Bầu cử Thái Lan năm 2019: Trò chơi vương quyền

Khi các quan chức Thái Lan tuyên bố các cuộc bầu cử theo lịch trình nhằm chấm dứt sự nắm quyền của quân đội lại bị hoãn (lần thứ 5 bị hoãn), sự tức giận và thất vọng đã xé toạc đất nước này.

Khi các quan chức Thái Lan tuyên bố các cuộc bầu cử theo lịch trình nhằm chấm dứt sự nắm quyền của quân đội lại bị hoãn (lần thứ 5 bị hoãn), sự tức giận và thất vọng đã xé toạc đất nước này.

Các nhà hoạt động chống chính quyền quân sự Thái Lan giơ cao các biểu ngữ trong cuộc biểu tình phản đối sự chậm trễ của cuộc tổng tuyển cử tại Bangkok hôm 8-1. Ảnh: CNN

Các nhà hoạt động chống chính quyền quân sự Thái Lan giơ cao các biểu ngữ trong cuộc biểu tình phản đối sự chậm trễ của cuộc tổng tuyển cử tại Bangkok hôm 8-1. Ảnh: CNN

Các bài đăng phản đối liên tiếp xuất hiện trên mạng Twitter ở Thái Lan trong những tuần gần đây, với một loạt các cuộc biểu tình nhỏ nhưng có ý nghĩa diễn ra nhằm thể hiện phản đối.

Trả lời phỏng vấn truyền thông sở tại, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Kreangam cho biết, cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 24-2 hiện có thể được hoãn lại cho đến ngày 24-3. Ông cho rằng, 24-3 sẽ là thời điểm phù hợp nhất để tổ chức bầu cử, vì nếu sớm hơn sẽ không đủ thời gian cho chiến dịch tranh cử của các đảng. "Nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 24-3, sẽ có từ 45-47 ngày để Ủy ban bầu cử (EC) công nhận kết quả bầu cử trước thời hạn ngày 9-5, theo đó sẽ không làm ảnh hưởng tới lễ đăng quang của Nhà vua Rama X. Việc lựa chọn ngày bầu cử sẽ phụ thuộc vào EC", ông nói.

Trong khi sự phẫn nộ của người dân chưa đạt đến mức được thấy trước cuộc đảo chính năm 2014, các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố giữa các phe phái chính trị đối thủ phổ biến trong những năm gần đây. Các cuộc đối đầu bạo lực hàng loạt trong năm 2010 làm tê liệt thủ đô Bangkok và dẫn đến một cuộc đàn áp quân sự khiến 90 người chết và hơn 2.000 người bị thương. Quân đội sẵn sàng dẹp bỏ sự lặp lại của tình trạng bất ổn như vậy, và tướng quân đội Apirat Kongsompong, người được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân đội nước này hồi tháng 9-2018, tuần trước đã cảnh báo những người biểu tình ủng hộ dân chủ "đừng bước qua ranh giới", Bangkok Post đưa tin.

Sức mạnh của ông Prayut

Theo các nhà hoạt động, sự lãnh đạo của tướng Prayut Chan-o-cha, nhà lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự trở thành thủ tướng, đang ngày càng gây ra nhiều tranh cãi.

Ngay sau khi tiếp quản, ông Prayut đã cấm tất cả các chiến dịch vận động chính trị bao gồm các cuộc tụ họp chính trị của hơn 5 người, hàng trăm nhà hoạt động đã bị bắt giữ và buộc tội. Ông Prayut dự kiến sẽ tranh cử với đảng Phalang Pracharat mới thành lập. Người Thái sẽ bỏ phiếu cho Hạ viện gồm 500 ghế, trong khi Thượng viện gồm 250 thành viên sẽ được quân đội lựa chọn. Chế độ quân chủ được tôn kính ở Thái Lan, nhưng các nhà hoạt động đã cáo buộc chính quyền quân sự cầm quyền đã cố tình gây chậm trễ khi lấy lý do "không làm ảnh hưởng tới lễ đăng quang của Nhà vua Rama X". "Chính quyền đang chơi một trò chơi", Netiwit Chotiphatphaisal, một nhà hoạt động sinh viên 21 tuổi cho biết. "Nếu cuộc bầu cử là một mánh khóe đối với người dân, người Thái sẽ không chấp nhận nó", Netiwit khẳng định.

Ảnh hưởng của ông Thaksin

Cụm từ "lịch sử lặp lại" đã mang một ý nghĩa mới ở Thái Lan, một quốc gia đã chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính thành công kể từ năm 1932. Trong thời gian gần đây, thế giới chính trị hỗn loạn của Thái Lan tập trung vào một người: cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã thống trị bối cảnh chính trị kể từ năm 2001. Bản thân ông Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Em gái ông, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã phải rời bỏ quyền lực sau cuộc đảo chính của ông Prayut năm 2014, sau 6 tháng bất ổn dân sự và các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố. Các nhà phân tích cho rằng, ông Thakisn và bà Yingluck vẫn có sức ảnh hưởng đến nền chính trị Thái Lan mặc dù cả hai đều phải sống lưu vong.

Giờ đây, xuất hiện một thế hệ Shinawatra mới có thể sắp tạo được dấu ấn. Con trai của ông Thaksin, Panthongtae Shinawatra, 39 tuổi - được biết đến với biệt danh Oak - chính thức gia nhập đảng Peau Thai vào tháng 11-2018 mặc dù hiện tại ông không giữ chức vụ điều hành. Ông Panthongtae bị truy tố về tội rửa tiền hồi tháng 10-2018, vụ việc mà những người ủng hộ ông tuyên bố là động thái khác của chính quyền nhằm ngăn chặn bộ máy chính trị của gia tộc Shinawatra. Ông Panthongtae đã phủ nhận các cáo buộc. Tuy nhiên, Peau Thai và các chính sách dân túy của họ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là với những người dân ở khu vực đông bắc. Chayika Wongnapachant, cháu gái của ông Thaksin và bà Yingluck, cũng đã tham gia chính trị sau một thập kỷ làm việc đằng sau hậu trường, nhưng với đảng mới Thai Raksa Chart.

Sau khi quân đội dỡ bỏ lệnh cấm vận động chính trị hồi tháng 12-2018, một loạt các đảng nhỏ hơn đã xuất hiện, bao gồm Pheu Dharmma và Thai Raksa Chart, với nhiều thành viên Peau Thai gia nhập hàng ngũ của họ. "Cùng với nhau, ba đảng liên kết với ông Thaksin này là ứng cử viên hàng đầu trở thành khối chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử, nhưng có lẽ không đủ lớn để thành lập một chính phủ liên minh", ông Thitinan nói. Đảng Dân chủ, đối thủ truyền thống của Peau Thai, đã từ chối lời đề nghị lập liên minh.

Quân đội và nền quân chủ

Trong khi cựu tướng Prayut có thể nhận được sự ủng hộ lớn của hoàng gia, ông không có được sự yêu thích như vậy từ những người trẻ tuổi trong thời gian tiếp quản và lãnh đạo. Với khoảng 7 triệu cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 25 - nhiều người trong số họ là cử tri lần đầu tiên - phiếu bầu của giới trẻ có thể quyết định sự thành bại của ông.

Một loạt các vụ bê bối tham nhũng, như Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan đã bị điều tra cáo buộc đã đeo hơn 20 chiếc đồng hồ xa xỉ, giá cao su giảm và các cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ quân sự. Cuộc bầu cử lần này sẽ là chìa khóa để trả lại cảm giác ổn định cho một quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi của một vị vua mới. Mọi người sẽ chú ý đến những gì Vua Maha Vajirusongkorn sẽ làm khi ông chính thức lên ngôi vào tháng 5 tới. Theo ông Thitinan, nếu Thái Lan muốn lấy lại chỗ đứng, một thỏa hiệp đầy thách thức cần phải được thực hiện "trong số các nhân vật chính như quân đội, hoàng gia, tư pháp, các đảng chính trị và các chính trị gia".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_201413_bau-cu-thai-lan-nam-2019-tro-choi-vuong-quyen.aspx