Bất ngờ với bãi cọc Cao Quỳ vừa phát lộ từng giúp nhà Trần đánh tan giặc phương Bắc xâm lược

'Việc bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được phát lộ cho thấy chiến thắng của quân dân nhà Trần năm 1288 là cả một chiến dịch Bạch Đằng Giang quy mô chứ không chỉ là trận Bạch Đằng Giang như nhận thức lâu nay', GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Sau gần 3 tháng kể từ khi phát hiện, khảo sát, khai quật khảo cổ và nghiên cứu kỹ càng, UBND TP Hải Phòng đã có báo cáo kết quả về di tích bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).

Vào sáng 21/12, rất đông các nhà khoa học, chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu đã về Hải Phòng tham gia hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang do địa phương này tổ chức.

Ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ.

Ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ.

Tại hội nghị công bố kết quả khai quật, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp Hải Phòng khẳng định: "Trên địa bàn Hải Phòng đã nhiều lần phát hiện các cây cọc Bạch Đằng, kể cả 3 cọc được xác định từ thời Đức Vương Ngô Quyền hiện đang trưng bày tại bảo tàng Hải Phòng. Song về cơ bản, những dấu tích đó chưa đủ điều kiện để đặt ra vấn đề khai quật khảo cổ học. Rõ ràng, việc phát hiện được bãi cọc lớn nhất từ trước tới nay là một phát hiện quan trọng của ngành khảo cổ Việt Nam, mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho nhân dân Hải Phòng."

Theo ông Lê Văn Thành, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai các thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Cao Quỳ. Đồng thời, kết nối di tích bãi cọc với những quần thể di tích lịch sử quan trọng khác có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch cho huyện Thủy Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung.

Các cọc được đóng thẳng đứng hoặc nghiêng, so le nhau, có đường kính 26-46 cm; nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than

Tại buổi báo cáo, TS.Bùi Văn Hiếu – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học - đã trình bày báo cáo kết quả khai quật di tịch bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Theo đó, ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ.

Theo Viện khảo cổ, dựa vào địa tầng của khu vực này có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ.

Trên các cọc có "ngoạm" dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì "ngoạm" này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270 – 1.430.

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội nghị

GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: "Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ có ý nghĩa đặc biệt để giới nghiên cứu nhận thức rõ hơn, đúng đắn, đầy đủ sát thực hơn về chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần".

Theo ông Ngọc, từ lâu giới khoa học đã cố gắng để làm rõ sự kiện lịch sử này và phát hiện một số bãi cọc ở một số nơi thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ đã "xác định rõ hơn những nghiên cứu từ trước đến nay về chiến thắng Bạch Đằng là đúng, có cơ sở".

Trước đó, ngày 1/10, người dân địa phương phát hiện hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Sau đó, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã về Hải Phòng tiến hành 2 đợt khảo sát và khai quật 27 cọc gỗ cổ, có niên đại khoảng 1270 - 1430.

Qua cuộc khai quật, các nhà khoa học nhận định, đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn và các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, đường kính từ 26-46cm, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Chúng được chôn trong khu vực chứa nhiều bùn lẫn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ.

Kết quả khai quật cũng cho thấy, đây đơn thuần là trận địa, không phải là các kiến trúc nhà cửa để cư trú vì các cọc không có sự liên kết và đặc biệt không phát hiện bất cứ di tích, di vật nào trong khu vực bãi cọc.

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, bãi cọc Cao Quỳ được phát lộ cho thấy chiến thắng của quân dân nhà Trần năm 1288 là cả một "Chiến dịch Bạch Đằng Giang" quy mô chứ không chỉ là "Trận Bạch Đằng Giang" như nhận thức lâu nay.

Ngoài cọc bằng gỗ lim, sến, táu ... trong bãi cọc vừa tìm thấy ở Cao Quỳ có những cọc dài gần 5m, ngắn hơn 2m; đường kính lớn 0,5m, nhỏ 0,2m. Tất cả cọc được bảo quản tốt hơn nhiều so với cọc tại bãi cọc Quảng Yên (Quảng Ninh).

GS. TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản VH quốc gia phát biểu tại hội nghị

Đồng quan điểm với GS Sử học Lê Văn Lan về tầm quan trọng của bãi cọc Cao Quỳ, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến dịch Bạch Đằng Giang. Nó khiến các nhà nghiên cứu chưa thể đưa ra kết luận trận chiến trên đất Quảng Yên (Quảng Ninh) hay trên đất Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới là quan trọng.

Đến nay, các nhà khảo cổ học chưa lý giải được cách thức đóng cọc xuống lòng sông vì kết quả khai quật cho thấy nhiều chân cọc bằng.

Đinh Huyền – Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bat-ngo-voi-bai-coc-cao-quy-vua-phat-lo-tung-giup-nha-tran-danh-tan-giac-phuong-bac-xam-luoc-20191221221729814.htm