Bất thường đằng sau Đề án sáp nhập Trung tâm Dạy nghề ở Hải Dương?

Công việc đang trôi chảy, hoạt động không dùng đến ngân sách nhưng Trung tâm Dạy nghề Hải Dương bỗng nhiên nằm trong Đề án sáp nhập nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…

Ngày 10/11/2017, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Lao động - TBXH) tỉnh Hải Dương có tờ trình gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Đề án sáp nhập Trung tâm Dạy nghề vào Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - TBXH.

Theo Sở Lao động - TBXH tỉnh Hải Dương, mục tiêu của việc sáp nhập này nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, phát huy tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có của 2 Trung tâm…

Trung tâm Dạy nghề Hải Dương đang hoạt động khá tốt và tự chủ về tài chính nhưng lại nằm trong Đề án sáp nhập

Trung tâm Dạy nghề Hải Dương được thành lập từ cuối năm 2014 với chức năng chính là đào tạo nghề và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Dù mới hình thành được vài năm nhưng hoạt động của trung tâm đã dần đi vào ổn định, có hiệu quả. Chính vì thế nên khi Đề án trên được đưa ra đã khiến nhiều người băn khoăn “có gì đó không bình thường”.

Bởi Trung tâm Dạy nghề là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, mọi hoạt động của trung tâm hầu như không dùng đến ngân sách Nhà nước, kể cả lương của cán bộ viên chức và hàng chục cộng tác viên khác trong trung tâm.

Cũng vì là đơn vị tự chủ tài chính nên nhiều người trong trung tâm phải cố gắng nỗ lực làm việc cho hiệu quả để có nguồn thu, còn những ai không đủ khả năng thì đành chấp nhận cơ chế “đào thải” giống như những doanh nghiệp tư nhân khác. Đây là mô hình mới hiệu quả và cũng là chủ trương rất đúng đắn mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang khuyến khích mở rộng, phát triển.

Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - TBXH lại là đơn vị được hưởng nhiều từ ngân sách. Việc sáp nhập một đơn vị tự chủ vào một đơn vị hưởng ngân sách rất dễ tạo ra độ vênh trong việc quản lý, hoạt động, đồng thời gây nên tâm lý bất ổn cho nhiều nhân viên đang tâm huyết, nỗ lực với nghề ở hai trung tâm. Họ băn khoăn, lo lắng rằng tới đây khi sáp nhập, liệu họ còn được làm tiếp công việc đã nhuần nhuyễn bao năm nay hay lại phải chuyển sang một công việc mới và phải bắt đầu lại từ đầu?

Sở Lao động - TBXH tỉnh Hải Dương

Một vấn đề khác cũng rất cần được lãnh đạo tỉnh Hải Dương lưu tâm, đó là hiện ở Sở Lao động-TBXH tỉnh Hải Dương có 8 trung tâm thì có một số trung tâm “na ná” nhau về chức năng nhiệm vụ nhưng không hiểu sao chỉ có Trung tâm Dạy nghề - một đơn vị tự chủ lại nằm trong diện phải sáp nhập?

Có thể kể ra vài trung tâm đang hưởng ngân sách và khá giống nhau về chức năng, nhiệm vụ nhưng không phải sáp nhập, như: Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương với Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội Hải Dương; Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương với Trung tâm điều dưỡng Người có công. Ngoài ra cũng phải kể đến một trung tâm mà theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi năm đơn vị này hưởng nhiều tỉ đồng ngân sách nhưng chỉ để phục vụ cho một số ít người.

Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, phát huy tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Lao động - TBXH Hải Dương nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, sắp xếp chỗ nào, tinh giản ra sao phải được xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nếu làm ôm đồm theo kiểu “vơ bèo vạt tép” vì vấn đề chỉ tiêu thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

VIẾT CƯỜNG

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/bat-thuong-dang-sau-de-an-sap-nhap-trung-tam-day-nghe-o-hai-duong-30881