Bát nháo dạy online từ những 'giáo viên' không bằng cấp

Những năm qua câu chuyện 'giáo viên online' sử dụng các chiêu trò để tăng theo dõi, thu hút người học, trong khi trình độ kém, thậm chí không có bằng cấp hoặc kỹ năng sư phạm đang tạo ra nhiều thách thức và tranh cãi đối với loại hình này.

Trong thời đại số hóa và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc dạy học online đã trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến. Cùng với sự phát triển này, xuất hiện hàng loạt các "khóa học online" và "giáo viên online" thu hút hàng nghìn học sinh tìm kiếm kiến thức và ôn thi vào các kỳ thi quan trọng.

Tuy nhiên, những năm qua, câu chuyện “giáo viên online” sử dụng các chiêu trò để tăng theo dõi, thu hút người học, trong khi trình độ kém, thậm chí không có bằng cấp hoặc kỹ năng sư phạm đang tạo ra nhiều thách thức và tranh cãi đối với loại hình này.

Mạng xã hội nổi lên với hàng loạt "giáo viên online"

"Giáo viên online" không bằng cấp, chứng chỉ sư phạm!

Cách đây 2 năm, "hiện tượng mạng" “cô giáo” Minh Thu nhận được sự chú ý lớn của dân mạng, khi ấy được biết đến là hình mẫu "cô giáo vật lý kiểu gen Z" và thường xuyên livestream (phát video trực tiếp) chia sẻ kiến thức miễn phí.

Nổi lên nhờ ngoại hình xinh xắn, song Minh Thu khiến nhiều người phẫn nộ với loạt hành động dạy học chẳng giống ai. Từ việc sử dụng ngôn ngữ thô tục đến việc thúc đẩy học trò chơi game trong giờ học và thậm chí nhận tiền donate từ học sinh, tất cả đã khiến cô trở thành tâm điểm của sự phản đối từ cộng đồng mạng.

Đặc biệt, việc phát hiện Minh Thu không có trình độ giảng dạy đủ, không tốt nghiệp Sư phạm Vật lý, và liên tục mắc sai lầm trong việc truyền đạt kiến thức cơ bản đã khiến cô phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng mạng, yêu cầu cô gỡ bỏ danh xưng "giáo viên".

Hay câu chuyện mạng xã hội xôn xao về sự việc cô giáo dạy Văn nổi tiếng trong làng dạy online ở Hà Nội bị dính liên hoàn phốt, khi có nhiều hành động phản cảm như: Chửi mắng học sinh, chất lượng dạy học không như quảng cáo, nói xấu đồng nghiệp, chụp bộ phận nhạy cảm gửi học sinh… cũng đã từng gây xôn xao dư luận...

Mới đây, một phụ huynh tại Hà Nội cho biết, khi lướt mạng xã hội thì thấy các bài đăng quảng cáo "khóa học online" rất nhiều. Trong đó, có nổi lên là "Thầy Vũ Ngọc Anh - chuyên luyện thi Vật Lý lớp 10,11,12". Trong một số clip giới thiệu về khóa học của mình "thầy giáo online" giới thiệu mình có tới 10.000 học sinh học online trên cả nước, với kinh nghiệm dạy trong 8 năm và khẳng định mình là top 1 thầy giáo dạy online môn Vật lý trên toàn quốc "không thể nào khác được".

Vũ Ngọc Anh là một người khá nổi trên mạng xã hội khi chuyên luyện thi Vật Lý online cho học sinh

Tuy nhiên theo vị phụ huynh, khi tìm hiểu kỹ hơn về "thầy giáo online" Vũ Ngọc Anh tại một số bài đăng "bóc phốt" thì được biết, người này sinh năm 1997 và từng bị buộc thôi học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Không những thế, theo phản ánh của một số giáo viên dạy bộ môn Vật lý, "thầy giáo online" Vũ Ngọc Anh trên các trang mạng xã hội của mình với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và được giới thiệu nhiều thành tích nổi bật, với những "bảng vàng" điểm cao của học sinh tham gia các khóa học online.

Tuy nhiên, trong nhiều clip bài giảng lại thể hiện thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy. Như, quên kiến thức một cách khó hiểu, không chỉ thế có những bài giảng "thầy giáo online" Vũ Ngọc Anh dạy sai kiến thức, đưa ra định nghĩa lung tung không đúng bản chất.

Clip: Bài giảng thể hiện thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy, quên kiến thức một cách khó hiểu.

