Bầu Thụy tham vọng, sếp Bản Việt muốn tăng sở hữu

Bầu Thụy nuôi tham vọng tại khách sạn Kim Liên, Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt muốn nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu...là tin tức nổi bật trong tuần.

Hội đồng quản trị Công ty CP Thaiholdings vừa công bố Nghị quyết về việc ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn cùng tên tại Hà Nội) để thực hiện Dự án Tổ hợp công trình thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê tại số 5-7 Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội).

Cùng với đó, HĐQT Công ty Kim Liên cũng ra quyết định lựa chọn Thaiholdings là nhà đầu tư tham gia hợp tác kinh doanh và ký kết hợp đồng thực hiện dự án bất động sản nói trên.

Đây chính là dự án bất động sản quy mô gần 14.300 tỷ đồng từng được Công ty Kim Liên nuôi tham vọng thực hiện ngay trên khu đất mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc.

Thaiholdings là một doanh nghiệp cũng liên quan tới ông bầu Nguyễn Đức Thụy khi từng là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Thaigroup trước khi thoái toàn bộ vốn vào tháng 7/2019.

Nguồn vốn thu về sẽ được Thaiholdings dùng để đầu tư tài chính sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp tiềm năng và bổ sung nguồn vốn lưu động. Trong đó, công ty dự kiến sử dụng 99,6% vốn tăng thêm, tương đương 2.950 tỷ đồng để mua lại 59% vốn của Thaigroup.

Nếu kế hoạch này thành công, Thaiholdings sẽ trở thành công ty mẹ của Thaigroup, qua đó gián tiếp sở hữu khách sạn Kim Liên (thông qua 52,43% vốn nắm giữ của Thaigroup).

Trước đó, Thaiholdings cũng đã chi hơn 365 tỷ đồng để mua lại gần 1,2 triệu cổ phiếu (17,2%) của Công ty Kim Liên.

Liên quan tới khách sạn Kim Liên, bầu Thụy từng phải trả gấp 10 lần giá khởi điểm để trở thành cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối hoạt động tại khách sạn này.

Với mức giá gần 1.000 tỷ đồng cho 52,3% vốn tại khách sạn có doanh thu bình quân hơn 100 tỷ và lợi nhuận trên dưới 10 tỷ/năm, bầu Thụy đã đánh bật nhiều đại gia bất động sản trong đợt thoái vốn của SCIC cuối năm 2015.

Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt muốn tăng sở hữu

Mới đây, ông Tô Hải, thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) đã đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu VCI.

Mục đích thực hiện giao dịch của ông Tô Hải là để tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu từ 19,17% lên 22,82% vốn điều lệ.

Ông Tô Hải và bà Nguyễn Thanh Phượng - hai lãnh đạo cao nhất tại Chứng khoán Bản Việt

Phương thức thực hiện giao dịch là khớp lệnh/thỏa thuận. Dự kiến thời gian mua vào là từ ngày 15/7/2020 đến ngày 13/8/2020.

Tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, ban lãnh đạo công ty này đã thông qua nội dung miễn chào mua công khai đối với ông Tô Hải và/hoặc những người liên quan.

Lý giải về quyết định này, ông Tô Hải cho biết hiện nay ông và gia đình ông đã nắm giữ xấp xỉ 25% cổ phiếu của Chứng khoán Bản Việt, mà theo quy định, nếu một cổ đông hay nhóm cổ đông muốn sở hữu trên 25% thì phải chào mua công khai. Khi giá cổ phiếu xuống thấp như trong đợt dịch Covid-19 thì ông Hải lại không thể mua vào.

Theo ông, chào mua công khai là không thực tế vì giá thị trường có thể cao hơn giá ông Tô Hải đăng ký chào mua. Do đó, khi thông qua quyết định trên thì tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt sẽ được quyền mua số lượng cổ phiếu mà ông mong muốn.

Ông Nguyễn Bá Dương muốn thành cổ đông lớn của Coteccons

Ông Nguyễn Bá Dương đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 9/7 đến 7/8. Tính theo giá đóng cửa phiên đầu tuần, khối cổ phiếu này trị giá trên 78 tỷ đồng.

Người đứng đầu Coteccons sẽ nâng sở hữu tại đây lên 4,9 triệu cổ phiếu nếu giao dịch thành công, tương ứng 6,18% vốn và trở thành cổ đông lớn, đồng thời là nhà đầu tư cá nhân có tỷ lệ nắm giữ lớn nhất.

Thông báo giao dịch được ông Dương công bố sau một tuần kể từ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons. Khi đó, một số cổ đông lo ngại cơ cấu Hội đồng quản trị gồm 5 người liên quan đến Kustocem, The8th và 2 người Việt là chưa hợp lý bởi nhân sự nước ngoài không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và thấu hiểu đặc thù thị trường.

Tuy nhiên, ông Dương trấn an đây không phải vấn đề đáng lo ngại, bởi điều quan trọng hiện tại là các thành viên đã ngồi lại và tìm được tiếng nói chung. Công ty sẽ mời thêm chuyên gia để tư vấn, phản biện và minh bạch tài chính, giao dịch giữa các đơn vị thành viên. Ông cũng cam kết mua thêm cổ phiếu để chứng minh cho nhà đầu tư thấy việc bổ nhiệm hai thành viên hội đồng quản trị mới là việc làm tốt cho công ty.

Bầu Hiển nói về nhường ghế cho con

Bên lề Đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), ông Đỗ Quang Hiển cho hay, ở tuổi gần 60, ông vẫn làm việc hết mình, họp hành đến 2-3 giờ sáng mới về nhà ăn tối. Ông Hiển hiện đang làm Chủ tịch HĐQT của 7 công ty, trong đó ngân hàng SHB nằm trong top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư hỏi "sao anh không nhường cho con trai làm, mà phải vất vả như thế", ông Hiển cười và cho rằng: "Làm sao mà nhường ngay được, nó còn phải học hỏi, phải làm hết, tự lập hết, nó đi học nước ngoài về cũng phải tự đi làm, mà về còn bị áp lực lớn hơn, nếu không phải "con bố Hiển" thì có lẽ đỡ áp lực hơn".

Mới đây, đội bóng thủ đô đã bổ nhiệm ông Đỗ Vinh Quang (SN 1995 - con trai thứ hai của ông bầu Đỗ Quang Hiển) thay thế ông Nguyễn Trọng Chiến làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC). Với việc được bổ nhiệm vào vị trí mới, ông Đỗ Vinh Quang trở thành vị chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi chỉ mới 25 tuổi.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/bau-thuy-tham-vong-sep-ban-viet-muon-tang-so-huu-3412340/