Bất thường việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Nam Á

Nhiều cổ đông sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Nam Á đã yêu cầu ngân hàng này giải thích lý do về việc sổ cổ phần của họ tại ngân hàng đã chuyển chủ mà bản thân chủ sở hữu cổ phần không hay biết.

Ảnh MH

Ảnh MH

Nhóm cổ đông gồm 6 người, sở hữu khoảng 38 triệu cổ phần tại Ngân hàng Nam Á đã ủy quyền cho Văn phòng luật sư Lương Khải Ân làm việc với Ngân hàng Nam Á và đơn vị quản lý sổ cổ đông của ngân hàng là Công ty chứng khoán Bảo Minh (BMSC) để làm rõ việc họ bị mất cổ phần một cách lạ lùng. Văn phòng luật sư Lương Khải Ân đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nam Á và Công ty BMSC trích lục thông tin từ sổ cổ đông để có thông tin liên quan đến việc sở hữu cổ phần của các cổ đông này.

Ngày 18/6/2018, Ngân hàng Nam Á đã có văn bản gửi Văn phòng luật sư Lương Khải Ân và khẳng định, Công ty BMSC đã cung cấp thông tin cho thấy, 6 cổ đông có yêu cầu tra cứu thông tin từ sổ cổ đông đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một số cổ đông Ngân hàng Nam Á, trong đó có cổ đông yêu cầu Ngân hàng Nam Á làm rõ việc bị mất cổ phần

Theo Ngân hàng Nam Á, các cổ đông này đã chuyển nhượng cổ phần từ ngày 26/12/2016 đến ngày 2/3/2018. Ngân hàng Nam Á cũng khẳng định, việc chuyển nhượng cổ phần của 6 cổ đông này được thực hiện theo đúng quy định của ngân hàng.

Tuy nhiên, câu trả lời từ Ngân hàng Nam Á được cho là không thuyết phục. Theo yêu cầu của tổ chức đại diện cho 6 cổ đông này, ngân hàng cần phải cung cấp thông tin liên quan đến việc chuyển nhượng như đối tượng nhận chuyển nhượng, chứng từ đóng phí hay nộp thuế thu nhập cá nhân và bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để chứng minh giao dịch chuyển nhượng cổ phần đã được thực hiện. Việc chỉ cung cấp thông tin rằng, nhóm cổ đông này đã chuyển nhượng cổ phần và đã không còn sở hữu cổ phần của Ngân hàng Nam Á như cách mà HĐQT ngân hàng đã trả lời là khó chấp nhận.

Một điều rất không bình thường trong vụ việc này là các cổ đông sở hữu hàng triệu cổ phần của Ngân hàng Nam Á, có tỷ lệ sở hữu rất lớn lại cho rằng họ không chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Vậy, ai là người đã thực hiện việc mua bán cổ phần này và việc mua bán cổ phần có hợp pháp khi mà chính chủ sở hữu lại không biết cổ phần của mình đã bị bán?

Thông tin giao dịch cổ phần của 2 trong số 6 cổ đông bị mất cổ phần được tìm thấy trên mạng Internet

Được biết, chuyện mua bán cổ phần rất bất thường này đã được đại diện các cổ đông gửi đến Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để làm rõ và xử lý nếu có sai phạm. Hiện nay, vụ việc đã được giao cho Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP Hồ Chí Minh (Cục II) thụ lý, giải quyết. Cục II là đơn vị độc lập, có Phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng để thực hiện chức năng xem xét, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã thông tin về việc cổ đông của Ngân hàng Nam Á là ông Nguyễn Văn M đã khởi kiện ngân hàng này ra Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh để buộc Ngân hàng Nam Á phải xác định lại số cổ phần mà ông đang sở hữu là 11.426.639 cổ phần; buộc cấp sổ cổ đông và đảm bảo các quyền hợp pháp của cổ đông trong thời gian làm mất cổ phần cho đến khi cấp lại sổ cổ đông. Theo hồ sơ vụ kiện nay, Ngân hàng Nam Á cũng bị tố là đã chuyển nhượng cổ phần của cổ đông này mà chủ sở hữu cổ phần không hay biết.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/bat-thuong-viec-chuyen-nhuong-co-phan-tai-ngan-hang-nam-a-398860.html