Bất ổn đe dọa bầu cử tổng thống ở Afghanistan

ND- Ngày 20-8 tới, cử tri Afghanistan sẽ đi bỏ phiếu với hy vọng bầu ra một nhà lãnh đạo đủ năng lực để ổn định đất nước, nâng cao đời sống người dân và chấm dứt tình trạng tham nhũng trong các cơ quan công quyền. Cuộc bầu cử này được coi là phép thử quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm bình ổn quốc gia Nam Á này.

Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ hai trong vòng tám năm kể từ khi chế độ Hồi giáo hà khắc Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Đã tám năm, nhưng Afghanistan vẫn chưa có một ngày im tiếng súng. Theo LHQ, trung bình mỗi ngày, một binh sĩ phương Tây, bốn cảnh sát địa phương và ít nhất tám dân thường bị sát hại. Đã năm năm ở Afghanistan có một chính quyền do dân trực tiếp bầu ra, được Mỹ và NATO hỗ trợ an ninh, nhưng phạm vi kiểm soát trật tự và an ninh chưa thể vươn xa ngoài Thủ đô Kabul, thậm chí ngay tại Kabul cũng xảy ra nhiều cuộc tiến công của Taliban. Tình trạng mất an ninh đã cản trở quá trình xây dựng lại đất nước này. Đến nay, Afghanistan vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chủ yếu sống nhờ viện trợ của quốc tế. Một phần lớn thu nhập của dân cư lại từ nguồn bất hợp pháp là sản xuất và buôn lậu ma túy, tới ba tỷ USD/năm. Hơn 100 nghìn quân từ 42 nước, trong đó hơn một nửa là lính Mỹ nhưng chưa vô hiệu hóa hoạt động của tàn quân Taliban. Trên thực tế, tám năm qua, chưa bao giờ Taliban từ bỏ vũ khí và thừa nhận thất bại. Sau một vài năm củng cố lực lượng, từ năm 2006, Taliban tiến hành trở lại các cuộc nổi dậy, chống phá, và được bắt đầu từ các căn cứ địa truyền thống ở miền nam và miền đông Afghanistan, dần dần lan ra miền tây và miền bắc vốn ổn định hơn và gần đây đã vươn tới tận ngoại ô Kabul. Năm 2005, Tổng thống Mỹ lúc đó là G.Bu-sơ còn vui mừng cho rằng, dân chủ ở Afghanistan đã "nở rộ" và mơ tưởng xây dựng một "Đại Trung Đông" theo mô hình dân chủ kiểu Mỹ mà Afghanistan là một nước tiên phong. Nhưng trong vòng ba năm sau đó, Oa-sinh-tơn phải thừa nhận tình hình ở Afghanistan "xấu dần đi", đến mức, khi ông Ô-ba-ma lên làm Tổng thống Mỹ đã phải xác định lại mục tiêu chiến lược ở Afghanistan là khôi phục an ninh, ngăn chặn Taliban trở lại cầm quyền và phải đưa ra chiến lược mới cùng với việc tăng quân, thay tướng ở nước Nam Á này. Dân thường là người phải gánh chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến đang ngày càng lan rộng giữa Taliban và liên quân do Mỹ cầm đầu. Theo LHQ, khoảng 2.100 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng trong năm 2008, tăng 40% so với năm 2007. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay đã có 1.013 dân thường chết, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hai phần ba do phiến quân giết hại, một phần ba do các lực lượng Mỹ và NATO phải chịu trách nhiệm. Mặc dù uy tín giảm nghiêm trọng do thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực và chống tham nhũng, Tổng thống đương nhiệm Karzai, 51 tuổi, vẫn được xem là ứng cử viên có triển vọng hơn cả. Ông Karzai sẽ phải tranh đua với hơn 30 ứng cử viên khác, trong đó đối thủ tiềm năng nhất là cựu Bộ trưởng Ngoại giao A.Abdulla. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, Tổng thống Karzai khẳng định, nếu tái đắc cử, ông sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho hòa bình và an ninh của đất nước, thúc đẩy các tiến trình hòa giải dân tộc: tăng gấp đôi quy mô các lực lượng an ninh và thúc đẩy kế hoạch hòa đàm với Taliban thông qua sự trung gian của A-rập Xê-út. Trong chiến dịch tranh cử, ông Abdulla cũng đưa ra các cam kết về hòa bình, an ninh và ổn định, nhưng nhấn mạnh quyết tâm diệt trừ tham nhũng, cam kết tiến tới một chế độ nghị viện và tổ chức bầu cử trực tiếp các thống đốc tỉnh và khu vực chứ không tiếp tục chính sách chỉ định của Tổng thống hiện nay. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Afghanistan cho thấy, ông H.Karzai đang dẫn đầu cuộc đua tranh chức tổng thống, nhưng sẽ khó đạt đủ số phiếu quá bán để tránh một cuộc bầu cử vòng hai. Tổng thống Karzai hiện nhận được sự ủng hộ của khoảng 45% số cử tri, cao hơn nhiều so với ông Abdulla, chỉ được 25% số ý kiến ủng hộ. Tiếp theo là cựu Bộ trưởng Kế hoạch R.Ba-sa-đốt được 9% và cựu Bộ trưởng Tài chính A.Ga-ni được 4%. Theo quy định bầu cử của Afghanistan, nếu không có ứng cử viên nào nhận được số phiếu ủng hộ quá bán ngay trong vòng đầu thì hai người có số phiếu cao nhất phải bước vào cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10 tới. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Karzai đã giảm mạnh so với 55% số phiếu ông giành được trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 2004, ông Karzai vẫn có nhiều triển vọng đắc cử nhất vì có lợi thế đang nắm bộ máy nhà nước và thành tựu lớn nhất của ông kể từ khi làm tổng thống là tránh được những chia rẽ về sắc tộc, một điều được coi là sống còn với đất nước Afghanistan từng bị nhấn chìm trong chiến tranh sắc tộc nhiều năm trước đây. Thách thức lớn nhất đối với cuộc bầu cử lần này không phải là sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên mà là việc bảo đảm an ninh cho bầu cử. Càng gần tới ngày bầu cử, Taliban càng đẩy mạnh các hoạt động bạo lực nhằm phá hoại bầu cử, ngăn cản người dân đi bỏ phiếu như tiến công cả các ứng cử viên, nhân viên vận động bầu cử và phóng viên nước ngoài tới đưa tin về bầu cử. Mới đây, Taliban đã bắn ít nhất chín quả rốc-két vào Thủ đô Kabul và vài ngày sau đánh bom liều chết ngay ngoài trụ sở Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở trung tâm Kabul, làm ít nhất 100 người chết và bị thương. Taliban đặc biệt đẩy mạnh bạo lực ở miền nam vốn là sào huyệt của lực lượng này, cũng là nơi Tổng thống Karzai được nhiều cử tri ủng hộ nhất. Mỹ và NATO ba tháng qua đã ra sức tiến hành các chiến dịch truy quét phiến quân ở vùng này, nhưng chưa mấy hiệu quả, lại phải chịu thương vong lớn. Tháng 7 trở thành tháng thương vong lớn nhất đối với liên quân và Mỹ kể từ năm 2001. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã hơn 100 lính nước ngoài chết, trong đó một nửa là lính Mỹ. Ủy ban bầu cử Afghanistan cho biết, có 7.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước, nhưng dự kiến phải đóng cửa tới 10% do mất an ninh. Riêng tại tỉnh Hen-man có 1.000 điểm bỏ phiếu nhưng phần lớn có thể phải đóng cửa hoặc không có cử tri đến bỏ phiếu. Tình hình an ninh không bảo đảm khiến các quan sát viên quốc tế lo ngại rằng, liệu cuộc bầu cử có thể đủ tin cậy, an ninh và đủ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu để được coi là thành công hay không. Và dù kết quả cuộc bầu cử thế nào, ai sẽ làm tổng thống Afghanistan nhiệm kỳ tới thì an ninh vẫn là mối quan tâm trước tiên của chính phủ mới. Nhưng an ninh ở Afghanistan thời gian tới vẫn phụ thuộc chủ yếu vào cuộc chiến giằng co giữa Mỹ và NATO với Taliban và Al Qaeda. Thành An

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155004&sub=135&top=45