Bầu cử Thái Lan: Hai đảng lớn nhất đã 'tỏ' lòng nhau, tại sao các cuộc thương lượng vẫn chưa bắt đầu?

Sau khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan được công bố, ngày 15/5, lãnh đạo đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cho biết đã đồng ý tham gia liên minh 6 bên do đảng đối lập Tiến bước (MFP) đề xuất.

Lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat khẳng định sẵn sàng thành lập chính phủ mới với liên minh 6 đảng gồm cả Pheu Thai. (Nguồn: The Straits Times)

Lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat khẳng định sẵn sàng thành lập chính phủ mới với liên minh 6 đảng gồm cả Pheu Thai. (Nguồn: The Straits Times)

Khẳng định không có kế hoạch thành lập chính phủ với bất kỳ đảng chính trị nào khác ngoài liên minh của MFP, lãnh đạo đảng Pheu Thai cũng cho biết, với 309 ghế tại Hạ viện Thái Lan, liên minh có đủ khả năng để thành lập một chính phủ ổn định, song việc đề cử thủ tướng còn phụ thuộc vào các yếu tố pháp lý.

Trước đó ít giờ, lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat cho biết sẽ tìm cách xây dựng một liên minh 6 bên, bao gồm cả đảng Pheu Thai.

Chính khách 42 tuổi này thông báo đã liên hệ với bà Paetongtarn Shinawatra, một trong các ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, để mời bà tham gia liên minh nhằm thành lập chính phủ mới.

Đồng thời, ông Pita cũng khẳng định việc sẵn sàng thành lập một chính phủ mới và trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.

Tuy nhiên, cho đến sáng 16/5, lãnh đạo đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew thông tin, các cuộc thương lượng nghiêm túc với các đối tác tiềm năng trong liên minh vẫn chưa bắt đầu và đảng này đang chờ đợi MFP đặt ra những quy tắc cho việc thương lượng.

Pheu Thai cũng đã cử Tổng thư ký Prasert Chantararuangthong làm điều phối viên trong tiến trình thương lượng với đảng MFP.

Phát biểu của ông Cholnan được đưa ra trong bối cảnh có những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo đảng MFP có thể nhận được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ để trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.

Trước đó, ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử được công bố với chiến thắng thuộc về đảng Tiến bước, một số thượng nghị sĩ đã nói bóng gió sẽ không bỏ phiếu cho ông Pita.

Theo Hiến pháp Thái Lan hiện nay, ông Pita sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 376 thành viên Quốc hội (bao gồm 500 nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ do quân đội bầu chọn) để trở thành thủ tướng Thái Lan.

Theo giới quan sát, ông Pita sẽ gần như không thể có được đủ số phiếu này nếu chỉ dựa vào sự ủng hộ của các nghị sĩ.

Một số nhà phân tích chính trị cũng nghi ngờ rằng, cho dù đảng Pheu Thái đã tuyên bố ủng hộ Pita, song họ cũng sẽ sẵn sàng tự thành lập một liên minh, trong trường hợp ông Pita không nhận được đủ sự ủng hộ tại Quốc hội để trở thành thủ tướng.

Trưa 15/5, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) công bố đã hoàn tất công tác kiểm phiếu, trong đó các đảng đối lập gồm đảng MFP giành được 152 ghế, đảng Pheu Thai giành được 141 ghế.

Các đảng chính trong liên minh cầm quyền hiện tại gồm đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) giành được 70 ghế, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) giành được 40 ghế. Đáng chú ý, đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha chỉ đứng thứ 5 với 23 ghế, trong khi đảng Dân chủ giành được 25 ghế.

Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này đạt 75,22%, cao hơn cả mức kỷ lục là 75,03% trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2011.

(theo Bangkok Post, TTXVN)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-thai-lan-hai-dang-lon-nhat-da-to-long-nhau-tai-sao-cac-cuoc-thuong-luong-van-chua-bat-dau-227332.html