Bay vì đất mẹ: Trận không chiến khốc liệt nhất Mặt trận phía Đông

Trận chiến ở Kuban, mà trọng tâm là sự đối đầu giữa Không quân Liên Xô và Không quân Đức đã mở ra bước ngoặc làm thay đổi hoàn toàn cục diện Mặt trận phía Đông.

Mặt trận phía Đông - ngày 16/12/1942, sau thành công của Chiến dịch Uranus, bao vây được tập đoàn quân số 6 của Đức ở Stalingrad, Hồng quân Liên Xô bắt đầu một cuộc phản công khổng lồ để cố gắng thay đổi thế cân bằng chiến lược. Bộ chỉ huy cao của Liên Xô đã huy động vào cuộc phản công này tổng cộng 36 sư đoàn với số lượng 425.000 người, hơn 5.000 pháo và súng cối, hơn 1.000 xe tăng, và hơn 400 máy bay của nhiều lớp khác nhau cho cuộc tấn công.

Đối mặt với lực lượng Hồng Quân Liên Xô đầy nhiệt huyết là Sư đoàn 8 bộ binh quân đội Rumani và Sư đoàn 3 của Rumani, cùng với các lực lượng Đức dưới sự chỉ huy của Chỉ Huy Field Erich von Manstein. Tổng cộng quân số của phe phát xít trên chiến trường có 459.000 quân, hơn 6.000 pháo và súng cối, khoảng 600 xe tăng, và 500 máy bay. Các lực lượng phát xít có lợi thế về mặt chiến thuật khá lớn do địa hình khu vực đóng quân của họ dễ phòng thủ, khó tấn công và toàn tuyến của lực lượng phòng thủ có chiều sâu lên tới 25 km.

 Không quân Liên Xô. Nguồn ảnh: Sputnik.

Không quân Liên Xô. Nguồn ảnh: Sputnik.

Trận chiến ở Kuban

Vào mùa xuân năm 1943, được bổ sung lực lượng từ những thiệt hại thảm khốc năm 1941 và được đang có tinh thần chiến đấu rất cao sau các chiến thắng ở Stalingrad, Không quân Hông Quân Liên Xô đã tăng cường nỗ lực để thách thức ưu thế trên không ở mặt trận Phía Đông của quân Phát xít. Điều này bao gồm một loạt các cuộc không chiến lớn diễn ra ở phía nam sông Kuban. Chiến dịch không quân, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1943, đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc chiến chiếm lại Caucasus. Luftwaffe – lực lượng Không quân Phát xít Đức, muốn sử dụng tính ưu việt của họ và lợi thế trang thiết bị cũng như trình độ vượt trội của phi công đã quyết định sử dụng những chiến thuật cũ vốn được lực lượng này sử dụng từ thời thực hiện chiến dịch Barbarossa, đã lên kế hoạch tấn công theo đó ưu tiên số một là phá hủy các cơ sở của Không quân Hồng Quân sau đó mới tới ưu tiên yểm trợ cho các lực lượng mặt đất của họ.

Các lực lượng của Đức bao gồm khoảng 1.200 máy bay, trong đó có các máy bay chiến đấu BF-109 và FW-190 của Luftwaffe, máy bay ném bom He-111, máy bay ném bom Ju-87 và máy bay chiến đấu đa nhiệm Ju-88. Ở chiều hướng đối lập, Không quân Liên Xô có một lực lượng bao gồm các máy bay của nước này và hàng viện trợ mà Mỹ và Anh chuyển cho Moscow gồm LaGG-3, La-5, Yak-1B, Yak-7, P-39 Airacobra, P-40E Kittyhawk và Spitfire MK.V của Anh, và Pe-2, Il-2, và Il-4

Các máy bay Ju-87 của Không quân Đức. Nguồn ảnh: Junkers.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nga, chiến dịch không quân trên Kuban được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 4 năm 1943 tại khu định cư Myskhako thuộc vùng Krasnodar. Bộ binh Đức, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Không quân của chúng, đã tìm cách chặn đứng sự tiến quân của Sư đoàn bộ binh 18 Liên Xô. 450 máy bay ném bom Đức được hỗ trợ bởi 200 máy bay chiến đấu đã đối đầu với 500 máy bay Liên Xô, trong đó có 100 máy bay ném bom Liên Xô được triển khai cho các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất. Trong quá trình chiến đấu, Luftwaffe chiếm ưu thế trên không trong khu vực giao tranh, nhưng Không lực Liên Xô đã rất ngoan cường khi thành công trong việc ngăn không cho phía Đức đạt được mục tiêu chính là chặn được cuộc tấn công của Sư đoàn bộ binh số 18 của Liên Xô ở dưới mặt đất.

