BĐBP gắn bó máu thịt với nhân dân khu vực biên giới (bài 2)

Với phương châm 'Giúp dân là tự giúp chính mình', những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) BĐBP Cao Bằng đã không quản ngại khó khăn, luôn kề vai sát cánh, hết lòng giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội… Những việc làm đó đã góp phần giúp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống ấm no.

Bài 2: BĐBP Cao Bằng: Gần dân để hiểu và giúp đỡ dân

Gần dân để hiểu dân

Địa bàn khu vực biên giới BĐBP Cao Bằng được giao quản lý có 37 xã, 3 thị trấn thuộc 7 huyện biên giới, với 512 xóm. Đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số ít quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới còn hạn chế. Với vai trò và trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP Cao Bằng đã và đang tích cực tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, nhất là tại các xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cao Bằng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đăng Bảy

Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, Chính ủy BĐBP Cao Bằng: Muốn hiểu dân thì phải gần dân, chia sẻ với dân. Do vậy, thực hiện chương trình phối hợp với Đảng ủy 7 huyện biên giới, Đảng ủy BĐBP tỉnh điều động 123 lượt cán bộ tăng cường cho 40 xã, thị trấn biên giới. Cùng với đó là chỉ đạo các đồn Biên phòng giới thiệu 151 lượt đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại các chi bộ xóm biên giới.

Ngoài ra, còn phân công 453 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách 2.161 hộ gia đình ở khu vực biên giới. “Vì gần dân, thấu hiểu dân nên CB, CS Biên phòng Cao Bằng đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, điều kiện của các hộ gia đình. Trên cơ sở đó, làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp đề ra các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương” - Đại tá Đặng Hồng Quân nói.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng được giao phụ trách 4 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Quảng Hòa, với 62 xóm, tổ dân phố. Theo Trung tá Phùng Danh Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, thực hiện mô hình giúp dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà và giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đến nay, đơn vị đã giúp 628 hộ di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; trực tiếp hỗ trợ 48 hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Nổi bật là phối hợp với các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương trao 167 con bò giống cho 167 hộ dân nghèo tại 4 xã, 2 thị trấn trên địa bàn đơn vị quản lý theo Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”. Dịp Tết 2023 vừa qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng cũng đã trao tiền hỗ trợ xây nhà cho 3 hộ gia đình trị giá 170 triệu đồng, tặng 60 suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh nghèo vượt khó.

Tận tụy với nhân dân

Không chỉ là người lính cầm súng bảo vệ biên cương, CB, CS BĐBP Cao Bằng còn là những tuyên truyền viên pháp luật, là thầy giáo, người lao động, luôn sát cánh cùng với người dân. Sự tận tụy đó của người lính mang quân hàm xanh đã từng bước góp phần mang lại no ấm, bình yên cho nhiều bản làng biên giới. Tùy theo khả năng và điều kiện, mỗi đơn vị Biên phòng sẽ có cách làm để giúp dân một cách hiệu quả…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang giúp dân sửa chữa nhà. Ảnh: Đăng Bảy

Xã biên giới Sóc Hà, huyện Hà Quảng (địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang) có 714 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao cùng chung sống. Từ một xã nghèo, còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở còn yếu kém, đến năm 2019, Sóc Hà đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Anh Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Sóc Hà chia sẻ: “Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền, người dân và cả sự hỗ trợ, giúp sức của Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang. Các anh BĐBP đã đóng góp nhiều ngày công lao động, huy động nguồn lực xây dựng các công trình. Điển hình là đã huy động 100 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa xóm vùng cao Lũng Mật, nơi 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống…”.

Thượng tá Lê Minh Tuyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang cho biết, trong năm 2022, CB, CS đơn vị đóng góp hàng trăm ngày công giúp dân 2 xã trong địa bàn thu hoạch vụ mùa, sửa chữa nhà, tu sửa đường liên xóm, di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Đặc biệt là phối hợp với các nhà hảo tâm trao 32 con bò giống cho 32 hộ nghèo và tặng 22 suất quà cho 22 hộ nghèo.

Ở Đồn Biên phòng Thị Hoa, thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, đơn vị đã triển khai cho 29 đảng viên phụ trách 133 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã cử trên 700 lượt CB, CS tham gia giúp nhân dân lao động sản xuất; hỗ trợ hàng chục triệu đồng mua lợn giống cho các hộ nghèo. Cùng với đó là phối hợp thi công đưa vào sử dụng công trình “Thắp sáng vùng biên” trong các khu dân cư.

Qua tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023, Đồn Biên phòng Thị Hoa đã vận động được 159,5 triệu đồng ủng hộ các chương trình an sinh xã hội của địa phương. Những việc làm thiết thực của Đồn Biên phòng Thị Hoa đã góp phần cùng chính quyền và nhân dân 2 xã biên giới Thị Hoa, Cô Ngân sớm về đích, đạt chuẩn nông thôn mới.

Gần dân, trọng dân, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ dân là phương châm hành động mỗi ngày, mọi lúc, mọi nơi của BĐBP Cao Bằng. Từ những việc làm đầy tính nhân văn đó đã giúp cho nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người thoát khỏi đói nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no, tươi đẹp hơn. Tình quân dân ngày càng thêm gắn bó, niềm tin của nhân dân ở khu vực biên giới đối với Đảng, vào Nhà nước và Quân đội ngày càng được củng cố.

Bài 3: Viết tiếp “giấc mơ” cho trẻ em nghèo trên biên giới

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-gan-bo-mau-thit-voi-nhan-dan-khu-vuc-bien-gioi-bai-2-post461420.html