Bầu cử Thái Lan: Cuộc đua giành chức Thủ tướng diễn ra như thế nào?

Trong tình hình hiện tại, một đảng cần phải giành được ít nhất 376 ghế trong số 750 ghế - từ cả Thượng viện và Hạ viện hoặc thậm chí buộc phải giành được cả 500 ghế - để ứng cử viên của họ giành được chức thủ tướng và thành lập Chính phủ.

Người dân Thái Lan đang hướng tới cuộc bầu cử dân chủ sau nhiều năm.

Người dân Thái Lan đang hướng tới cuộc bầu cử dân chủ sau nhiều năm.

Thái Lan đang hướng tới cuộc bỏ phiếu bầu Chính phủ mới ngày hôm nay (24/3), trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 diễn ra.

Hàng chục triệu cử tri đủ điều kiện dự kiến sẽ sẽ đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, như một phần trong quá trình chuyển đổi từ chế độ quân sự hiện thời sang dân chủ.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) và kết thúc lúc 5 giờ chiều.

Các ứng cử viên Thủ tướng hàng đầu năm nay bao gồm cả Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha từ đảng Palang Pracharat thân quân sự, Sudarat Keyuraphan từ đảng Pheu Thai, Thanathorn Juangroongruangkit từ đảng Hướng tới Tương lai và Abhisit Vejaj từ đảng Dân chủ.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5/2014, hệ thống bầu cử dân chủ ở Thái Lan được cho là đã bị thay đổi khá nhiều. Một hiến pháp mới, được giới thiệu vào năm 2017, đã thay đổi hệ thống bầu cử theo cách mà các nhà phê bình nói là ủng hộ cho Chính phủ quân sự.

Trong cuộc bầu cử trước đó vào năm 2011, bà Yingluck Shinawatra đã lãnh đạo đảng Pheu Thai giành được số phiếu đa số. Bà trở thành Thủ tướng của Thái Lan trước khi bị lật đổ.

Tuy nhiên, theo hệ thống bầu cử mới, việc có được số lượng nghị sĩ nhiều nhất trong Hạ viện 500 ghế cũng có thể không đủ để giành chức Thủ tướng, theo Channel News Asia.

Hiến pháp mới được soạn thảo bởi một ủy ban do quân đội hậu thuẫn, trao quyền cho 250 thượng nghị sĩ được quân đội hậu thuẫn tham gia danh sách 500 nghị sĩ lựa chọn thủ tướng trong giai đoạn đầu.

Một Thủ tướng tương lai phải được sự chấp thuận của hơn một nửa hội đồng gồm 750 thành viên. Trong tình hình cuộc bầu cử hiện tại, một đảng chính trị cần phải giành được ít nhất 376 ghế - từ cả Thượng viện và Hạ viện hoặc thậm chí buộc phải giành được cả 500 ghế - để ứng cử viên của họ giành được chức Thủ tướng và thành lập Chính phủ.

So với các đảng khác, đảng Palang Pracharat sẽ có lợi thế rõ ràng trong cuộc bầu cử này nhờ 250 thượng nghị sĩ sẽ được Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) và chính ông Prayut chọn.

Điều đó có nghĩa là Palang Pracharat có thể được thành lập Chính phủ - ngay cả khi họ chỉ giành được ít nhất 126 trong số 500 ghế quốc hội. Sự ứng cử của ông Prayut phần lớn được coi là nỗ lực của quân đội nhằm duy trì sự kìm kẹp đối với nền chính trị Thái Lan.

Chính khách 65 tuổi trên thực tế có được sự ủng hộ khá tốt từ những người tán thành việc chiếm giữ quyền lực của quân đội. Họ coi đó là một nỗ lực để kết nối các bộ phận chính trị - xã hội vốn từng gây ra tình trạng bạo lực trên đường phố trong chính quyền Yingluck và từng đe dọa sẽ xé tan đất nước.

Cựu Thủ tướng Yingluck và người anh trai cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đều lưu vong ở nước ngoài nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn đối với phần lớn người dân Thái Lan, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Tổng cộng có 81 đảng đang tranh cử trong cuộc bầu cử và hàng ngàn ứng cử viên sẽ chiến đấu để đại diện cho 350 khu vực bầu cử. 150 thành viên khác của Hạ viện sẽ được bầu từ danh sách các đảng tham gia theo hệ thống được gọi là đại diện theo tỷ lệ.

Điều này sẽ chứng kiến mỗi đảng tham gia cuộc bầu cử sẽ có một số nghị sĩ tại Hạ viện. Các bên vẫn có thể đảm bảo ghế trong quốc hội theo hệ thống này bất kể ứng cử viên của họ có chiến thắng được ghế nào trong số 350 ghế hay không.

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử ngày 24/3 sẽ là một dấu hiệu quan trọng cho viễn cảnh chính trị tiếp theo của Thái Lan.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bau-cu-thai-lan-cuoc-dua-gianh-chuc-thu-tuong-dien-ra-nhu-the-nao-a427030.html