BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Dự kiến, dự án Luật BPVN sẽ được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đến nay, có rất nhiều ý kiến đóng góp với nội dung cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật BPVN. Trong đó, tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình với các quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu; kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh khi có dấu hiệu vi phạm và hạn chế tạm dừng hoạt động tại vành đai biên giới, KVBG, cửa khẩu.

Bài 1: Cơ sở pháp lý vững chắc

Tại khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng chủ trì duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Việc quy định như dự thảo Luật BPVN xuất phát từ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân tại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phú Quý

Cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân tại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phú Quý

Trước hết, các khái niệm liên quan đến an ninh quốc gia (ANQG), biên giới quốc gia (BGQG) cho thấy, việc bảo vệ và giữ vững an ninh, TTATXH ở KVBG là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia của các lực lượng thuộc QĐND và Công an nhân dân, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Tại khoản 4, Điều 3, Luật ANQG năm 2004 quy định: “ANQG là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Như vậy, khái niệm ANQG có phạm vi rộng, đó là vấn đề chiến tranh và hòa bình của đất nước; nguy cơ đe dọa đến ANQG là những nhân tố bên trong và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, có khả năng thực tế gây ra nguy hại cho ANQG của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đối với khái niệm “An ninh BGQG”, theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2014: “An ninh BGQG là trạng thái yên ổn và vững chắc của BGQG được thể hiện việc BGQG không bị xâm phạm, TTATXH ở KVBG được giữ vững, hoạt động xã hội và đời sống cư dân biên giới ổn định, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về biên giới”. Như vậy, an ninh BGQG gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, do lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG chủ trì tổ chức thực hiện.

BGQG bao gồm biên giới trên đất liền, trên biển, trên không, dưới lòng đất là một thể thống nhất, không thể tách rời, có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu, là địa bàn phòng thủ đặc biệt quan trọng của đất nước. Vì vậy, không thể tách rời công tác quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH ở KVBG.

Từ khi thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đến nay, các cơ quan Trung ương đã nhiều lần tổ chức khảo sát, nghiên cứu và 2 lần tổng kết thực tiễn công tác Biên phòng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 7 nghị quyết (trong đó có 5 nghị quyết chuyên đề) và 1 kết luận về chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng BĐBP; Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, TTATXH ở KVBG và tại các cửa khẩu.

Cụ thể, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng bảo vệ, quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới của Tổ quốc” có chức năng “làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG, theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao”. Bên cạnh đó, Thông báo số 165/TB-TW ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm biên giới, vi phạm chủ quyền và chống các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự của địch và các loại tội phạm”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định: “BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH ở KVBG”... Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BGQG; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Khoản 5, Điều 16, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Công an nhân dân phối hợp với Quân đội nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH ở KVBG theo quy định pháp luật”...

Ngoài ra, hiện có 10 văn bản dưới luật bao gồm 9 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ Quốc phòng (BĐBP) “chủ trì” về an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu; 1 điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu quy định, lực lượng BĐBP Việt Nam “chủ trì” kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập cảnh của người, phương tiện; công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và TTATXH ở KVBG, cửa khẩu.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật BPVN, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành biên giới; khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại các đơn vị BĐBP và địa phương cấp tỉnh, huyện, xã thuộc 17 tỉnh, thành phố biên giới và thẩm định của Bộ Tư pháp đều nhất trí với quy định BĐBP có chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật như dự án Luật BPVN quy định. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại tổ và trên hội trường, tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với dự án Luật BPVN.

Như vậy, trách nhiệm của BĐBP về chủ trì phối hợp trong quản lý, bảo vệ BGQG, chủ trì duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG theo quy định pháp luật có cơ sở pháp lý hết sức vững chắc. Đối với quy định BĐBP chủ trì bảo đảm an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng đối với nhiệm vụ công tác biên phòng.

Bài 2: Thực tiễn chứng minh hiệu quả

Thu Minh - Trọng Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-chu-tri-duy-tri-an-ninh-trat-tu-o-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-post434299.html