BĐBP các tỉnh Tây Nguyên tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang hoành hành ở các tỉnh Tây Nguyên với hơn 11.000 người mắc và tăng đột biến theo từng ngày. Trong đó, địa bàn tỉnh Gia Lai có số người mắc SXH nhiều nhất với 4.739 ca, Kon Tum 1.600 ca, Đắk Lắk 2.800 ca, Đắk Nông 1.200 ca. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các lực lượng quân y trên địa bàn tích cực, đẩy mạnh phòng chống SXH, triển khai công tác phun diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy ở các đồn, trạm, chốt và kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành công tác dập dịch.

Quân y BĐBP tham gia phun hóa chất phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Nga Hoàng

Ngay từ đầu năm 2016, tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, ít mưa là điều kiện thuận lợi cho dịch SXH bùng phát. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tỉnh Gia Lai là một trong những điểm nóng của dịch SXH. Tính đến ngày 7-8-2016, trên địa bàn Gia Lai có 4.739 người mắc SXH, dịch lan rộng trên 17/17 huyện, thị xã. Các vùng phát hiện bệnh nhân bị SXH thường ở khu vực đông dân cư như: TP Pleiku có số lượng người mắc nhiều nhất với 1.207 ca, tiếp đến là các huyện Đắk Đoa (568 ca), Ia Grai (452 ca), Chư Sê (357 ca), còn lại phân bố rải rác trên tất cả các huyện, xã.

Hiện nay, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang trong tình trạng quá tải, do số người nhập viện vì SXH tăng đột biến, không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm nên bệnh viện phải tận dụng mọi khoảng trống để đặt giường cho bệnh nhân nằm điều trị. Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa TP Pleiku có quy mô 100 giường, nhưng hiện nay, số giường thực tế là 200 giường, 2/3 bệnh nhân điều trị tại đây là do mắc SXH.

Trước tình hình dịch SXH tăng đột biến và lan rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai đã chỉ đạo cho các trạm quân y tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH, ngăn chặn không cho dịch lan rộng. Theo báo cáo của BĐBP Gia Lai, tình hình dịch SXH trên khu vực các xã biên giới như: Ia O (Ia Grai); Ia Dom, Ia Nan (Đức Cơ); Ia Puch (Chư Prông)... chỉ xuất hiện một vài ca mắc SXH không đáng kể. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các trạm quân y Biên phòng đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống dịch SXH, đồng thời tổ chức phun, diệt muỗi tại tất cả các đơn vị đồn, trạm, chốt.

Thượng tá, bác sĩ Bùi Minh Thái, Bệnh xá trưởng - Chủ nhiệm Quân y BĐBP Gia Lai cho biết: Thực hiện chỉ thị của cấp trên, chúng tôi đã chỉ đạo cho 5 cơ sở quân y thuộc 7 xã biên giới trên địa bàn tỉnh, tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch SXH. Bố trí các cán bộ quân y thường xuyên túc trực nắm tình hình trên địa bàn, kịp thời báo cáo khi có ca mắc SXH để có biện pháp xử lý. Cùng với đó, lực lượng quân y còn chủ động kết hợp với chính quyền địa phương, trạm y tế xã, các tổ chức đoàn thể, tiến hành khoanh vùng dịch, phun hóa chất và ra quân dọn dẹp vệ sinh, phá các chỗ nước đọng không cho bọ gậy, loăng quăng sinh sôi phát triển. Chuẩn bị cơ số thuốc đầy đủ sẵn sàng giúp bà con khi bị SXH...

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu úy, y sĩ Nguyễn Văn Giang, Đồn BP Ia Puch cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn 4 làng do đơn vị quản lý vẫn chưa có người nào mắc SXH. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã triển khai phun hóa chất tại đồn và các chốt, trạm, cùng các chiến sĩ làm công tác vệ sinh doanh trại, thực hiện trước khi đi ngủ phải mắc màn. Bên cạnh đó, đơn vị còn kết hợp với Trạm y tế xã Ia Puch tặng chăn màn cho bà con ở 5 thôn làng trên địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ ra quân cùng với lực lượng dân quân, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ... để cùng chung tay làm công tác vệ sinh, phát quang bụi rậm, dọn dẹp đường làng, làm sạch các điểm rác thải quanh chợ, lật úp các dụng cụ chứa nước để diệt tận gốc loăng quăng, bọ gậy. Thông qua công tác vận động quần chúng để tuyên truyền cho bà con đồng bào về phòng chống dịch SXH, nếu có người nhà bị sốt cao cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và chữa trị...".

Tại Kon Tum công tác phòng chống dịch SXH đã được triển khai trước mùa mưa. Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã tập trung chỉ đạo các đồn, trạm quân y BĐBP kết hợp với chính quyền địa phương, đoàn viên, thanh niên, Hội Phụ nữ, nhân dân trên địa bàn... ra quân tổng vệ sinh loại trừ các mầm mống gây bệnh, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là bà con dân tộc thiểu số chủ động phòng chống SXH.

Báo cáo của Trung tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Khu, Chủ nhiệm Quân y BĐBP Kon Tum cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn 4 huyện biên giới với 13 xã nhưng chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ một vài ca mắc SXH. Phòng Quân y BĐBP tỉnh đã phối hợp với Trạm y tế khoanh vùng phun hóa chất, không để dịch SXH lan rộng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, lực lượng quân y đã tăng cường thêm 6 y sĩ về các cơ sở quân y của các đồn BP ở khu vực xã biên giới như: Đắk Blô, Bờ Y, Ia Đal... để tham gia công tác phòng chống dịch SXH.

Thái Kim Nga - Phạm Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-cac-tinh-tay-nguyen-tang-cuong-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet/