BĐBP An Giang mạnh tay chống buôn lậu

Nhờ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nên thời gian qua, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự bền vững và cuộc chiến chống buôn lậu nơi đây vẫn còn hết sức khó khăn, nguy hiểm và phức tạp.

"Giảm nhiệt" nhưng… vẫn "nóng"

Biên giới An Giang có chiều dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Ta-keo và Kan-dan (Cam-pu-chia), có hai cửa khẩu quốc tế là Vĩnh Xương, Tịnh Biên; hai cửa khẩu là Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông. Địa hình của tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có nhiều sông rạch, rất thuận lợi cho việc qua lại biên giới bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Đây chính là điều kiện lý tưởng để bọn buôn lậu tăng cường hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong năm 2012, BĐBP An Giang đã bắt giữ 42 vụ mua bán, vận chuyển hàng lậu với tổng trị giá hàng hóa ước tính trên 2,1 tỷ đồng, cùng trên 50 nghìn gói thuốc lá và nhiều hàng hóa nhập lậu khác; phối hợp với Công an, Hải quan, Quản lý thị trường bắt 5 vụ trị giá khoảng 230 triệu đồng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, BĐBP An Giang đã độc lập bắt giữ 11 vụ buôn lậu, phối hợp với Công an, Hải quan, Quản lý thị trường bắt giữ 15 vụ. Nếu so với cùng thời điểm năm 2012, thì đây là một tín hiệu đáng mừng vì tình hình buôn lậu đã giảm đáng kể cả về số vụ lẫn giá trị hàng hóa.

80 bao đường cát Thái Lan bị BĐBP An Giang bắt giữ ngày 20-3-2013.

Có mặt tại Đồn BP Vĩnh Ngươn, địa bàn "nóng" của tỉnh An Giang về buôn lậu thuốc lá, mỹ phẩm và hàng điện tử, chúng tôi quan sát thấy các đối tượng vận chuyển hàng lậu không còn "liều lĩnh" hoạt động như trước. Trung tá Trần Quốc Khánh, Đồn trưởng Đồn BP Vĩnh Ngươn cho biết: "Thời gian gần đây, đơn vị đã tăng cường cán bộ, chiến sỹ thường trực trên toàn tuyến biên giới, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng của trên và Hải quan, Công an kinh tế... tổ chức chốt chặn, tuần tra, kiểm soát địa bàn, nhờ đó, tình hình buôn lậu đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, do địa hình đoạn biên giới đơn vị quản lý có rất nhiều tuyến đường mòn, kênh rạch nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thường hoạt động 24/24 giờ, chúng còn thường xuyên theo dõi lực lượng chống buôn lậu, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc thông báo cho nhau, vì vậy, nhiều khi chúng tôi xuất kích là bị lộ nên kết quả chống buôn lậu chưa đạt được như mong muốn".

Tại địa bàn các Đồn BPCK Quốc tế Sông Tiền, Tịnh Biên và cửa khẩu Long Bình..., tình hình buôn lậu vẫn diễn ra khá phức tạp. Hằng ngày, có từ 250 đến 300 lượt người, thành phần tham gia buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu rất đa dạng, chủ yếu là những người dân nghèo sử dụng xe gắn máy, ghe, xuồng cao tốc luôn trong tư thế sẵn sàng bốc vác, vận chuyển hàng lậu về Việt Nam khi không thấy lực lượng chức năng kiểm tra. Hàng lậu được vận chuyển qua biên giới mọi lúc, mọi nơi, có cơ hội lúc nào là vận chuyển lúc đó, nhưng thường tập trung vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Còn nhiều gian nan

Theo kết quả điều tra của BĐBP An Giang, hiện nay, ở bên kia biên giới, nơi giáp ranh thị xã Châu Đốc, Tân Châu, các huyện An Phú, Tịnh Biên có khoảng 39 điểm, kho tập kết hàng, với đủ chủng loại hàng hóa từ thuốc lá ngoại, quần áo cũ, linh kiện điện tử, đường cát, mỹ phẩm, rượu ngoại, phụ tùng ô tô... chỉ chờ dịp tuồn hàng vào Việt Nam.

Một trong những khó khăn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu của BĐBP là lực lượng mỏng, trang bị, phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, lại phải giải quyết nhiều công việc khác nhau, do đó không phải lúc nào cũng có thể túc trực trên biên giới 24/24 giờ. Các đối tượng buôn lậu khi phát hiện thấy cán bộ, chiến sĩ BĐBP, lập tức án binh bất động, lúc không thấy thì tranh thủ đi "hàng", nhất cử nhất động của lực lượng chức năng đều được các đối tượng theo dõi sát sao.

Có tận mắt chứng kiến mới thấy được công tác đấu tranh chống buôn lậu của BĐBP thật sự gian nan, vất vả và vô cùng nguy hiểm. Trung tá Hoàng Văn Nam, Trưởng ban Điều tra hình sự của BĐBP An Giang, tâm sự: "Công việc này không đơn giản chút nào, nó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải tinh thông nghiệp vụ, biết xử lý tình huống linh hoạt, sáng tạo, dám chấp nhận gian khổ và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Các đối tượng buôn lậu rất xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào, thậm chí sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng một cách quyết liệt để bảo vệ hàng".

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là những người dân địa phương sinh sống ở khu vực biên giới để bà con hiểu và không tham gia buôn lậu cũng như tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo các đồn, trạm BP tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng, nhất là đối tượng chủ mưu, đầu nậu".

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, khi nào ý thức của người dân vùng biên vẫn chưa thay đổi, còn chạy theo lợi nhuận, tiếp tay cho bọn buôn lậu thì công tác phòng chống buôn lậu vẫn luôn là bài toán khó đối với lực lượng chức năng. Bởi vì, dù có nỗ lực đến mấy thì lực lượng chức năng cũng chỉ ngăn chặn được phần ngọn, còn phần gốc rễ vẫn cứ tiếp tục phát triển, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-an-giang-manh-tay-chong-buon-lau/