Bất thường đấu giá

Nhiều cuộc đấu giá mà người trúng thầu 'được' giá cao gấp nhiều lần so với giá sàn khiến dư luận đặt vấn đề về sự 'bất thường' này.

Đấu giá là một quá trình mua và bán bằng cách đưa ra món hàng cần đấu giá, ra giá và sau đó bán món hàng cho người ra giá cao nhất. Nên lẽ thường, một món hàng hay một tài sản mang ra đấu giá càng được trả giá cao thì càng tốt, càng có lợi cho người bán. Thế nhưng có những cuộc đấu giá, mức giá cuối cùng mà người trúng thầu được lại cao ngất ngưởng, “vượt xa mức mong đợi”, khiến dư luận phải đặt câu hỏi về việc trúng thầu này.

Điển hình mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức đấu giá 3 mỏ cát là Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá 3 mỏ cát này, thời gian đấu giá kéo dài từ 9 giờ ngày 5 đến gần 6 giờ sáng 6/11.

Kết quả đấu giá, mỏ Châu Sơn có giá khởi điểm hơn 2,8 tỉ đồng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn trúng thầu với giá hơn 396 tỉ đồng, gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm; mỏ Tây Đằng - Minh Châu có giá khởi điểm hơn 19 tỉ đồng được Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá với giá gần 884 tỉ đồng, gấp khoảng 46 lần giá khởi điểm và mỏ Liên Mạc được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng thầu với giá hơn 408 tỉ đồng, gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm (hơn 2 tỉ đồng).

Trước đó, một số vụ đấu giá với mức giá trúng thầu cũng đã làm không ít người “giật mình”. Chẳng hạn như vụ trúng đấu giá hơn 151 tỉ đồng thuê nhà hàng Thủy Tạ trên Hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cao gần gấp 5 lần giá khởi điểm; vụ trúng đấu giá biển số xe 51K-888.88 với mức giá kỷ lục hơn 32 tỷ đồng; vụ Công ty Tân Hoàng Minh trúng thầu lô đất tại Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) với giá hơn 2 tỉ đồng/m2…

Có thể nói, việc các cá nhân, đơn vị tham gia đấu thầu với giá cao ngất ngưởng đều “có vấn đề” chứ không phải được giá cao là đã thành công. Bởi, với mức giá trúng thầu quá cao, cá nhân hoặc tổ chức sau đó có thể bỏ cọc, nhẹ thì gây mất thời gian để đấu giá lại, nặng thì gây lũng đoạn thị trường khi “tình cờ” lập ra mặt bằng giá mới.

Luật Đấu giá tài sản đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, tuy nhiên hiện luật này vẫn còn nhiều kẽ hở nên có tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.

Theo đó, để có thể hạn chế tình trạng này, ngành chức năng có liên quan cần nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô hoặc giá trị của tài sản đấu giá; quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước... Điều này phần nào khắc phục tình trạng người tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một hoặc một vài người đặt tiền trước.

Với sự “bất thường” từ việc đấu giá 3 mỏ cát, ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1087/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi; đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Việc đấu giá tài sản là hình thức phổ biến hiện nay và trong giai đoạn tới nhằm tạo sự minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá tài sản công, do đó cần phải được làm một cách chặt chẽ, có kiểm soát; đồng thời cơ quan chức năng có liên quan cần nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.

Được biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm giải quyết các vấn đề còn hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với một số luật có liên quan mới được sửa đổi, ban hành.

Minh Thuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/bat-thuong-dau-gia-20231113193656376.htm