Bây giờ viết dài thì ai đọc nổi?

Khoảng 30 năm nay, đặc biệt khi các nền tảng truyền thông số phát triển như vũ bão, vũ trụ 'bãi bể nương dâu' đã và đang tác động mạnh mẽ trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận nói chung và tiếp nhận văn học nói riêng. Đọc ngắn và viết ngắn dường như đang là một 'xu thế thời đại'?

Đọc ngắn, viết ngắn

Đọc ngắn là do tâm thế tiếp nhận của con người trong một thời đại bùng nổ thông tin. Thông tin nhiều vô kể và đến với con người nhanh vô cùng. Sự kiện nóng hổi này chưa qua thì đã bùng nổ sự kiện khác nóng hơn, cái vừa xuất hiện làm nguội lạnh ngay cái vừa xảy ra trước đó ít phút như thể sóng sau đè sóng trước giữa đại dương muôn trùng.

'Hồ Sơ lửa' của nhà văn Lại Văn Long được xác nhận kỷ lục là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam với 6 tập, dày 2.400 trang

'Hồ Sơ lửa' của nhà văn Lại Văn Long được xác nhận kỷ lục là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam với 6 tập, dày 2.400 trang

Văn chương trong thời đại bùng nổ thông tin cũng là: Thời của tản văn. Thời của thơ ngắn. Thời của truyện ngắn ngắn (mini). Thời của tiểu thuyết ngắn. Có phải đọc ngắn viết ngắn đang là "xu thế thời đại"?

Tản văn vốn là một thể loại nhỏ, rất ít nhà văn chuyên cả đời sống chết với nó. Trước đây, phần lớn các nhà văn viết tản văn như "viết tay trái", viết khi giải lao trong hành trình lao tâm khổ tứ sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn…, thì khoảng hơn chục năm nay "nhà nhà viết tản văn", "người người viết tản văn". Dĩ nhiên, viết tản văn là nhu cầu nội tại của tác giả, nhưng cũng bởi nhu cầu của đời sống, bạn đọc muốn đọc, thích đọc những đoạn văn ngắn, những lát cắt tâm trạng, những câu chuyện nhỏ khi thời gian quá hạn hẹp.

Tiểu thuyết ngắn độ 150-200 trang là cùng, thậm chí có tiểu thuyết chỉ 100 trang khổ 13x19cm cũng ra đời. Một ý tưởng không quá to tát. Một hệ thống nhân vật chính, phụ không quá mười đầu ngón tay. Một câu chuyện với các mối quan hệ không quá phức tạp. Một giọng điệu cá tính, khúc chiết, không quá bí hiểm, bí ẩn… Thế là có thể làm vừa lòng không ít bạn đọc thời điện thoại thông minh, laptop, kỹ thuật số lên ngôi. Tiểu thuyết ngắn dễ cầm, dễ mang theo, dễ đọc dù ngồi hay nằm…, sẽ dễ sử dụng hơn là quyển tiểu thuyết dài nặng trĩu, dầy cộp nghìn trang, chỉ loay hoay lật bìa, lật trang, gồng tay đổi tay đỡ cho khỏi mỏi…

Truyện mini hay còn gọi là truyện ngắn ngắn, hoặc truyện cực ngắn. Khái niệm truyện ngắn ngắn không biết ai nghĩ ra, và nó trở thành một chuyên mục của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội kéo dài hơn chục năm. So với làn sóng tác giả viết tản văn thì tác giả viết truyện ngắn ngắn không những đông đảo, mà số lượng tác phẩm cũng nhiều, các cuộc thi truyện cực ngắn được tổ chức từ những năm 90 của thế kỷ trước rất rầm rộ. Nó được ví như "chùm hoa nở muộn" trong cái vườn truyện ngắn vốn đã quá sum suê. Truyện ngắn ngắn hay là thể loại quá ngắn mang dấu ấn sâu sắc của thời đại thông tin ào ạt và tốc độ. Ngắn ngắn nên nó súc tích, gọn, tiết tấu nhanh, nó gạt bỏ hết những cái làm duyên, cái thừa thãi để theo kịp thời đại thông tin. Người ta đọc nhoáng một cái là xong, đọc lấy tứ truyện và lấy ý truyện là chính rồi cảm nhận được một thông điệp nhân sinh nào đó. Cho nên, truyện ngắn ngắn cũng là món ăn rất độc đáo của không ít bạn đọc.

Nhiều tác giả thành danh từ truyện cực ngắn như Phan Thị Vàng Anh, Phạm Sông Hồng, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoàng Long… Ngắn như truyện cực ngắn đến bây giờ vẫn là lựa chọn của nhiều người đã quay lưng với truyện dài.