Giai đoạn thứ hai của chiến dịch bắt đầu vào ngày 28 tháng 4 quanh khu vực làng Krymskaya. Trong ba giờ đầu tiên, Không quân Đức đã tiến hành hơn 1.500 phi vụ không kích, nhằm phá vỡ cuộc tấn công của các đơn vị mặt đất Liên Xô. Không lực của Liên Xô đã có lời đáp trả ngày hôm sau, tiến hành 379 phi vụ tấn công vào các vị trí đóng quân của Đức. Các trận chiến trên không diễn ra dữ dội kéo dài đến tháng sau, mỗi bên mất hàng chục máy bay và phi công tinh nhuệ khi quân đội Liên Xô tiếp tục tiến quân tới độ sâu thêm 10 km bao vây quanh làng vào giữa tháng 5. Các máy bay chiến đấu của Không quân Liên Xô đã hoạt động rất hiệu quả ở khu vực tầm thấp, buộc các máy bay ném bom của Đức phải thả bom từ độ cao 3000 tới 5000 mét, khiến hiệu quả của các vụ ném bom là rất thấp do bom rơi tản mát, phần lớn trượt mục tiêu.

Huyền thoại Il-2 tiêm kích-bom của Không quân Liên Xô với biệt danh "Xe tăng bay". Nguồn ảnh: Sputnik.

Giai đoạn cuối cùng, bắt đầu từ ngày 26 tháng 5 và kéo dài đến ngày 7 tháng 6, liên quan đến cuộc chiến đấu đẫm máu trong vùng ngoại vi của làng Kievskaya và Moldavskaya, nơi mà với ưu thế vượt trội, Đức quốc xã đã gần như chặn đứng được sự tiến công của bộ binh Liên Xô. Tuy nhiên, thất bại của Không quân Luftwaffe của Đức trong việc yểm trợ cho bộ binh của họ cũng như chặn đánh sự yểm trợ của Không quân Liên Xô đã giúp tạo ra lợi thế lớn cho Hồng Quân trên không, dẫn tới việc Đức quốc xã mất gần như hoàn toàn ưu thế trên không và rơi vào cảnh “cá nằm trong chậu” vào mùa hè năm 1943.

Kết thúc chiến dịch, Không quân Đức đã mất tổng cộng hơn 500 máy bay, trong khi Không lực Hồng Quân mất 122 máy bay. Chiến dịch của Liên Xô được cho là thành công và trở thành cơ sở mấu chốt mở ra ưu thế cả trên không lẫn trên bộ cho Hông Quân Liên Xô trong tương lai. Sự thành công của chiến dịch trong việc thực hiện các cuộc tấn công trên không kết hợp với tấn công dưới mặt đất trong một khu vực rộng khổng lồ là một bài học quan trọng đặc biệt mà các tư lệnh Liên Xô sau đó cố gắng nhân rộng sau đó.

Có thể khẳng định một điều, Không quân Liên Xô đã có đóng góp to lớn không chỉ trong chiến dịch này mà còn là trong cả cuộc chiến tranh vệ quôc vĩ đại. Điều đáng nói là những chiến công của họ (không quân Liên Xô) lại thường ít được nhắc tới dù nó có tầm quan trọng không kém gì những chiến công của những đơn vị anh hùng Liên Xô tham chiến ở dưới mặt đất.

Mời độc giả xem Video: Những thước phim tư liệu vô giá về Không quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nguồn: Youtube.

Tuấn Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/bay-vi-dat-me-tran-khong-chien-khoc-liet-nhat-mat-tran-phia-dong-978538.html