BĐBP hưởng ứng và thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý phổi và tim mạch trên thế giới. Chính vì tác hại khôn lường của thuốc lá, thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng và thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh, BĐBP Bình Phước tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới, trong đó có lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Hồng Ánh

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ nam giới trưởng thành sử dụng thuốc lá (gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng khác) cao nhất trên thế giới; đứng thứ 3 trong ASEAN về số người hút thuốc lá. Theo kết quả điều tra GATS (Global Aldult Tobaco Survey) năm 2015, Việt Nam có 22,5% dân số trên 15 tuổi, tương đương với 15,6 triệu người đang sử dụng thuốc lá. Tỷ lệ đối với nam giới là 45,3% và đối với nữ giới là 1,1%; có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người sử dụng thuốc lá.

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chiếm tỉ lệ 90% trong số 600.000 người mắc ung thư phổi được phát hiện hàng năm; 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Mỗi năm, tại nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá. Ngoài nicotin, trong thuốc lá còn chứa 7.000 hóa chất khác mà trong đó có những chất rất độc đối với cơ thể. Ít nhất có 69 chất có khả năng gây ung thư.

Trước tác hại khôn lường của việc sử dụng thuốc lá, WHO đã lấy ngày 31-5 hàng năm là ngày Thế giới không thuốc lá. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, từ ngày 25-5 đến 31-5. Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin đến cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Ngày Thế giới không hút thuốc lá được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong xã hội tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Theo khảo sát, điều tra tình hình sử dụng và thực thi chấp hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong Quân đội năm 2018, do Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Quỹ Phòng chống thuốc lá thực hiện, nhìn chung, nhận thức trong Quân đội về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được nâng cao; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể đã đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào nghị quyết lãnh đạo, nội quy, quy chế và hoạt động tích cực, có chiều sâu và sức lan tỏa mạnh mẽ.

BĐBP là một trong những lực lượng tích cực hưởng ứng và thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ năm 2014 đến nay, trên khắp các tuyến biên giới, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ 2.956 vụ/923 đối tượng, tang vật thu giữ là hơn 5,1 triệu bao thuốc lá và 359,483 tấn nguyên liệu thuốc lá. Kết quả đã xử lý, khởi tố 22 vụ án hình sự/34 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 976 vụ/859 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 3,05 tỉ đồng; bàn giao cơ quan chức năng 1.901 vụ/30 đối tượng. Số lượng đã tiêu hủy là hơn 1,6 triệu bao thuốc lá.

Đồng thời, để công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được lan tỏa sâu rộng trong toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân, một số đơn vị BĐBP đã triển khai hệ thống pa nô, áp phích, khẩu hiệu hành động, tuyên truyền về phòng chống tác hại cả thuốc lá và gắn biển báo “cấm hút thuốc lá” tại những địa điểm dễ quan sát của phòng làm việc, phòng họp, lối đi để mọi người quan sát và thực hiện.

Trong 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019), các đơn vị BĐBP đã tổ chức 4.609 buổi tuyên truyền tập trung và đơn lẻ, với 602.748 lượt người dân tham gia; phát trên loa phóng thanh của các đồn Biên phòng được 601 tin, bài tuyên truyền về pháp luật biên giới quốc gia và các hành vi liên quan đến hoạt động buôn lậu thuốc lá, hậu quả tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Các đơn vị BĐBP còn phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình của huyện, tỉnh và Trung ương đưa gần 200 tin, bài về gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân, từ đó, người dân không tham gia buôn lậu nói chung hoặc tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá nói riêng.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-huong-ung-va-thuc-hien-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la/