Bầu cử Nghị viện châu Âu: Cực hữu sẽ nhiều hơn?

Với khoảng 400 triệu người có thể bỏ phiếu, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ chính thức diễn ra trong vài tuần nữa. Đây không chỉ là một trong những cuộc bầu cử có số cử tri lớn nhất thế giới mà còn được đặc biệt chú ý khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Với khoảng 400 triệu người có thể bỏ phiếu, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra đầu tháng 6 tới sẽ là một trong các cuộc bầu cử lớn nhất thế giới. (Nguồn: AP)

Chuyển dịch mạnh mẽ

Nghị viện châu Âu đóng vai trò là trụ cột trong hệ thống lập pháp của Liên minh châu Âu (EU). Những đạo luật được thông qua bởi Nghị viện có hiệu lực đồng đều tại các quốc gia thành viên, tạo ra sự nhất quán và là nền tảng cho sức mạnh tổng thể của liên minh 27 thành viên.

Mặc dù Nghị viện châu Âu không phải là cơ quan quan trọng nhất của EU về vấn đề chính sách đối ngoại, nhưng cách các nhóm chính trị liên kết với nhau sau cuộc bầu cử và tác động của cuộc bầu cử đối với các cuộc tranh luận ở các quốc gia thành viên có ý nghĩa đáng kể trong việc giúp Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đưa ra các lựa chọn trong lĩnh vực đối ngoại.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động đã khiến cho người dân châu Âu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này. Theo một khảo sát của Eurobarometer được công bố vào tháng 4 vừa qua, 60% người được hỏi thể hiện sự quan tâm về cuộc bỏ phiếu, cao hơn hẳn 49% của cuộc khảo sát tương tự trước thềm cuộc bầu cử diễn ra cách đây 5 năm.

Tuy nhiên, xu hướng cử tri bỏ phiếu cho các đảng theo đường lối biệt lập dân tộc chủ nghĩa cũng ngày càng tăng và trở nên đáng chú ý. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu chiếm ưu thế, theo sau là Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả. Dẫu vậy, số ghế mà hai đảng này chiếm được đã bị giảm mạnh, khiến cho hai đảng lần đầu tiên trong hơn 20 năm không chiếm được đa số ghế tại Nghị viện châu Âu. Thay vào đó, đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) trung hữu đã giành được kết quả đột phá.

Một nghiên cứu từ Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (ECFR) cho thấy cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay sẽ còn chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang cánh hữu ở nhiều quốc gia, với các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy giành được lợi thế trên khắp EU, còn các đảng trung tả và đảng xanh sẽ mất nhiều ghế và phiếu bầu[1].

Trên thực tế, xu hướng này đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu lên nắm quyền tại Hungary và Italy; tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia; giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan (11/2023); và thiết lập được chương trình nghị sự từ phe đối lập khi đảng National Rally cực hữu là một trong các bên ủng hộ dự luật nhập cư mới của Pháp (12/2023).

Bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra.

Nói cách khác, các đảng cực hữu đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính trị châu Âu trong năm 2023. Vấn đề lạm phát và môi trường tiếp tục là các chủ đề chính được cử tri quan tâm, đây cũng là các chủ đề có lợi cho xu hướng cực hữu. Vì vậy, năm 2024 có thể sẽ chứng kiến xu hướng này phát triển không chỉ trong nền chính trị quốc gia mà còn ở cấp độ châu Âu, với một Nghị viện châu Âu thiên về cánh hữu hơn.

Ai sẽ dẫn đầu?

Dù các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy cực hữu sẽ hiện diện nhiều hơn, thì phe chính thống trong Nghị viện châu Âu (bao gồm ba nhóm: EPP trung hữu, S&D trung tả, và Phục hưng châu Âu (Renew Europe) - theo chủ nghĩa tự do và trung dung) vẫn được cho là sẽ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới. Ba nhóm này thường thỏa hiệp với nhau để đạt được đa số ghế cần thiết để luật được thông qua.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đảng Nhân dân châu Âu (EPP) của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ mở cửa cho phe cực hữu đến mức nào. Bà Von der Leyen từng ngầm ám chỉ rằng EPP có thể sẵn sàng hợp tác với khối cực hữu chống Tổng thống Putin và đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) do Thủ tướng Italy Giorgia Meloni lãnh đạo. Pascale Joannin, người đứng đầu Quỹ Robert Schuman nhận định, việc EPP liên minh với ECR sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của chính EPP với hai đảng S&D và Phục hưng châu Âu và không có liên minh nào là thật sự ổn định ngoài liên minh ba bên chính thống hiện có. Một nhóm cực hữu có thể sẽ lấy mất vị trí thứ ba của Phục hưng châu Âu, nhưng liên minh ba bên vẫn sẽ bảo đảm được đa số ghế tại Nghị viện và vì thế, phe cực hữu vẫn không thể tạo ra được sự thay đổi ngoạn mục.

Trong một cuộc tranh luận do Trung tâm Chính sách châu Âu tổ chức, chuyên gia người Đức Daniela Schwarzer cũng cho rằng các nhóm cực hữu sẽ xây dựng chương trình nghị sự với đầy hoài nghi về các thành tựu của châu Âu, nhưng bản thân họ cũng không thể giúp cho châu Âu đưa ra được các quyết sách tốt hơn[2].

Bà Roberta Metsola, nữ nghị sĩ người Malta của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) được bầu làm Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ngày 18/1/2022. (Nguồn: Euronews)

Các nhà phân tích cũng tin rằng khó có khả năng sáp nhập hai nhóm cực hữu trong Nghị viện bởi giữa các nhóm này vốn có sự chia rẽ cơ bản. Bà Joannin lưu ý rằng ECR bao gồm các đảng đã hoặc hiện đang nắm quyền trong chính phủ, có lợi ích từ các dự án của EU, không chống EU như đảng Bản sắc và Dân chủ (ID) cực hữu – đảng có thiên hướng ủng hộ Tổng thống Nga V. Putin hơn. Ngoài ra, cũng chưa thể khẳng định được việc liệu ECR có chào đón đảng dân túy Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nhà lãnh đạo EU thân cận nhất với Moscow hay không.

Bên cạnh vấn đề lạm phát và môi trường, nhập cư cũng là chủ đề mà phe cực hữu tập trung khai thác. Tuy nhiên, theo thăm dò của Eurobarometer, nhập cư hiện không phải là vấn đề hàng đầu trong tổng thể cử tri châu Âu, mà chỉ đứng thứ sáu trong danh sách các mối quan tâm, sau cuộc chiến chống đói nghèo, thất nghiệp, y tế, quốc phòng và an ninh EU. Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, những bất ổn tại Trung Đông,… đã khiến cho người dân châu Âu đặt ưu tiên vào những chủ đề khác.

Trong những cuộc bầu cử nội bộ tại các nước thành viên thời gian qua, đảng cực hữu mới chỉ bị đẩy lùi trên chính trường Ba Lan. Sự cân bằng chính trị là điều mà châu Âu đang rất cần hướng tới vào lúc này, do các cuộc bầu cử ở EU sẽ giúp xác định ai sẽ nắm giữ các vị trí đứng đầu toàn khối, dẫn dắt Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu; từ đó, tạo ra ảnh hưởng đối với các quyết sách của EU trong vòng 5 năm tới.

[1] European Council on Foreign Relations, A sharp right turn: A forecast for the 2024 European Parliament elections, https://ecfr.eu/publication/a-sharp-right-turn-a-forecast-for-the-2024-european-parliament-elections/, 23/01/2024.

[2] Japan Times, Far right gains expected in EU election may test policy ideals for all, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/05/06/world/politics/far-right-eu-elections/, 06/05/2024.

Thanh Xuân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-nghi-vien-chau-au-cuc-huu-se-nhieu-hon-270979.html