Bầu cử Hà Lan: Thêm một cơn địa chấn ở châu Âu

Chính trị gia dân túy cực hữu của Hà Lan Geert Wilders đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 22.11, và có cơ hội dẫn đầu các cuộc đàm phán để thành lập một liên minh cầm quyền mới để trở Thành thủ tướng cực hữu đầu tiên của Hà Lan. Điều này có thể mang đến một 'cơn địa chấn' khác cho nền chính trị châu Âu.

Châu Âu đang cực hữu hóa?

Đảng vì tự do (PVV) cực hữu của ông giành được 37 ghế trong Hạ viện 150 ghế, nhiều hơn gấp đôi so với 17 ghế mà đảng này giành được ở cuộc bầu cử lần trước. Cuộc bầu cử được tiến hành sau khi liên minh thứ 4 và cuối cùng của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte từ chức vào tháng 7 sau những bất đồng về các biện pháp hạn chế người di cư.

Chính trị gia dân túy cực hữu của Hà Lan Geert Wilders ăn mừng chiến thắng. Ảnh: AP

Ông Rutte đã tuyên bố từ giã chính trường, và bà Dilan Yeşilgöz-Zegerius, một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, thay ông lãnh đạo Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) theo đường lối bảo thủ tự do. Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Đảng VVD đứng thứ ba với 24 ghế. Liên minh đảng Lao động Cánh tả (GL/PvdA) do cựu ủy viên EU Frans Timmermans lãnh đạo đứng thứ hai với 25 ghế.

Cuộc tổng tuyển cử từng được gọi là “cuộc đua cân não”, với việc ban đầu bà Yeşilgöz-Zegerius được dự đoán có thể trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của “xứ sở cối xay gió”, nhưng cuối cùng ông Wilders đã dễ dàng đánh bại mọi đối thủ.

Chiến thắng của ông Wilders mang đến một “cơn địa chấn” khác cho nền chính trị châu Âu một năm sau khi những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu lên nắm quyền ở Italy.

Kết quả này là kết quả mới nhất trong một loạt cuộc bầu cử đang làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu. Từ Slovakia và Tây Ban Nha, đến Đức và Ba Lan, các đảng dân túy và cực hữu đã giành chiến thắng ở một số quốc gia thành viên EU và chùn bước ở một số quốc gia khác.

Quan điểm bảo thủ

Đảng PVV từng đưa ra những tuyên ngôn khá bảo thủ, chẳng hạn việc kêu gọi cấm các nhà thờ Hồi giáo, kinh Koran và việc mang khăn trùm đầu Hồi giáo trong các tòa nhà chính phủ.

Về phần mình, ông Wilders đã hứa với cử tri về một cuộc trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc về việc rời khỏi EU và phản đối một loạt chính sách của khối về các vấn đề như biến đổi khí hậu và nhập cư. “Hy vọng của người dân Hà Lan là họ sẽ lấy lại được đất nước của mình”, ông Wilders nói sau một cuộc thăm dò ý kiến do đài truyền hình nhà nước NOS công bố.

Chiến thắng bước ngoặt của phe cực hữu ở Hà Lan diễn ra đúng một năm sau chiến thắng của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Chủ tịch của Đảng Anh em Italy (FdI) – một chính đảng có tư tưởng bảo thủ cực đoan. Tuy nhiên, bà Meloni kể từ khi lên nắm quyền đã thay đổi lập trường của mình về một số vấn đề và trở thành gương mặt được chấp nhận của phe cánh hữu cứng rắn ở EU. Điều này liệu có thể được kỳ vọng ở Hà Lan hay không?

Trên thực tế, ông Wilders nổi tiếng thế giới với quan điểm chính trị chống Hồi giáo gay gắt và bị một thẩm phán Hà Lan kết án vì phân biệt đối xử sau khi ông xúc phạm người Morocco tại một cuộc vận động tranh cử năm 2014.

Nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, người đã 2 lần tiến rất gần đến quyền lực cao nhất ở Điện Elysee, đã ca ngợi ông Wilders và Đảng PVV của ông “vì thành tích ngoạn mục của họ trong cuộc bầu cử lập pháp, khẳng định sự gắn bó ngày càng tăng với việc bảo vệ bản sắc dân tộc”. “Chính vì có những người không chịu nhìn ngọn đuốc dân tộc bị dập tắt, nên hy vọng về sự thay đổi vẫn còn tồn tại ở châu Âu”, bà Le Pen nói.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có quan điểm khắc nghiệt tương tự về vấn đề di cư và các thể chế EU, đã nhanh chóng chúc mừng ông Wilders. “Những cơn gió của sự thay đổi đang ở đây! Xin chúc mừng”, ông Orban nói.

Bất chấp lời lẽ gay gắt của mình, ông Wilders đã thu hút các đảng cánh hữu và trung dung khác bằng cách tuyên bố rằng bất cứ điều gì ông làm, “điều đó sẽ nằm trong luật pháp và hiến pháp”.

Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Wilders đã phần nào mềm mỏng hơn trong lập trường của mình, và cam kết ông sẽ là Thủ tướng của tất cả người dân Hà Lan. Ông thậm chí còn có biệt danh mới là Geert “Milders” (mềm mỏng hơn).

Nhưng ông Wilders, người từng được coi là “Donald Trump phiên bản Hà Lan”, sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh trước khi có thể lên nắm quyền và trở thành Thủ tướng. Trong bài phát biểu sau bầu cử của mình, ông Wilders đã kêu gọi thành lập một liên minh bao gồm VVD theo chủ nghĩa tự do, cho đến gần đây vẫn được lãnh đạo bởi thủ tướng sắp mãn nhiệm Mark Rutte, điều này cho thấy rằng liên minh này có thể sẵn sàng nắm quyền cùng với ông. Ông nói: “Tôi sẵn sàng thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán với các bên khác.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/bau-cu-ha-lan-them-mot-con-dia-chan-o-chau-au-i351450/