BĐBP giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Từ ngày 28 đến 31-8, nhiều địa phương trên cả nước như Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa và Nghệ An phải gồng mình gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ở các địa bàn biên giới, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, chính quyền địa phương giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, BĐBP Sơn La vận chuyển trang thiết bị thiết yếu ra khỏi trường học bị ngập, lụt. Ảnh: Tuyến Quyên

Tại tỉnh Sơn La, 1 người bị chết do lũ cuốn, ở bản Cáp Na, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn; 1 người ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên bị thương do đá lăn trúng người. Hàng trăm ngôi nhà ở các huyện Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Bắc Yên, Yên Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La bị ảnh hưởng, hư hỏng do mưa lũ. Nhiều hộ trong số này đã phải di dời khẩn cấp người, của cải đến nơi an toàn. Về sản xuất, thống kê ban đầu cho thấy đã có trên 100ha lúa ruộng và cây ăn quả bị thiệt hại, hàng nghìn mét vuông ao cá bị ngập.

Mưa lũ cũng làm nhiều điểm ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Quốc lộ 4G nối thành phố Sơn La với huyện Sốp Cộp bị tắc do sụt ta luy dương tại xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn. Quốc lộ 279D nối huyện Mường La với thành phố Sơn La bị sụt ta luy dương chưa thể lưu thông... Mưa lũ cũng làm 3 trường học ở huyện Mai Sơn bị ngập toàn bộ khuôn viên; 1 trường mầm non ở xã Chiềng Công, huyện Mường La bị đất đá vùi lấp một phần. Tại các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu, 25 công trình thủy lợi bị thiệt hại. Hàng nghìn hộ ở các huyện Phù Yên, Vân Hồ, Bắc Yên bị mất điện... Trước tình hình khẩn cấp trên, chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang đã kịp thời vào cuộc hỗ trợ nhân dân ứng phó. Ngày 30-8, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương huy động tối đa lực lượng xuống các địa bàn trọng yếu giúp nhân dân di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn kéo dài làm xuất hiện lũ quét ở địa bàn huyện Nậm Pồ gây thiệt hại lớn về tài sản, trong đó, xã Chà Nưa và Chà Cang bị thiệt hại nặng nhất. Toàn huyện có 43 ngôi nhà bị sạt lở, trong đó có 2 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Về giao thông, tuyến đường Km45 - Nà Hỳ bị sạt lở nhiều vị trí; tuyến đường từ Chà Cang vào trung tâm huyện bị cuốn trôi 1 cầu bê tông cốt thép và 150m đường. Mưa lớn làm đất đá sạt lở khiến 3 trường học, bưu điện, đài tưởng niệm liệt sĩ và trụ sở cũ UBND xã Chà Nưa bị ngập trong bùn. Về nông nghiệp, có 70,56ha lúa bị ngập nước; 23ha lúa nương bị sạt; 35ha sắn bị vùi lấp; gần 15ha ao cá bị tràn bờ... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Sau khi lũ đi qua, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã vào địa bàn xảy ra lũ quét thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời, chỉ đạo huyện Nậm Pồ tiếp tục huy động lực lượng Biên phòng, dân quân, công an, đoàn viên, thanh niên... chung tay khắc phục hậu quả ban đầu, sửa chữa nhà ở, tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại nặng. Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, đối với một số trường học, sau khi nước rút cần nhanh chóng dọn dẹp, nạo vét bùn đất, để kịp thời khai giảng năm học mới, không để học sinh phải nghỉ học dài ngày. Các địa phương rà soát, thống kê diện tích và mức độ bị thiệt hại để có biện pháp khắc phục hoặc sản xuất thay thế; Sở Giao thông Vận tải phối hợp UBND huyện Nậm Pồ khắc phục những điểm bị sạt sụt, không để tình trạng ách tắc kéo dài, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.

Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài, làm cho hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở vùi lấp toàn bộ Trường Tiểu học xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa; 3 nhà dân bị lũ cuốn trôi. Sạt lở cũng gây ra tình trạng chia cắt giao thông tại 2 điểm thuộc bản Co Me và bản Pạo. Chính quyền địa phương xã Trung Sơn đã di dời khẩn cấp 15 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn khoảng 30 hộ khác có nguy cơ cao bị sạt lở đất nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài. Mưa lũ còn gây thiệt hại lớn về hoa màu, cuốn trôi nhiều trâu, bò của nhân dân địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An giúp dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Hải Thượng

Chính quyền huyện Quan Hóa đã cử cán bộ chủ chốt xuống các xã chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị, trường học khẩn trương rà soát, kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, với phương châm “tính mạng con người là trên hết”. Các ban, ngành, UBND các xã đã gấp rút hỗ trợ các hộ có nhà bị sập, bị hư hỏng, bị ảnh hưởng ổn định đời sống; tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, duy trì chế độ trực 24/24 giờ để có những phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết.

Tại tỉnh Nghệ An, do mưa lớn kéo dài, cùng với đó, nước từ thượng nguồn sông Nậm Nơn (từ Lào) đổ về với lưu lượng lớn làm cho một số địa bàn thuộc xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn); thị trấn Hòa Bình; xã Tam Quang, Tam Đình... của huyện Tương Dương bị ngập lụt nghiêm trọng. Từ tối 30-8, chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự; Công an huyện, các đồn Biên phòng trên địa bàn và dân quân tự vệ khẩn trương di chuyển hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức chốt chặn ở những trục đường giao thông bị nước dâng cao, kiên quyết không cho người dân qua lại tránh gặp phải rủi ro.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-giup-nhan-dan-khac-phuc-hau-qua-mua-lu/