệt và khả năng tương thích với các loại đạn mới.

Các đơn vị xe tăng ưu tú nhất của quân đội Sudan được biên chế xe tăng Type 88 của Trung Quốc, chúng gần giống với Type 96. Những chiếc này được chế tạo theo giấy phép ở Sudan từ năm 2002 với tên gọi Al Bashir.

Xe tăng Al Zubair

Ít nhất có khoảng 20 chiếc xe tăng Al Bashir đã được chế tạo. Nhu cầu bảo trì và chi phí vận hành của loại xe tăng này mặc dù thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với Type 59 và T-54/55 cũ, đây được cho là yếu tố chính khiến Sudan không đầu tư hiện đại hóa các đơn vị thiết giáp của mình theo mẫu xe tăng này.

Giá trị của Al Bashir đã được thể hiện vào năm 2012 trong các cuộc đụng độ với xe tăng T-72AV của Nam Sudan mua từ Ukraine. Việc triển khai xe tăng Al Bashir đã gây ra tổn thất đáng kể cho những chiếc T-72 của Nam Sudan trong khi không bị thiệt hại nghiêm trọng nào trong lần giao chiến đó.

Xe tăng Al Bashir

Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại của Al Bashir bao gồm dây dẫn tự động để tăng độ chính xác và bộ tăng cường hình ảnh thế hệ thứ ba, cũng như khả năng tiếp cận các loại đạn xuyên phá hiện đại hơn là những lợi thế chính.

Ngoài một số lượng nhỏ xe tăng Al Bashirs và 10 xe tăng T-72 do Iran sản xuất và chuyển giao theo giấy phép, lực lượng thiết giáp của Sudan hoàn toàn phụ thuộc vào T-54/55 và biến thể Trung Quốc là Type 59. Do tuổi thọ của xe tăng cũng như những công nghệ đã lỗi thời nên những chiếc xe tăng này rất ít khả năng sống sót trước những vũ khí chống tăng hiện đại

Theo một số nguồn tin, RSF có thể đã nhận được các lô vũ khí chống tăng mới từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất kể từ khi chiến sự bùng nổ, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận.

Trái ngược với lực lượng xe tăng, lực lượng không quân của Sudan được đánh giá rất cao, bởi quốc gia này có số lượng máy bay trực thăng ấn tượng nhất ở châu Phi hoặc thế giới Ả Rập.

Sudan đã mua 64 máy bay trực thăng tấn công Mi-24/35 từ Nga và Belarus cùng với khoảng 30 chiếc máy bay vận tải Mi-8. Với khả năng phòng không của RSF vẫn chưa được biết đến ngoài những khẩu pháo tự động gắn trên xe tải, rất có thể phi đội máy bay trực thăng sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc tấn công của quân đội Sudan thời gian tới.

Lê Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bat-ngo-truoc-tiem-luc-xe-tang-cua-sudan-1847565.html