'Bẫy rồng': Phim hành động Việt hơi hướm xã hội đen Hong Kong

Hai năm sau 'Dòng máu anh hùng', hãng phim Chánh Phương tiếp tục thực hiện một bộ phim hành động võ thuật có tên 'Bẫy rồng', một tác phẩm có hơi hướm phim xã hội đen Hong Kong.

Khác với thể loại hành động - dã sử lấy bối cảnh những năm Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp trong Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng là phim hành động có bối cảnh hiện đại, tập trung vào cuộc đối đầu, thanh trừng giữa các băng đảng tội phạm.

Chiếc ghế đạo diễn được giao cho Lê Thanh Sơn, một nhà làm phim trẻ vốn xuất thân là rocker chuyển sang làm phim. Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tiếp tục đóng chung và phần nào lặp lại motif nhân vật của họ trong Dòng máu anh hùng. Đó là từ đối đầu sang cùng phe, và mối quan hệ lãng mạn là chất xúc tác để họ gắn kết với nhau.

Sau Dòng máu anh hùng, Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tái hợp trong Bẫy rồng.

Sau Dòng máu anh hùng, Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân tái hợp trong Bẫy rồng.

Bẫy rồng có hơi hướm của một bộ phim xã hội đen Hong Kong những năm 90. Trinh, còn có biệt danh là Phượng Hoàng (Ngô Thanh Vân đóng), là một “nữ quái” lạnh lùng, làm việc theo nguyên tắc và giỏi võ nghệ. Do một số ân oán trong quá khứ, Phượng Hoàng phải thực hiện một phi vụ quan trọng cuối cùng cho tên trùm tội phạm quyền lực Hắc Long (Hoàng Phúc).

Nhanh, hấp dẫn

Phượng Hoàng tuyển một số lính đánh thuê tinh nhuệ, bao gồm Quân có biệt danh Hổ (Johnny Trí Nguyễn), Cang/Xà (Lâm Minh Thắng), Tuấn/Diều hâu (Trần Thế Vinh), Phong/Ngu (Hiếu Hiền) để thực hiện vụ cướp một chiếc máy laptop chứa đựng những bí mật quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Chiếc laptop đang nằm trong tay một băng nhóm tội phạm nước ngoài mới đặt chân đến Sài Gòn. Phi vụ đầu tiên của nhóm đổ bể. Quá khứ của Xà và tay trùm buôn bán vũ khí khiến họ không những không mua được vũ khí mà còn phải trải qua một trận chiến vô mục đích khiến Diều Hâu bị thương.

Phượng Hoàng phải nhận số vũ khí của Hắc Long để hoàn thành nhiệm vụ. Những cuộc đối đầu dữ dội giữa băng nhóm của Phượng Hoàng với nhóm tội phạm Pháp, sự phản bội của Xà, cái chết của Diều Hâu, mối quan hệ lãng mạn giữa Hổ và Phượng Hoàng, thế lực và sự tàn bạo của Hắc Long dần dần đẩy câu chuyện phim đi xa và những bí mật, âm mưu của mỗi nhân vật được đưa ra ánh sáng...

Trên nền một kịch bản phim hành động - lãng mạn với những motif quen thuộc, Bẫy rồng có một vài điểm sáng trong kể chuyện với nhịp điệu nhanh, cắt dựng nhịp nhàng. Các góc máy sáng tạo của DOP (giám đốc hình ảnh) người Mỹ Dominic Pereira khiến bộ phim hấp dẫn ngay từ đầu và lôi kéo người xem tới những cảnh cuối cùng.

Bộ phim có nhiều cảnh hành động võ thuật hấp dẫn.

Các cảnh hành động đối đầu giữa hai băng nhóm kết hợp giữa các pha võ thuật đấu tay đôi, cận chiến lẫn các pha đấu súng ngoạn mục khiến Bẫy rồng khá giống với những bộ phim xã hội đen của Hong Kong thập niên 90.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn có một vài sáng tạo trong xử lý kịch bản như việc mượn những quân cờ trong bàn cờ tướng làm ẩn dụ về mối quan hệ giữa các nhân vật, đặc biệt là giữa Phượng Hoàng và Hắc Long.

Cách sử dụng nhạc cổ điển phương Tây theo kiểu leitmotif (lặp đi lặp lại) trong những cảnh có sự xuất hiện giữa hai nhân vật này khiến Bẫy rồng thoát khỏi cách dàn dựng mang tính rập khuôn, dễ dãi của thể loại phim hành động và tạo được sự mới mẻ để nhân vật bộc lộ nội tâm hay những nét tính cách khác biệt.

Chưa thoát được phim hành động hạng B

Tuy nhiên, kịch bản của Bẫy rồng lại bộc lộ những hạn chế khi xây dựng mối quan hệ giữa Phượng Hoàng và Hổ (gần như lặp lại mối quan hệ giữa hai nhân vật chính trong Dòng máu anh hùng từ xuất phát điểm, thân thế bí mật cho đến những cảnh lãng mạn của cả hai), nhân vật phản diện cứng nhắc hay sự minh họa hời hợt, dễ dãi trong các đoạn hồi tưởng.

Do đó, Bẫy rồng thiếu chiều sâu và không vượt thoát khỏi một bộ phim hành động hạng B. Trong khi đó, câu chuyện về tình mẫu tử giữa nhân vật Trinh/Phượng Hoàng và đứa con bị trùm giang hồ Hắc Long bắt giữ để thao túng cô cũng mới chỉ dừng ở bề mặt mà thiếu hẳn chiều sâu, không thể giúp khán giả đồng cảm với hành trình của nhân vật.

Ở phim hành động mới của Ngô Thanh Vân là Hai Phượng, yếu tố này phần nào được kế thừa và phát triển câu chuyện hợp lý hơn. Tất nhiên, Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt tạo ra một kịch bản đơn giản, phá bỏ những chi tiết đã quá trở thành khuôn mẫu trong dòng phim hành động để tập trung vào một câu chuyện đơn tuyến về hành trình đi tìm con của Hai Phượng.

Bẫy rồng cho thấy nhiều tiềm năng về chỉ đạo diễn xuất (với điểm sáng diễn xuất của Ngô Thanh Vân và Hoàng Phúc), dàn cảnh, nhịp điệu, sử dụng âm nhạc của Lê Thanh Sơn trong vai trò đạo diễn ở bộ phim đầu tay, nhưng cũng bộc lộ vài hạn chế về kịch bản và chưa thoát ra khỏi những khuôn mẫu của thể loại.

8 năm sau Bẫy rồng, Lê Thanh Sơn đạt thành công lớn với phim tình cảm hài Em chưa 18, giúp hot girl Kaity Nguyễn tỏa sáng.

Bẫy rồng cũng không thành công về doanh thu phòng vé vào thời điểm ra mắt vào năm 2009. Tuy nhiên, với bộ phim thứ 2 thuộc thể loại rom-com Em chưa 18, cũng với vai trò sản xuất của Charlie Nguyễn và hãng Chánh Phương, Lê Thanh Sơn đã trở thành đạo diễn giữ kỷ lục phòng vé phim nội địa ăn khách nhất trong hai năm, trước khi bị bộ phim Tết Cua lại vợ bầu của đạo diễn Nhất Trung soán ngôi.

Với vai trò đạo diễn võ thuật, đóng vai chính và lên ý tưởng kịch bản, Johnny Trí Nguyễn là một nhân tố quan trọng giúp Bẫy rồng trở thành một bộ phim hành động hấp dẫn, đặc biệt là việc anh sử dụng sáng tạo những thế võ cổ truyền Việt Nam (Vovinam) phối hợp với các môn võ nổi tiếng khác của thế giới như Taekwondo, Nhu thuật, Judo, Muay Thái...

Nhờ đó, các cảnh hành động dữ dội tạo được sức hút đáng kể về mặt thị giác và giúp Bẫy rồng trở thành bộ phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất được mua bản quyền chiếu trên kênh Star Movies châu Á.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bay-rong-phim-hanh-dong-viet-hoi-huom-xa-hoi-den-hong-kong-post916593.html