Được biết, Vũ Ngọc Anh là một người khá nổi trên mạng xã hội khi chuyên luyện thi Vật Lý online cho học sinh, các nền tảng mạng xã hội có hàng trăm nghìn người theo dõi.

Từ những phản ánh của phụ huynh và một số giáo viên, chia sẻ về công việc làm "thầy giáo online" Vũ Ngọc Anh cho biết, do thời gian dạy trực tuyến tần suất nhiều và kéo dài nên không thể nào dạy đúng được 100% các kiến thức, cũng có lúc nói nhầm, nói sai, "để mà nói lỗi sai soi bất cứ giáo viên nào cũng có, đến sách giáo khoa viết còn nhiều lỗi".

Clip: Không hiểu về bản chất và tính chất sinh lý, vật lý của âm nên đưa ra nhận xét sai lầm: “hai âm Rê và Sol cùng một loại đàn thì chắc chắn cùng âm sắc” trong khi đây là hai âm khác nhau về tần số.

Vũ Ngọc Anh cũng cho biết thêm, ngoài học sinh học online, số lượng học sinh học offline cũng rất nhiều. Ngoài ra, Vũ Ngọc Anh cũng thừa nhận việc mình đã bỏ ngang khi đang theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo các chuyên gia, không phủ nhận, cũng có rất nhiều giáo viên dạy online tốt dù có bằng cấp Sư phạm hay không. Tuy nhiên khi các "khóa học online" bùng nổ, cũng cần có khung quy chế rõ ràng để đảm bảo công bằng cho những giáo viên chính thống, và cũng khiến môi trường giáo dục được trả về với đúng giá trị của nó.

Không nhưng thế, cần có những biện pháp kiểm soát và quản lý chất lượng trong việc dạy "khóa học online". Như, tạo ra cơ chế kiểm tra và đánh giá người dạy để đảm bảo rằng họ có đủ kiến thức và kỹ năng để giảng dạy. Khuyến khích việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy trong một cộng đồng chuyên nghiệp, giúp người học tiếp cận thông tin đáng tin cậy.

Còn trước hết, người học cần tự bảo vệ bản thân bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng những khóa học online của mình.

In và bán sách lậu?

Ngoài dạy các khóa học có thu phí Vũ Ngọc Anh cũng bán các bộ sách do người này tự viết. Tuy nhiên, theo phản ánh nhiều bộ sách không đủ điều kiện để rao bán ra thị trường...

Theo phản ánh nhiều bộ sách không đủ điều kiện để rao bán ra thị trường...

Đăng ký mua sách trên kênh Tiktok của Vũ Ngọc Anh, quyển tựa đề “Chinh phục đồ thị dao động cơ”, cuốn sách có mệnh giá 220 nghìn đồng với độ dày hơn 200 trang, được in màu. Đáng chú ý, ngay ở trang bìa của cuốn sách in rất rõ dòng chữ “tài liệu lưu hành nội bộ”. Bên cạnh đó, trong cuối sách không có trang xi – nhê (thể hiện giấy phép xuất bản, số lượng người chịu trách nhiệm nội dung).

Theo Vũ Ngọc Anh, cuốn sách nêu trên đã được xin Giấy phép số 2152 của Nhà xuất bản Dân Trí. Tuy nhiên, việc sách lưu hành nội bộ lại được bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này đã không thực hiện đúng theo quy định pháp luật về việc thương mại. Bên cạnh đó, việc không in trang xi – nhê sẽ rất khó kiểm soát về số lượng đầu ra của loại sách này.

Ngoài dạy các khóa học có thu phí Vũ Ngọc Anh cũng bán các bộ sách trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử

Theo chuyên gia pháp lý, việc in sách của mình ra để bán dưới góc độ pháp luật là hoạt động xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh.

Theo khoản 1 Điều 36 Luật xuất bản 2012 quy định về cơ sở phát hành xuất bản phẩm bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, hộ kinh doanh xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là cơ sở phát hành). Việc bán sách đến người tiêu dùng phải thông qua cơ sở phát hành sách. Cá nhân muốn bán sách phải đăng hộ kinh doanh xuất bản phẩm hoặc doanh nghiệp… theo quy định pháp luật.

Như vậy hành vi viết sách và tự in bán là hành vi trái với quy định pháp luật về xuất bản sách. Cá nhân có hành vi vi phạm các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-nhao-day-online-tu-nhung-giao-vien-khong-bang-cap-post264087.html