Bàu Trúc - Gốm mới ngàn năm

Làng gốm cổ nhất của Đông Nam Á mang tên Bàu Trúc, của người Chăm Ninh Thuận đang có một sự trỗi dậy mạnh mẽ trong bối cảnh chung là gốm truyền thống được sử dụng để trang trí nội thất. Trong khu vực phía Nam sôi động, cùng với gốm Biên Hòa, Sa Đéc, Vĩnh Long..., gốm Bàu Trúc thâm trầm và bí ẩn hơn; trầm tích văn hóa trong gốm đầy đặn hơn và vì thế cũng khó thích nghi hơn với thời đại mới.

Sản phẩm tốt nhất của gốm Bàu Trúc hiện nay đang được bày bán cho khách du lịch. Ảnh: TTH

Làng Mỹ Nghiệp với nghề dệt thổ cẩm và làng gốm Bàu Trúc với nghề gốm thủ công được coi là 2 “báu vật” của văn hóa Chăm, đã tồn tại hơn một ngàn năm. Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận thành công trong việc hậu thuẫn chính sách và cơ chế cho 2 làng nghề này được phục hồi trên cơ sở còn làng, còn nghệ nhân, còn văn hóa phong tục và tín ngưỡng. Văn hóa Chăm đã tạo nên sự thăng hoa trên những mẫu gốm tưởng như rất giản dị, bình dân ở làng Bàu Trúc.

Việc các cơ sở làm gốm tại làng Bàu Trúc chuyển đổi, tự làm mới mình trở thành nơi tham quan du lịch đã khiến cho làng quê nắng gió tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm trở nên rạng rỡ, tươi mới hơn. Khi chúng tôi đến thăm làng Bàu Trúc, có những đoàn xe du lịch chở khách cỡ lớn cũng vừa tới đổ khách xuống làng nghề. Đây là một điểm tham quan của các công ty du lịch lữ hành, có ký kết chung với các hộ làm gốm ở Bàu Trúc. Khách du lịch được tham quan, được trò chuyện tìm hiểu văn hóa Chăm, được chiêm ngưỡng các tác phẩm mà nghệ nhân với bàn tay lao động của họ vừa làm ra.

May mắn hơn nữa, vào một ngày mà các cơ sở làm gốm gom nhiều sản phẩm thô tiến hành đốt gốm thì đó là một cơ hội cho những người được chứng kiến công nghệ nung gốm thủ công có một không hai trên thế giới. Đặc sắc nhất của gốm Bàu Trúc nằm ở khâu nung ngoài trời, khéo léo đưa nhiệt độ lên cao mà kỹ thuật giữ màu đỏ nâu cho gốm là bí truyền. Các sản phẩm to xếp dưới, nhỏ xếp trên, sao cho gốm chín đều mà tiêu tốn ít nhiên liệu nhất. Người Chăm xưa nung gốm ngoài ruộng, xếp các mẻ gốm lớn. Ngày nay, để phù hợp, họ nung gốm ngay trong sân nhà mình, cho khách du lịch chiêm ngưỡng trọn vẹn một cơ sở sản xuất và quy trình thủ công không pha tạp bất cứ công nghệ máy móc cơ khí nào.

Mỗi xưởng gốm đều có khu trưng bày sản phẩm ở mặt tiền. Góc sân là đất sét sông Quao mua về chất đó dùng dần. Bàn xoay thủ công mà người thợ làm gốm đi quanh nó hàng ngàn bước chân mỗi ngày đặt chính giữa sân. Các sản phẩm gốm mới hong khô xếp quanh sân phơi nắng. Và trên các giá đỡ là các sản phẩm gốm sau khi đã nung, màu nâu trầm, đen than, hoặc đỏ gạch.

Ở làng gốm, không phải nghệ nhân nào cũng đủ tài hoa để làm ra các sản phẩm có tính mỹ thuật cao, có hơi hướng tinh thần tín ngưỡng như tượng gốm các vị thần, vũ nữ Apsara, đồ thờ tự... theo hệ thống tín ngưỡng Chăm, Bà la môn giáo. Những sản phẩm được nâng tầm lên tác phẩm nghệ thuật này được treo trang trọng trong mỗi gian hàng, có giá cao nhất. Chủ cơ sở sản xuất tiết lộ: “Sản phẩm nào do các “bàn tay vàng” làm ra đều giá cao, nhưng lại đắt khách nhất”. Có những đoàn khách phải đặt hàng, và phải chờ chừng mấy tháng sau nghệ nhân mới trả hàng cho khách được.

