BĐBP Cao Bằng chung tay xây dựng nông thôn mới

Thực hiện tiêu chí môi trường, thu nhập, đường giao thông luôn làm đau đầu chính quyền các địa phương miền núi, vùng khó khăn khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) bởi quá nhiều rào cản. Thế nhưng, tại tỉnh Cao Bằng, việc giải bài toán này không còn quá khó nhờ cách làm sáng tạo của lực lượng BĐBP.

Chỉ huy Đồn BPCK Trà Lĩnh trao tiền hỗ trợ cho người dân bản Niếng Noọc đưa trâu bò ra khỏi gầm sàn nhà. Ảnh: Bích Nguyên

Dấu ấn xanh

Thời điểm chúng tôi tới công tác, Đồn BPCK Trà Lĩnh vừa hoàn thành việc di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn những hộ dân còn lại tại bản Niếng Noọc, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh. Tính đến thời điểm này, cả 22 hộ dân của bản Niếng Noọc đã di dời hết gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Kết quả này góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiêu chí môi trường của xã Quang Hán trong xây dựng NTM.

Chúng tôi dừng chân trước cửa nhà ông Bế Văn Hữu, người Tày, bản Niếng Noọc khi bóng nắng đã đổ nghiêng. Như nhiều gia đình khác trong bản, ngôi nhà của ông Hữu được làm đúng kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày. Điểm khác biệt nằm ở chỗ gầm sàn nhà ông đã được láng xi măng sạch sẽ, chứa các dụng cụ lao động. Ông Hữu thật thà nói: "Trước kia theo truyền thống của ông bà, tôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn. Trong nhà lúc nào cũng có mùi hôi thối, con muỗi, con dĩn nhiều lắm. Được các chú BĐBP vận động, hỗ trợ, tháng 7 vừa rồi, tôi đã chuyển hết trâu bò ra khỏi gầm sàn. Từ hôm đó, nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát hơn".

Gia đình ông Hữu chỉ là một trong số những hộ gia đình ở xã Quang Hán được Đồn BPCK Trà Lĩnh hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ làm chuồng trại, chuyển trâu bò ra xa nơi ở. Thực tế, việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà gặp phải rất nhiều rào cản từ phía người dân, dù Đồn BPCK Trà Lĩnh quyết định hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng và ngày công lao động xây chuồng trại mới. Bởi lẽ, người dân đã quen với việc nhốt trâu dưới gầm sàn. Hơn nữa, với họ, con trâu, con bò là tài sản lớn, bà con rất sợ bị mất trộm khi nhốt xa nhà ở. Thêm vào đó, bà con ở san sát nhau, rất khó tìm chỗ để làm chuồng trại.

Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn BPCK Trà Lĩnh nhớ lại: "Khi chúng tôi tới vận động, có cụ già bảo gia đình tôi sống như thế cả đời rồi có sao đâu. Anh em trong đơn vị giải thích chủ trương này xuất phát từ sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với chất lượng đời sống của người dân. Chúng tôi phân tích: Bà con thấy đấy, những nhà đã chuyển chuồng trại ra xa, không còn mùi hôi nữa, nấu món ăn ngon, họ cảm nhận đầy đủ mùi vị của món ăn đó. Môi trường không ô nhiễm, trong bữa ăn, con muỗi, con dĩn nó cũng không quấy rầy. Con cái học hành cũng tập trung hơn, không phải loay hoay chống muỗi. Ngay cả đứa trẻ con cũng có thể so sánh, nhà bên cạnh thì sạch sẽ, bạn bè đến chơi được cả dưới gầm sàn, còn nhà mình thì không. Còn nữa, con nhà mình mặc quần áo đẹp còn e ngại không biết sau khi bước qua cửa nhà mình để đến trường, bộ quần áo mặc trên người có còn sạch không...".

Những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống của những người lính Biên phòng đã thấm vào trí óc người dân để rồi họ đồng thuận di dời gia súc ra khỏi gầm sàn. "Chính cụ già ban đầu phản đối, sau này nói với chúng tôi, họ đã sống gần trọn cuộc đời, quen với mùi trâu bò rồi, nhưng nghe BĐBP tuyên truyền mới thấy rằng, bao lâu nay, họ mới chỉ nghĩ tới chuyện sống được mà chưa nghĩ tới chuyện nâng cao chất lượng cuộc sống" - Đại úy Vũ Văn Dương kể. Câu chuyện vận động người dân di dời chuồng trại của Đồn BPCK Trà Lĩnh cho thấy rằng, điều quan trọng nhất khi vận động quần chúng là hãy nói và làm những điều gần gũi, hữu ích, gắn sát với đời sống của bà con.

Và những sáng tạo từ thực tế

Đồn BPCK Trà Lĩnh là một trong số 16 đơn vị của BĐBP Cao Bằng thực hiện vận động nhân dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhằm thực hiện tiêu chí về môi trường trong công cuộc xây dựng NTM.

Trung tá Sái Văn Hùng, Trưởng ban Vận động quần chúng BĐBP Cao Bằng cho biết: "Triển khai chương trình BĐBP chung tay xây dựng NTM, chúng tôi tập trung vào những phần việc thiết thực nhất trên cơ sở phát huy đội ngũ cán bộ tăng cường xã tham mưu cho chính quyền địa phương các giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy cũng tham mưu để Tỉnh ủy Cao Bằng triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế khu vực biên giới".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Trà Lĩnh giúp dân làm chuồng trại gia súc. Ảnh: Nam Dương

Theo Trung tá Sái Văn Hùng, ngoài việc giúp dân làm đường giao thông nông thôn, năm 2016, BĐBP Cao Bằng tập trung vào 2 việc chính là vận động nhân dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà và giúp dân thoát nghèo bền vững. Đây được coi là bước đột phá từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM đến nay. Theo kế hoạch, 16 đồn BP có trách nhiệm giúp 16 xóm, bản di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà và mỗi Đồn giúp 1-2 hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

"Giúp dân thoát nghèo và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm làm để khẳng định với chính quyền địa phương là dù khó thế nào, BĐBP cũng làm được" - Trung tá Sái Văn Hùng nói. Với phương thức hỗ trợ kinh phí và ngày công lao động, đến cuối tháng 9-2016, BĐBP Cao Bằng đã vận động được 51 hộ dân/16 xóm, bản di dời gia súc ra khỏi gầm nhà.

Việc giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững cũng được thực hiện một cách tương tự. "Chúng tôi tổ chức họp xóm lựa chọn hộ cần giúp đỡ. Trên cơ sở tìm rõ nguyên nhân nghèo đói của từng hộ, chúng tôi lựa chọn mô hình giúp đỡ hiệu quả nhất" - anh Hùng chia sẻ. Phương thức phổ biến mà các đơn vị BP Cao Bằng thực hiện là cầm tay chỉ việc, trực tiếp mua tặng cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng. Có trường hợp, đồn BP bảo lãnh vay vốn đầu tư sản xuất, nhận trả lãi hàng tháng, còn chủ hộ có trách nhiệm trả nợ gốc. Hoặc cán bộ, chiến sĩ trong đồn quyên góp ngày lương, vận động doanh nghiệp ủng hộ mỗi hộ từ 20-30 triệu đồng. Các đơn vị BP sẽ theo sát hộ gia đình được đỡ đầu cho tới khi thoát nghèo hoàn toàn. Bằng cách làm này, trong năm nay, 18 hộ gia đình khó khăn đã được BĐBP Cao Bằng giúp đỡ thoát nghèo bền vững.

Với tầm nhìn xa hơn, những năm qua, BĐBP Cao Bằng tập trung thực hiện đề án kết nạp đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ, người dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn cán bộ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều chiến sĩ được kết nạp Đảng trong BĐBP sau khi hết nghĩa vụ trở về địa phương đã trở thành cán bộ xóm, bản và cán bộ xã. Lực lượng này đóng góp không nhỏ vào các hoạt động của địa phương, đặc biệt là góp phần hoàn thành tiêu chí số 18 và 19 về hệ thống chính trị cơ sở và an ninh trật tự trong xây dựng NTM.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-cao-bang-chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi/