Bầu cử tổng thống vòng 2 ở Ai Cập: Bất ổn và chia rẽ

Bầu cử tổng thống Ai Cập vòng 2 diễn ra trong hai ngày 16 và 17-6 đang là tâm điểm của chính trường quốc tế. Hai đối thủ trực tiếp đại diện cho hai trường phái chính trị: Mohammed Morsi - Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo và Ahmed Shafiq - cựu Thủ tướng dưới thời ông Hosni Mubarak. Dù ai được chọn thì Ai Cập vẫn phải đối mặt với bất ổn và chia rẽ nghiêm trọng.

Lựa chọn khó khăn

Theo AFP, có khoảng 50 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bỏ phiếu. Quân đội đã triển khai 150.000 binh sĩ trên toàn quốc để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Cử tri Nagwan Gamal (trợ giảng, 26 tuổi) nói rằng, anh sợ lực lượng Hồi giáo cực đoan nhưng nỗi sợ Shafiq còn lớn hơn. Shafiq là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng dưới thời cựu Tổng thống Mubarak.

Cựu Thủ tướng Shafiq, nếu thắng cử, có thể lại dẫn tới một cuộc nổi dậy mới vì cử tri lo sợ chính khách này có khả năng đưa Ai Cập trở lại chế độ cũ như thời Hosni Mubarak. Vì thế, không loại trừ việc sẽ có những cuộc nổi dậy quy mô, đưa Ai Cập vào tình trạng chia cắt, bất ổn. Mặt khác, nếu ông Mohammed Mursi chiến thắng, phe Hồi giáo sẽ gần như thao túng mọi quyền hành vì họ đã kiểm soát đa số ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua. Người dân lo sợ chính phủ dân chủ đầu tiên của Ai Cập dưới sự dẫn dắt của lực lượng Hồi giáo sẽ dần đi đến con đường Hồi giáo cứng rắn như Saudi Arabia.

Người dân Ai Cập biểu tình phản đối tại quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP

Chính vì khó khăn trong việc lựa chọn ứng cử viên và những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vòng một mà nhiều nhà hoạt động ở Ai Cập đã kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc bầu cử trên. Trước đó, ở vòng một của cuộc bầu cử, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu chỉ khoảng 50%, dẫn đến việc không một ứng viên nào chiếm hơn 50% số phiếu cần thiết để chiến thắng trực tiếp. Tuy nhiên, với góc nhìn khác, một số cử tri dù thừa nhận không có ứng cử viên nào đúng như mong đợi nhưng vẫn thực hiện quyền công dân do không muốn đánh mất cơ hội lịch sử vì đây là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập.

Cạnh tranh bằng mọi hình thức

Một ngày trước khi diễn ra vòng 2 của cuộc bầu cử, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền tại Ai Cập đã ra lệnh giải tán Quốc hội theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao vì việc tiến hành bầu quốc hội vào tháng 11 năm ngoái là vi hiến. Nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông St Petersburg, ông Alexander Sotnichenko, cho biết, điều này nhằm xoa dịu dư luận Ai Cập vì dư luận đang cho rằng chế độ cũ đang thực sự trở lại. Bất chấp phán quyết của tòa, Ban Thư ký Quốc hội vẫn công bố chương trình làm việc tuần tới cho các nghị sĩ, trong đó có việc thảo luận quyết định của tòa án hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Ai Cập thuộc đảng Tự do và Công lý Saad El-Katatny cho rằng, phán quyết của tòa án mang động cơ chính trị.

Theo ông Alexander Sotnichenko, quân đội đang duy trì quyền lực và quan trọng hơn, duy trì tài sản nhận được trong khuôn khổ các sáng kiến lập pháp của Hosni Mubarak. Cho đến nay, quân đội đang nắm 25%-30% GDP của Ai Cập, gồm các xí nghiệp, khách sạn, nhà máy và đồn điền. Vì thế, họ không sẵn sàng trao cho những người Hồi giáo khối tài sản này dưới bất cứ hình thức dân chủ nào nên sẽ chiến đấu đến người cuối cùng.

Dù chiến thắng thuộc về ai thì tân tổng thống Ai Cập cũng phải gánh trọng trách đoàn kết dân tộc đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Ở Ai Cập hiện nay dường như nguyện vọng của nhân dân và nguyện vọng của chính quyền đi theo hai hướng khác nhau.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2012/6/291662/