Bát nháo đầu tư thủy điện nhỏ

Doanh nghiệp tư nhân đổ xô đầu tư vào các dự án thủy điện, trong khi địa phương “buông” thẩm định, “quên” kiểm tra, giám sát, khiến có nguy cơ “vỡ” quy hoạch, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân.

Khả năng thu hồi vốn nhanh, lại dễ được ngân hàng tài trợ vốn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác, các dự án thủy điện nhỏ công suất 5 – 30MW đang hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân thuộc đủ mọi ngành nghề. Đổ xô đi làm thủy điện Chủ đầu tư của 1 trong 2 dự án thủy điện nhỏ và vừa đang được thi công tại tỉnh Phú Yên là “ông chủ đất” tại TP HCM - CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Tại Gia Lai có 17 dự án thủy điện (208,15MW) đang xây dựng, thì chỉ riêng “đại gia gỗ” Hoàng Anh Gia Lai đã “ẵm” tới 5 dự án. Ngay ở địa phương này, doanh nghiệp vốn chỉ chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng cao su là Công ty kinh doanh hàng Xuất nhập khẩu Quang Đức (Gia Lai) cũng thông báo góp hàng trăm tỷ đồng cho một số dự án thủy điện ở Kon Tum…. Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng phụ trách Thủy điện (Bộ Công thương), doanh nghiệp tư nhân có xu hướng đổ xô đầu tư vào các dự án thủy điện như “nghề tay trái” do thu hồi vốn nhanh, dễ tiếp cận được vốn tài trợ từ ngân hàng. Hệ quả là cả nước từ chỗ chỉ có 340 dự án thủy điện nhỏ được Bộ Công thương (Bộ Công nghiệp cũ) phê duyệt quy hoạch năm 2005, sau gần 5 năm đã phình lên gần 3 lần với 880 dự án (5.880 MW), chưa kể hàng chục dự án vượt quy hoạch. Tuy nhiên, công suất trung bình của các dự án được duyệt tính ra chỉ “lắt nhắt” 6 - 7 MW/dự án, tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum... Trong khi, theo ông Quân, với những dự án thủy điện dưới 5 - 6MW thực tế sẽ khó đảm bảo hiệu quả đầu tư như mong muốn. Mới đây, một loạt dự án thủy điện mini công suất phổ biến từ 2 - 5 MW đã bị Bộ Công thương loại ra khỏi quy hoạch như: Khe Cách (Bình Định), Sông Trang (Khánh Hòa)… Đáng nói, theo ông Quân, trong khi đổ xô đi làm thủy điện, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng “lơ mơ” về thủy điện. “Chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ hiện chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, thiếu thiết bị, cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm đầu tư xây dựng thủy điện nên quản lý chất lượng công trình chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo an toàn với môi trường”, ông Quân nói. Nguy cơ vỡ quy hoạch Kết quả kiểm tra về tình hình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án, nhà máy thủy điện ở 9 tỉnh miền Trung do Bộ Công thương chủ trì mới đây cho thấy, không ít dự án xây dựng vượt quy hoạch nhờ được địa phương “tạo điều kiện”. Chẳng hạn tại Lào Cai dẫn đầu cả nước khi có tới 110 dự án, theo lãnh đạo Vụ Năng lượng, khi biết chủ đầu tư làm ăn “lem nhem”, UBND tỉnh có quyền đình chỉ thi công ngay. Tuy nhiên, do tỉnh “cả nể”, nên lừng chừng, gây bức xúc dư luận và nhân dân địa phương thời gian qua. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhận xét: “Nhiều địa phương vì muốn tăng GDP bằng mọi giá đã chiều chuộng nhà đầu tư thái quá, cấp phép các dự án thủy điện nhỏ tràn lan, nguy cơ làm vỡ quy hoạch. Do làm ngoài quy hoạch, có dự án thủy điện làm xong không có chỗ đấu nối vào lưới điện truyền tải, phát sinh tranh chấp kiện tụng như đã xảy ra ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên. Thậm chí, tỉnh “nhắm mắt” làm ngơ, ngay cả khi dự án đó tàn phá tài nguyên, hủy hoại môi trường”, ông Ngãi nói. Theo thẩm quyền được phân công, Sở Công thương các tỉnh, thành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thi công các dự án thủy điện. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Quân thì may lắm có Sở 6 tháng đi kiểm tra 1 lần, còn không thì 1 - 2 năm/lần, thậm chí quên bẵng kiểm tra, cũng như quên luôn việc báo cáo Bộ theo quy định... “Tình trạng này phổ biến đến mức hễ kiểm tra bất kỳ địa phương nào có dự án thủy điện theo quy hoạch cũng dễ dàng nhìn thấy sai phạm”, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng Đỗ Đức Quân than thở. Lam Thanh

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Bat-nhao-dau-tu-thuy-dien-nho/20105/94830.datviet