Bầu cử tổng thống Ai Cập: Cuộc đua song mã

Từ ngày 26 đến 28-3, gần 59 triệu cử tri tại Ai Cập đi bỏ phiếu để lựa chọn người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới. Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ ba kể từ sau cuộc chính biến mùa xuân năm 2011. Việc bầu chọn một nhà lãnh đạo có đủ khả năng đưa đất nước vượt qua mọi thách thức, khó khăn ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh 'đất nước Kim tự tháp' đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng từ chủ nghĩa khủng bố và tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Biểu ngữ của hai ứng cử viên tổng thống Ai Cập trong cuộc bầu cử năm 2018. Ảnh: AlAhram.

Cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Ai Cập năm 2018 hiện chỉ có hai ứng cử viên gồm đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Chủ tịch đảng al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa. Theo Cơ quan bầu cử quốc gia, nếu không có ứng cử viên nào giành chiến thắng (đạt số phiếu quá bán) ngay trong vòng bỏ phiếu đầu này, cuộc bầu cử vòng 2 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26-4.

Kết quả bầu cử vòng 1 sẽ được thông báo vào ngày 2-4 và trong trường hợp diễn ra bầu cử vòng 2, kết quả vòng này sẽ được công bố vào ngày 1-5. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, “cuộc đua song mã” này được nhìn nhận là “vòng đấu” không cân sức khi Tổng thống đương nhiệm el-Sisi được dự đoán sẽ giành chiến thắng ngay trong vòng một.

Tổng thống El-Sisi dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 tới, trước đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014, với tỷ lệ 97% phiếu bầu. Trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống El-Sisi đã đưa đất nước Kim tự tháp thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Nền chính trị Ai Cập đã được củng cố và giữ vững, đặc biệt sau khi tiến trình chuyển tiếp chính trị gồm 3 giai đoạn được hoàn tất, với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra thành công vào cuối năm 2015.

Trong khi đó, đối thủ của ông El-Sisi là ông Moussa, một nhân vật ít tên tuổi. Trước khi tuyên bố ra tranh cử, ông Moussa là một kỹ sư dân dụng. Ông cũng là người ủng hộ Tổng thống El-Sisi, đặc biệt là lập trường không cho tổ chức "Anh em Hồi giáo", vốn bị cấm hoạt động sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013, quay trở lại chính trường Ai Cập.

Trong các cuộc vận động tranh cử được tổ chức giới hạn ở một số tỉnh, thành, ông Moussa tuyên bố nền tảng chính sách của ông chủ yếu hướng về kinh tế và nhằm cải thiện mức sống của người Ai Cập, đồng thời hứa sẽ giúp đỡ những người có thu nhập thấp và nông dân, kiểm soát giá cả các mặt hàng cơ bản tăng cao, mở lại các nhà máy và cung cấp cho người dân các cổ phần trong các dự án quốc gia và các bệnh viện trong tương lai, xây dựng trường học.

Tổng thống Ai Cập El-Sisi được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Reuters

Dù ai đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, thách thức đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ai Cập tương lai sẽ phải đối mặt là tìm giải pháp đối phó với làn sóng bất ổn trong khu vực khi các phần tử khủng bố đã mở rộng mục tiêu tấn công từ các lực lượng an ninh, quan chức chính phủ, trụ sở cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tới cả người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo nhằm phá hoại hòa bình và ổn định của Ai Cập. Ngoài ra, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm giảm thâm hụt ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm… cũng là vấn đề được người dân Ai Cập quan tâm.

Trải qua nhiều thăng trầm sau chính biến “Mùa xuân A-rập”, người dân Ai Cập giờ đây đã nhận ra giá trị của hòa bình và ổn định. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử lần này, ý chí của người dân sẽ một lần nữa quyết định lộ trình để đưa đất nước Ai Cập thoát hẳn khỏi thời kỳ bất ổn, hướng tới giai đoạn thịnh vượng, phát triển với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao vực.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bau-cu-tong-thong-ai-cap-cuoc-dua-song-ma/