Bầu cử Italy: 'Bố già' Berlusconi trở lại và nguy cơ cực hữu

Bao trùm cuộc bầu cử ở tại Italy là cuộc tranh cãi về người nhập cư, thất nghiệp cùng sự chán ghét và giận dữ cực độ của người dân đối với giới chính trị gia.

Người đàn ông trông như bước ra từ bảo tàng tượng sáp Madam Tussauds xuất hiện tại một đài truyền hình khi đêm đã về khuya. Ngoại hình của ông khó mà làm người ta không liên tưởng đến cái xác ướp của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Ông bắt đầu đọc bài diễn văn với tên gọi "Cam kết đến nước Italy", tiếp sau đó là 90 giây với những lời ngợi ca bản thân. Sau đó mới đến phần cam kết: "Sau chiến thắng chắc chắn của các đảng trung hữu trong cuộc bầu cử ngày 4/3, tôi sẽ cùng thủ tướng tạo ra thêm nhiều công việc. Mục tiêu của tôi trong nhiệm kỳ lập pháp là mang tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn tỷ lệ trung bình của châu EU".

"Ký tên: Silvio Berlusconi"

Đó là Berlusconi. 17 năm trước, trên cùng chiếc bàn, với sự hiện diện của cùng một phát thanh viên truyền hình, cũng chính ông đã đưa ra hàng loạt lời hứa với người dân trong một bài phát biểu gọi là "Hợp đồng với người ITaly". Thời gian sau đó, Berlusconi đã 4 lần, với tổng thời gian 9 năm, giữ chức thủ tướng Italy và "biến cả đất nước thành trò đùa bất tận", như miêu tả của tờ der Spiegel (Đức).

Berlusconi, chính trị gia dân túy từng 4 lần làm thủ tướng Italy. Ảnh: AFP.

Lần này, ở tuổi 82, Berlusconi không thể trở thành thủ tướng vì ông bị kết tội trốn thuế và bị cấm tranh cử vào vị trí trong chính quyền cho đến năm 2019. Dù vậy, ông vẫn trở thành lãnh đạo của một liên minh trung hữu gồm đảng Forza của riêng ông liên minh với đảng cựu hữu Lega Nord và đảng Fratelli d'Italia (Anh em Italy, được đánh giá là đảng kế thừa truyền thống hậu Phát xít). Liên minh này đang đứng trước cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Một cuộc bầu cử bị chi phối bởi vấn đề người nhập cư và thất nghiệp.

Nghị viện treo?

Trong một viễn cảnh khác, nếu liên minh cánh hữu không giành được thế đa số, tình huống "nghị viện treo" có thể xảy đến với 3 phe giành được số phiếu tương đương và ở thế đối đầu nhau.

Der Spiegel nhận định cuộc bầu cử ngày 4/3 không chỉ quyết định tương lai chính trị của Italy, sự lựa chọn của người Italy còn chỉ dấu cho tương lai của cả EU.

Một tương lai đáng ngại, theo der Spiegel. Một chuyến đi dọc Italy vào mùa đông này cho thấy sự giận giữ trong cử tri, từ những cuộc trò chuyện với những kẻ thiên hữu kích động ở Ventimiglia đến những người truyền giáo cho một nền dân chủ trên Internet ở miền cực nam đất nước.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, 81% người Italy được hỏi cho biết họ không tin tưởng vào nhà nước trong khi chỉ có 5% nói rằng họ có niềm tin ở các đảng phái chính trị cùng những điều họ rao giảng. Vài ngày trước cuộc bầu cử, có đến 2/3 số người được hỏi nói rằng họ không biết, hoặc không muốn biết ai đang tranh cử cho vị trí dân biểu khu họ sống.

Chỉ mới 4 năm trước, Matteo Renzi, nghị viên trẻ từ đảng Dân chủ trung tả, đã trở thành thủ tướng với lời hứa xóa bỏ tầng lớp tinh hoa cũ, thúc đẩy cải cách và tăng cường sức cạnh tranh, ảnh hưởng của Italy trên trường châu Âu.

Giờ thì mọi thứ đã khác. Renzi rời vị trí thủ tướng vào cuối năm 2016 sau khi thua trong một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp. Ông mang lại một vài thay đổi khi kinh tế đất nước tăng trưởng trở lại sau đợt suy thoái dài nhất kể từ năm 1945. Xuất khẩu tăng lên trong khi hàng triệu việc làm được tạo ra dù phần lớn vẫn chưa vững chắc.

Cựu thủ tướng Renzi trong một buổi vận động tranh cử cho đảng Dân chủ trung tả. Ảnh: AFP.

Dù vậy, sự đứt gãy trong xã hội đã bị khoét sâu thêm trong khủng hoảng khi 8,4 triệu người Italy sống trong tình trạng nghèo, với gần 5 triệu trong số đó ở mức "hiển nhiên nghèo". Đất nước cũng chứng kiến tình trạng di cư của tầng lớp có học trong khi một lượng lớn khác lại tìm đến Italy như một cửa ngõ để vào châu Âu. Kể từ năm 2014, 625.000 người ở nhóm này đã đến Italy.

Tất cả sự giận giữ của người dân được bộc lộ trong chiến dịch tranh cử, hiển hiện nhất ở phong trào dân túy.

Mặt trận dân túy

Ở thành phố biên giới Ventimiglia, bên dưới con đường cao tốc chạy đến Nice, Pháp, là hàng trăm người tỵ nạn, phần lớn châu Phi, và từ chối không khai tên tuổi khi đến cắm lều. Đêm xuống, họ ngủ ở bờ sông, chen chúc nhau dưới những chiếc chăn và căn lều tạm. Ban ngày, họ di chuyển liên tục, tay giữ chặt lấy chiếc điện thoại. Họ bất chấp lời than vãn từ những cư dân địa phương về "tình trạng không thể chấp nhận" của những con đường đầy người tị nạn.

Người tị nạn xếp hàng chờ lấy thức ăn ở Ventimiglia. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo đảng Lega Nord, ông Matteo Salvini sẽ nói chuyện ở đây vào 16h. Salvini là một chính trị gia cao to, nói năng hùng hổ và có liên minh với lãnh đạo cực hữu của Pháp Marine Le Pen. Ông muốn liên minh nắm quyền với Berlusconi tại Rome.

Trước khi đến Ventimiglia, Salvini nói rằng ông sẽ không đến thăm các trại tị nạn ở bờ sông để tránh "bị ủ mưu".

"Vào lần tới, khi tôi trở lại Ventimiglia với tư cách thủ tướng, sẽ không còn người tị nạn bất hợp pháp nào ở đây nữa", ông nói trước khán phòng đầy người ở Ventimiglia. "Những kẻ phạm pháp sẽ được trao tấm vé một đi không trở lại".

Salvini cũng hứa rằng nếu ông lên nắm quyền, Italy sẽ không tuân thủ các quy định của EU mà đi ngược lại lợi ích quốc gia.

"Chúng ta sẽ lấy lại một quốc gia nơi mà 1.000 lira (đồng tiền của Italy trước khi chuyển sang sử dụng euro) từng có giá trị 1.000 lira và không có một đồng tiền nào chỉ phục vụ cho lợi ích của các ngân hàng Đức" ông nói.

Dù vậy, cách tiếp cận đầy thù địch của Salvini với châu Âu cho thấy nguy cơ đứt gãy trong liên minh thiên hữu khi Berlusconi là một người ủng hộ EU. Họ không có gì chung trừ sự khao khát quyền lực. Cụm từ "khối trung hữu" chỉ là bề ngoài khi đảng hậu Phát xít Fratelli d'Italia cũng nằm trong liên minh.

Đảng Forza của Berlusconi đã liên minh với đảng cựu hữu Lega Nord của Salvini (bên phải), dù vậy vẫn chưa có gì chắc chắn về việc Salvini sẽ trở thành thủ tướng nếu liên minh này lập được chính phủ. Ảnh: AFP.

Theo luật bầu cử mới, đầy phức tạp, của Italy, một liên minh cần năm 40% phiếu bầu để thành lập thế đa số tuyệt đối trong quốc hội và theo kết quả các cuộc thăm dò, liên minh trung hữu hiện thiếu 5% để giành được tỷ lệ đó.

Ngoài ra, nếu liên minh này giành chiến thắng, người trở thành thủ tướng còn có thể là Antonio Tajani, thành viên đảng của Berlusconi và hiện là chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Không chỉ vậy, những lời đồn đại đang râm ran rằng Berlusconi đã hứa với đảng Dân chủ Ki tô giáo rằng ông sẽ không cầm quyền cùng liên minh với Lega. Thay vào đó, ông sẽ liên minh với đảng Dân chủ để thành lập chính quyền như đã từng làm vào năm 2014. Điều này giải thích sự hân hoan của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker sau khi gặp Berlusconi ở Brussels sau đó.

Chiến dịch tranh cử đầy ảo giác

Cuộc tranh cử nghị viện Italy diễn ra đầy kỳ lạ. Không có bảng hiệu tranh cử trên đường phố. Không có cuộc tranh luận nào trên truyền hình giữa các ứng viên. Thay vào đó, báo chí đưa những bản tin về những ứng viên bị cáo buộc ăn cắp, lừa đảo hay bạo hành vợ họ.

