Bayer sắp hoàn tất thương vụ mua lại Monsanto

Tập đoàn Bayer đặt kế hoạch hoàn tất giao dịch mua lại Monsanto vào ngày 7.6.2018 sau khi nhận được tất cả các phê duyệt cần thiết từ các cơ quan chức năng.

Cột mốc chiến lược

“Giao dịch mua lại Monsanto là một cột mốc chiến lược trong việc tăng cường các hoạt động kinh doanh hàng đầu của chúng tôi trong lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng. Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi quy mô kinh doanh mảng nông nghiệp và tạo ra một động cơ thúc đẩy sáng tạo hàng đầu trong nông nghiệp, đồng thời định vị mình ở vai trò phục vụ khách hàng tốt hơn và mở ra các cơ hội tăng trưởng lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp,” ông Werner Baumann, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bayer cho biết.

Trước đó, Bayer công bố ý định mua lại Monsanto vào tháng 5.2016 và đã ký kết thỏa thuận chi trả cho công ty này 128 USD cho mỗi cổ phiếu tại thời điểm tháng 9.2016. Giao dịch này trị giá khoảng 63 tỉ USD, bao gồm các khoản nợ còn lại của Monsanto tính tại thời điểm tháng 2.2018. Liên quan đến toàn bộ quy trình phê duyệt của các cơ quan chức năng, Bayer đã đồng ý bán lại một số mảng kinh doanh của mình với tổng trị giá là 7,6 tỉ Euro. Được biết doanh thu năm 2017 của các mảng kinh doanh này là 2,2 tỉ Euro. Kết hợp Monsanto và việc bán lại một số mảng kinh doanh thì doanh thu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp ước tính khoảng 45 tỉ Euro, trong đó nhánh Khoa học Cây trồng vào khoảng 20 tỉ Euro.

“Theo dự tính, giao dịch này sẽ tạo ra các giá trị đáng kể vào thu nhập chính trên mỗi cổ phiếu bắt đầu từ năm 2019. Từ năm 2021 trở đi, đóng góp này được dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức hai con số. Hơn nữa, Bayer mong đợi giao dịch này sẽ góp phần giảm chi phí hoạt động qua đó góp phần tăng thu nhập trước thuế hàng năm là 1,2 tỉ USD kể từ năm 2022”, đại diện Tập đoàn Bayer cho biết thêm.

Để mua Monsanto, Bayer đã được đảm bảo một khoản tài chính trị giá 57 tỉ USD. Như đã thông báo vào năm 2016, khoản tài chính này đang được tái cấp vốn nhờ vào kết hợp của các giao dịch vốn và nợ, trong đó một số đã được hoàn thành. Một phần vốn bổ sung được quyết định thông qua việc phát hành quyền mua cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, như đã được thông báo ngày hôm qua.

Bayer sẽ trở thành cổ đông duy nhất của Monsanto vào ngày 7.6 tới. Theo phê duyệt có điều kiện từ Bộ Tư Pháp Mỹ, việc sáp nhập Monsanto vào Bayer sẽ diễn ra ngay sau khi việc bán một số mảng kinh doanh cho Công ty BASF hoàn tất. Quá trình này được dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng hai tháng. “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sáp nhập sắp tới trong hai năm qua. Kinh nghiệm sâu rộng của chúng tôi trong sáp nhập các công ty lớn khác đã chứng minh rằng chúng tôi có thể và sẽ thành công,” ông Baumann cho biết.

Củng cố cam kết bền vững và trách nhiệm

“Sáng tạo là yếu tố quan trọng để sản xuất các loại thực phẩm an toàn, dinh dưỡng với giá cả phải chăng để cung cấp cho dân số toàn cầu đang gia tăng một cách bền vững hơn. Việc sáp nhập của hai công ty sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi đưa ra các sáng tạo nhanh hơn và cung cấp các giải pháp phù hợp cho các nhu cầu khác nhau của nông dân trên toàn thế giới”, ông Liam Condon, Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bayer kiêm Giám đốc Nhánh Khoa học Cây trồng phát biểu.

Đại diện Tập đoàn Bayer nhấn mạnh: “Nhìn về tương lai, đội ngũ làm việc cả trong phòng thí nghiệm lẫn trên thực địa của chúng tôi sẽ có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo một cách toàn diện hơn khi giúp giải quyết các thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt trong lĩnh vực nông nghiệp.”

Đại diện Bayer cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố cam kết của mình đối với phát triển bền vững. Bayer cam kết duy trì các giá trị đạo đức và tiêu chuẩn trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy khả năng tiếp cận các giải pháp về sức khỏe và dinh dưỡng, đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường”.

Bayer đồng thời cam kết tăng cường sự tương tác với các đối tác. Ông Baumann nhấn mạnh: “Chúng tôi hướng đến việc đối thoại sâu hơn nữa với xã hội. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến từ các nhà phê bình và cùng hợp tác để tìm tiếng nói chung. Nông nghiệp là lĩnh vực quá quan trọng nên không cho phép các sự khác biệt về ý thức hệ làm bế tắc sự tiến bộ của nó. Chúng ta cần phải đối thoại với nhau. Chúng ta cần lắng nghe lẫn nhau. Đó là cách duy nhất để xây dựng các cầu nối”.

Yến Hân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bayer-sap-hoan-tat-thuong-vu-mua-lai-monsanto-969952.html