Bay bổng cùng thư pháp

Vừa điều khiển cổ tay để đưa các ngón tay đẩy nét bút lông đã thấm mực đen uốn lượn trên tờ giấy trắng cỡ lớn để viết chữ 'Tâm' theo lối thư pháp, ông Nguyễn Bá Tuyên (40 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vừa cho hay: 'Học môn này đem đến nhiều điều thú vị, nhất là được bay bổng theo nét chữ…'.

Ông Hoàng Trọng (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa, phải) được nghệ sĩ thư pháp Minh Vương cầm tay uốn nắn trong những ngày đầu học viết thư pháp.

Việc học viết thư pháp hiện đang thu hút khá nhiều người tìm đến và theo đuổi. Đó là chia sẻ của 2 ông đồ trẻ vừa qua tuổi 30 đang đứng lớp dạy thư pháp tại TP.Biên Hòa là Minh Vương (ngụ huyện Vĩnh Cửu) và Thái Hoàn (ngụ TP.Biên Hòa) khi nói về việc tuyển lựa người học thư pháp.

* Ai cũng có thể học

Nghệ sĩ thư pháp Thái Hoàn cho biết: “Người học chỉ cần có niềm yêu thích là đủ để có thể theo học môn nghệ thuật này. Nhưng muốn phát huy, muốn nét chữ đẹp thì cần sự kiên nhẫn và một chút năng khiếu”.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh):

“Những hoạt động triển lãm thư pháp được tổ chức luôn là mong mỏi của những người yêu thư pháp. Qua đó giúp những người làm nghề giới thiệu được tác phẩm của mình đến với công chúng và ngược lại công chúng biết đến nghệ thuật thư pháp Việt ở Đồng Nai”.

Người học ở các lớp thư pháp có đủ các lứa tuổi, từ học sinh THCS đến những người đã trên 70 tuổi. Ở đó tất cả đều kiên trì luyện bút, luyện tay bằng cách viết những nét ngang, nét dọc, viết từng chữ cái theo dạng in hoa và thường hết tờ giấy này đến tờ giấy khác. Ông Hoàng Trọng (ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi học thư pháp được gần 6 tháng. 3 tháng đầu tôi cứ ngồi gạch từng nét ngang dọc, viết từng từ. Sau đó thầy cầm tay uốn nắn đồ lại từng chữ y như trong sách. Học như vậy không khác gì ngày còn bé tôi mới bắt đầu luyện chữ. Nhưng khi đã hiểu được cách viết thì tôi mê lắm, càng muốn viết nhiều, luyện nhiều”.

Còn theo nghệ sĩ thư pháp Minh Vương: “Ai học nhanh thì 2 tháng sẽ quen tay, rõ cách viết. Ai học lâu hơn cũng 3 tháng trở lên mới bắt đầu viết hoàn chỉnh được. Riêng yếu tố thẩm mỹ, viết đúng khuôn khổ thì bắt buộc mỗi người phải luyện lâu dài”.

Nghệ sĩ thư pháp Minh Vương hiện đang hướng dẫn 15 người học viết thư pháp. Học viên được chia thành nhiều ca với thời gian học khác nhau trong tuần. “Trước đây không mấy người quan tâm đến học chữ thư pháp. Bây giờ thì mỗi lúc một nhiều người tham gia học nên những người làm nghề như tôi rất vui” - nghệ sĩ thư pháp Minh Vương cho hay.

* Ước mơ của người yêu thư pháp

Không chỉ chuyên tâm vào việc dạy thư pháp, luyện thư pháp mà những người yêu nghệ thuật thư pháp còn tham gia vào các hoạt động quảng bá niềm đam mê của mình. Trong các lễ hội như: giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa), lễ hội chùa Ông, lễ Kỳ yên đình Tân Lân… những người đam mê với thư pháp tại Đồng Nai luôn có mặt. Ở đó, họ tổ chức giới thiệu về thư pháp bằng những gian hàng tặng chữ thư pháp hoàn toàn miễn phí, trưng bày những sản phẩm thư pháp đẹp mắt và kể chuyện về thư pháp Việt.

Nghệ sĩ thư pháp Thái Hoàn giới thiệu một tác phẩm trong triển lãm thư pháp cá nhân của mình tại Hội quán Trấn Biên.

Anh Trần Lê Hữu Nghĩa (26 tuổi, ngụ phường Bình An, TX.Dĩ An, Bình Dương) cho biết: “Tôi theo học thư pháp tại Biên Hòa được 2 năm. Hiện tại tôi đã viết được chữ hoàn chỉnh nên mỗi khi các anh chị nghệ sĩ thư pháp mời tham gia vào các hoạt động cho chữ thư pháp, tôi cũng được tham gia. Tôi thấy việc làm này rất bổ ích vì sẽ thêm nhiều người biết và thích thư pháp Việt hơn”.

Không chỉ tham gia vào các hoạt động mang yếu tố lưu động, gần 3 năm trở lại đây với sự hỗ trợ của Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, các hoạt động dạy và triển lãm thư pháp tại đây luôn thu hút sự chú ý từ công chúng. Mỗi dịp hè đến, Hội quán Trấn Biên luôn là địa điểm để những người muốn truyền dạy thư pháp, trong đó có nghệ sĩ thư pháp Thái Hoàn và người muốn học thư pháp tìm đến sinh hoạt. Đây cũng là nơi mà các hoạt động trưng bày, giới thiệu tác phẩm thư pháp được tổ chức thường xuyên giúp những người yêu thư pháp gặp gỡ, trau dồi kiến thức, bình phẩm góp ý về tác phẩm, học hỏi điều hay.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201811/bay-bong-cung-thu-phap-2919224/