Có một hiện tượng không thể bỏ qua là những năm gần đây, có nhiều tác giả đi tìm cách viết thơ ngắn. Nhà thơ Mai Văn Phấn rất thành công với loại thơ 3 câu: "Nhặt/ Hạt nắng/ Gieo vào bóng râm" (Chim sáo đá). Thậm chí tối giản đến mức bài thơ chỉ 2 câu: "Hạt sương bay/ Mang chuyện hôm qua". (Sương sớm)…Thơ ngắn, không chỉ là sự tìm tòi, cách tân, mà còn là chia sẻ của tác giả với người đọc trong thời đại tốc độ, nghĩ sâu viết ngắn, đọc cũng ngắn.

Đọc dài, viết dài

Thời hiện đại, viết dài… vẫn không ngừng viết dài. Viết dài, dĩ nhiên ở văn xuôi là tiểu thuyết, và thơ là trường ca. Người đọc thơ viết dài có bao nhiêu thật khó, nhưng sáng tác thì có thể biết được con số tác giả tác phẩm một cách tương đối.

Cách đây hơn chục năm, nhà phê bình Đỗ Quyên đã làm phép thống kê: "Nếu nói về số lượng, kể từ thời Thơ Mới tới nay, con số chúng tôi đang có được là khoảng 368 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương trường ca, với tổng số 866 tác phẩm". Đến nay, số lượng trường ca và thơ dài chắc chắn không dừng ở con số này.

Viết dài, trong số trường ca hiện đại phải kể đến "Phồn sinh" của Nguyễn Linh Khiếu với độ dài kỷ lục của thơ Việt Nam hiện nay, dày 710 trang thơ văn xuôi, khổ 16x24cm, với 135.745 chữ không hề có bất cứ một dấu chấm, dấu phẩy, dấu cảm thán, dấu hỏi... nào, có câu thơ dài đến 1.716 chữ. Cả trường ca chỉ có duy nhất dấu chấm kết thúc. Đây là một thách đố người đọc. Người đọc phải có sức khỏe mới không hụt hơi, đôi mắt phải tinh tường mới không bị mờ nhòe vì những "binh đoàn chữ" dày đặc. Đặc biệt phải có lòng kiên trì, lì lợm bám sách, rồi suy tính để tự chấm, phẩy, để tự ngắt mệnh đề, ngắt ý, ngắt câu, ngắt đoạn… mà nghỉ. Thử hỏi có bao nhiêu người bền bỉ đồng hành với tác giả từ chữ đầu đến chữ cuối trường ca? Dường như nhận ra viết dài ít ai đọc, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu than thở: "… Tôi không dám chắc liệu có được 100 người đọc hết "Phồn sinh" hay không". Biết thế nhưng ông vẫn viết.

Có một thực tế không biết đáng vui hay đáng buồn là thế hệ nhà thơ trẻ sinh sau chiến tranh không mặn mà với trường ca. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn lúc sinh thời giải thích rằng: "Có thể có nhiều lý do, chẳng hạn quan niệm thẩm mỹ của thế hệ này đã khác trước, trường ca không thật hấp dẫn ngòi bút của họ, có thể do thị hiếu người đọc, trường ca không còn là món khoái khẩu của họ, có thể mối liên hệ của họ với những chấn động lịch sử đã khác trước...". Do người viết hay người đọc thì cũng phải công bằng mà công nhận rằng: Cái thời trường ca xuất hiện xôn xao thành hiện tượng như: "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm, "Những người đi tới biển" của Thanh Thảo, "Đường tới thành phố" của Hữu Thỉnh, "Gọi nhau qua vách núi" của Thi Hoàng… dường như đã qua rồi?

Dài hay ngắn, “nước sông không phạm nước giếng”

Tôi viết tiểu thuyết “Miền Hoang” dài hơn 600 trang, khi sách ra đời, có đồng nghiệp bảo: "Bây giờ, người ta đọc ngắn, ông viết dài thế, thì mấy ai đọc?". Tôi bảo: "Sách của tôi không dành cho những người đọc ngắn. Tôi viết cho những người đọc dài".

Viết dài hay ngắn là do tạng người viết, và cũng do yêu cầu nội dung tư tưởng tác phẩm, cần phải có "lượng" để làm nên "chất". Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu không úp mở, vòng vo, ông rất thẳng thắn: "Viết Phồn sinh trước hết là viết vì tôi. Nhu cầu nội tại của cá nhân tôi thúc bách tôi phải viết nó. Không viết nó không được… Là một trường ca, tôi thấy nó phải viết như thế. Viết ngắn đi không được và viết dài hơn nữa cũng không được".

Một bài thơ dù trác tuyệt đến bao nhiêu cũng không thể sánh nổi với một trường ca tuyệt tác. Một hệ thống truyện của một hệ thống nhân vật xuyên suốt một thời kỳ lịch sử đầy biến động, thậm chí đi cùng một thời đại, đi cùng số phận dân tộc thì phải cần đến trường thiên tiểu thuyết.

Mỗi thể loại, mỗi dung lượng ngắn dài có những công năng khác nhau, và "lượng đổi, chất đổi", khi một bài thơ ngắn bất lực, khi một trường ca không dung chứa được vấn đề tác giả muốn nói thì mấy cái tiểu thuyết lên tiếng. Viết về cuộc chiến tranh Nga - Pháp năm 1812 chống quân xâm lược của hoàng đế Napoleon không chỉ quyết định vận mệnh nước Nga mà cả số phận châu Âu thì không thể viết một bài thơ, hay một tản văn, mà cần dung lượng một trường thiên tiểu thuyết mới chứa được hiện thực rộng lớn, sâu sắc. "Chiến tranh và hòa bình" của bá tước Tolstoy hơn 2.000 trang, gần 500 nhân vật ra đời là tất yếu khách quan, chứ không thể là một truyện ngắn...

Sử thi Mahabharata vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại hơn 200.000 câu thơ riêng lẻ với khoảng 1,8 triệu chữ. Người Ấn Độ cho rằng: "Cái gì không có trong Mahabharata thì cũng không thể tìm thấy ở bất kì đâu trên đời".

Có một thực tế ít ai để ý là: Giải thưởng Nobel trao cho văn xuôi, hầu như thuộc về tiểu thuyết, chứ không phải là truyện ngắn, tản văn, ký. "Cái trống thiếc" của Gunter Grass, "Sông Đông êm đềm" của Mikhail Sholokhov, "Trăm năm cô đơn" của Gabriel Marquez, "Tên tôi là đỏ" của Orhan Pamuk, "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện, "Báu vật của đời", "Đàn hương hình" của Mạc Ngôn…, quyển tiểu thuyết nào cũng dài, dầy vật vã.

Ngắn có giá trị của tác phẩm ngắn. Dài có giá trị của tác phẩm dài. Viết ngắn, cho người muốn đọc ngắn. Người thích đọc dài vẫn có tác giả viết dài. Ngắn mà hay có ích hơn dài mà dở. Ngắn mà dở, dĩ nhiên không thể so với dài mà hay, mà trác tuyệt.

Người Việt có câu: "Văn hay chẳng lọ ngắn dài". Cắt nghĩa thế nào khi "Tam quốc diễn nghĩa", "Thủy hử", "Tây du ký", "Đông chu liệt quốc", "Ba chàng ngự lâm pháo thủ", "Robinson Crusoe"… toàn là tiểu thuyết dầy dặn mà tái bản liên tục, là cảm hứng vô tận cho điện ảnh, truyền hình, mỹ thuật, quyến rũ người đọc không chỉ người lớn mà cả trẻ em?

Trước Tết Nhâm Dần 2022, sau nhiều năm ấp ủ, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã cho ra mắt bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 8 tập, gần 2.000 trang khổ 18x24cm. Đầu năm nay, nhà văn Lại Văn Long in bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa" gồm 6 tập, hơn 2.400 trang sách, lập kỷ lục Việt Nam là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam, ông đã âm thầm sáng tạo suốt 30 năm nay… Dài nhưng vẫn chinh phục được người đọc bởi tính hấp dẫn của tác phẩm.

Sức thu hút, quyến rũ người đọc là ý tưởng tiểu thuyết, là câu chuyện nhân sinh, là cách viết đầy cá tính, độc đáo, chứ không phải ngắn hay dài. Trong thư gửi nhà nghiên cứu Uyliam Rotxon người Anh, Tolstoy viết: "Thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc tác phẩm của tôi không…". Vậy mà đã hơn 150 năm, người đọc mọi màu da khắp toàn cầu vẫn đọc "Chiến tranh và hòa bình", vẫn đọc "Anna Karenina" của ông.

Cái hay, cái trác tuyện của tác phẩm giữ chân người đọc không bỏ đi, chứ không phải độ ngắn hay dài.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/bay-gio-viet-dai-thi-ai-doc-noi--i695795/