Có thể nhận thấy ngay tính cá nhân ở trong mỗi sản phẩm gốm hoàn thiện. Bà chủ cơ sở gốm Ngọc Huỳnh đưa cho tôi một con giống bằng đất nung nhỏ cỡ bàn tay. Con giống mình cá chép, đầu rồng, được giải thích rằng đây là tượng cá chép hóa rồng. Ngay lập tức, khách du lịch thích thú mua ngay sản phẩm này, vì sự ngộ nghĩnh của nó. Lớp khách hàng bình dân tiếp cận với gốm Bàu Trúc bởi sự hợp thời, sự lắc mình chuyển động, phá bỏ những khuôn sáo cũ của làng nghề. Người làm gốm Chăm thường ít nói, ít hoạt động bề nổi trừ việc tham gia những lễ hội lớn trong năm. Tư duy trí tuệ và tinh lực của họ để cả vào những sản phẩm làm ra, cũng như hệ thống tín ngưỡng mà họ tôn thờ.

Trong gia đình người Chăm theo mẫu hệ ở Ninh Thuận, bà chủ gia đình là thợ gốm chính trong cơ sở sản xuất. Người con gái út của bà sống cùng mẹ và được truyền dạy nghề. Con trai dù có tài hoa đến đâu cũng theo vợ về gia đình khác, sống ở rể và không phải gánh nặng truyền thống gia đình, vì vậy, một vài nghệ nhân là nam giới ở làng nghề phá bỏ tính cố cựu của gốm Bàu Trúc, theo đuổi thị hiếu của số đông khách hàng trên thị trường. Tuy vậy, nền tảng để tạo nên màu sắc gốm riêng họ buộc phải giữ. “Sự vong bản trong gốm biến sản phẩm thành thứ đồ tiêu dùng rẻ tiền ngay” - Thợ gốm trẻ trong xưởng nói với tôi.

Nghệ nhân gốm Chăm tại làng Bàu Trúc. Ảnh: TTH

Có thể nói, những năm gần đây, gốm Bàu Trúc đã sống dậy nhờ du lịch. Sự thẩm thấu văn hóa để số lượng người yêu gốm tìm đến với gốm Chăm không đủ để vực dậy một làng gốm “thoi thóp” vào thập kỷ trước. Hơn thế nữa, trong kiến trúc hiện đại, gốm Chăm khó thích nghi, tầng lớp những bề dày văn hóa của gốm Chăm khiến người trẻ hiện đại e ngại không biết có thể tiếp cận theo cách nào. Một số mặt hàng ở làng gốm Bàu Trúc bây giờ như cây phong thủy chạy nước, tượng trang trí sân vườn, bình lọ trưng bày... ngoài nét thô mộc, giản dị ra, chưa đủ tinh tế để thuyết phục những người hiểu biết nghệ thuật khó tính.

Những nghệ nhân làng gốm bây giờ thậm chí không thể hiểu hết hệ thống tín ngưỡng của tiền nhân để lại. Nghệ nhân trẻ có thể làm ra một tượng gốm vũ nữ Apsara rất cân chỉnh, tròn đầy nhưng lại thiếu tinh thần và sức sống. Dù tay họ làm ra tượng một vị thần quen thuộc trong tín ngưỡng của người Chăm, nhưng lại không biết vị thần đó tên là gì, trong truyền thuyết ra sao, ẩn chứa ý nghĩa nào. Thế mới nói, gốm Chăm hồi phục chưa phải là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của một làng nghề. Nhưng chính sự trở lại của sản phẩm tiêu dùng được ưa thích sẽ sản sinh ra một lớp người trẻ dân tộc Chăm Ninh Thuận chịu khó tìm tòi học hỏi và góp công sức đưa thời kỳ đỉnh cao của gốm Chăm đến nhanh hơn.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bau-truc-gom-moi-ngan-nam/