Berlusconi thì nói chuyện như thể ông lại sắp cầm quyền. Salvini hành xử như thể ông sẽ là thủ tướng dù các cuộc thăm dò không cho thấy điều tương tự. Renzi thì lãnh đạo đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử nhưng bị xem là một kẻ thừa thải. Thủ tướng đương nhiệm Paolo Gentiloni, cũng thuộc đảng Dân chủ, đang được xem là chính trị gia đáng tin nhất nước.

Cuộc bầu cử Italy sẽ diễn ra vào ngày 4/3. Ảnh: AFP.

Hãy còn một người nữa - Luigi Di Maio. Chính trị gia 31 tuổi của đảng Phong trào 5 Sao (M5S), giành được 28% sự ủng hộ trong cuộc tham dò dư luận và đưa đảng của ông dẫn đầu. Đáng ra, Phong trào 5 Sao hoàn toàn có khả năng trở thành đảng dẫn đầu liên minh cầm quyền nhưng nguyên tắc từ khi sáng lập đã cấm họ thành lập liên minh cầm quyền.

Dù vậy, Di Maio cẩn trọng bỏ ngỏ khả năng liên minh với các đảng khác trong trường hợp tự họ không giành được thế đa số trong quốc hội.

Ngay từ những ngày đầu, M5S đã tuân thủ chặt chẽ các điều luật của họ. Thành viên đảng chỉ được giữ chức vụ trong chính quyền đúng 2 nhiệm kỳ, một nửa lương của các nghị sĩ phải được dùng làm từ thiện, họ cũng không được xuất hiện trên các show truyền hình, tránh liên minh cầm quyền, đảng viên sẽ bị khai trừ thẳng nếu họ dính dáng đến pháp luật.

Về quan điểm tranh cử, trong một thời gian dài, M5S đã tránh gắn mình với cá khuynh hướng tả - hữu truyền thống. Sau đó, họ bị nhận định là càng ngày càng có xu hướng dân túy và hữu khuynh, chống người nhập cư và nghi ngờ EU.

M5S cũng tự nhận là một đảng chống lại giới tinh hoa chính trị truyền thống, vốn đang khiến người dân chán ghét. Trong ảnh, Luigi Di Maio, lãnh đạo đảng, chụp ảnh cùng người ủng hộ. Ảnh: AFP.

Giờ thì không phải mọi điều lệ đều được tuân thủ. Khi thành viên của họ đã có ghế trong tòa thị chính của 45 thành phố, M5S ngày càng quyền lực hơn, và cũng thực tế hơn. Di Maio cũng không còn nói về việc tổ chức trưng cầu dân ý để đưa Italy ra khỏi EU nữa, thay vì đó ông nói về "ngôi nhà EU của chúng ta".

Nhóm ủng hộ M5S đầy những người làm công tác xã hội và giáo viên, cả những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể vay vốn từ các ngân hàng liên minh nhau của Italy. Đó là nhóm cử tri hàng ngày phải ứng phó với hàng loạt trở ngại trong cuộc sống.

Cựu thủ tướng Renzi gọi M5S là "Con thuyền Noah của sự dối trá, vay mượn và những kẻ Tam điểm".

Bản thân Renzi không có quá nhiều cơ hội. Ông tự nhận đảng của mình "là những người duy nhất không mua lừa phỉnh cử tri bằng những lời hứa hão".

Ông có lý khi Berlusconi đang hứa hẹn một đợt cắt giảm thuế lớn, lương hưu tối thiểu 1.000 euro/tháng và trừ thuế cho các công ty thuê lao động trẻ. Salvini muốn đưa chế độ nghỉ hưu sớm trở lại. M5S thì chào mời một mức thu nhập cơ bản không điều kiện là 780 euro/tháng và một gói phúc lợi 17 tỷ euro cho các gia đình.

Thế nhưng ai cũng biết là Italy đang chịu mức nợ công 2.290 tỷ euro, tương đương 132% GDP cả nước. Và tình trạng này, so với các nước châu Âu, chỉ khá hơn Hy Lạp.

Hiện không rõ liệu cựu thủ tướng Renzi có muốn trở lại nắm quyền hay không. Cũng có thể người đương nhiệm Gentiloni sẽ tiếp tục chức vụ của ông. Dù vậy, điều rõ ràng nhất là không chính quyền nào có thể thành lập mà không có sự đồng ý của Berlusconi.

Và không ai giỏi trong việc đổi chác, thương lượng như ông ấy. "Không ai biết đảng Dân chủ ủng hộ điều gì, nhưng họ biết Berlusconi muốn gì", Al Jazzera dẫn lời Daniele Albertazzi, một nhà nghiên cứu chính trị châu Âu.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bau-cu-italy-bo-gia-berlusconi-tro-lai-va-nguy-co-cuc-huu-post823383.html