BĐBP là lực lượng quan trọng trong ứng phó với thiên tai

Chiến lược Quốc gia phòng chống thiên tai (PCTT) đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17-3-2021. Để hiểu rõ hơn tinh thần của Chiến lược, những kết quả ban đầu trong thực hiện Chiến lược và vai trò của BĐBP trong ứng phó với thiên tai (TT), phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Tăng Quốc Chính. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Tăng Quốc Chính. Ảnh: Ngọc Hà

- Thưa ông, Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những điểm mới nào so với Chiến lược của giai đoạn trước đây?

- Trên cơ sở kế thừa Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ TT đến năm 2020, cùng với việc triển khai Luật PCTT, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực tiễn hoạt động PCTT, Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những điểm mới sau:

Một là, quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện Chiến lược được xác định đều gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai là, Chiến lược lần này xác định một số chỉ tiêu chính như giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế do TT không vượt quá 1,2% GDP và thấp hơn giai đoạn 2011-2020; năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích TT ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực. Phấn đấu 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành PCTT cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu PCTT; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu PCTT được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc...

Ba là, chú trọng công tác phòng ngừa TT thông qua việc nâng cao nhận thức về TT, rủi ro TT; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ, cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch PCTT và phương án ứng phó TT; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với TT; thực hiện chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm TT từng vùng; thực hiện các giải pháp chống ngập tại các khu đô thị lớn và các khu đô thị ven biển khác.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, dự báo, cảnh báo TT; chia sẻ thông tin về nguồn nước đối với sông suối xuyên biên giới; cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa do TT.

Năm là, thực hiện các công ước, hiệp định, thỏa thuận quốc tế như Thỏa thuận về khung hành động Sendai, Thỏa thuận về ứng phó biến đổi khí hậu COP21, Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa, ứng phó khẩn cấp và các thỏa thuận khác, trong đó, hướng tới các tiếp cận quản lý rủi ro TT, lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia của các bên và quan tâm đầy đủ đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Sáu là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện Chiến lược.

- 6/7 vùng, miền đã được xác định tại Chiến lược đều là địa bàn đóng quân của BĐBP. Vậy, vị trí, vai trò của BĐBP được xác định như thế nào trong công tác PCTT, thưa ông?

- Đóng quân trên địa bàn biên giới, vùng ven biển và hải đảo, BĐBP đã và đang là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTT. BĐBP luôn chủ động và phối hợp với các lực lượng khác thực hiện TKCN, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả TT trên địa bàn đóng quân. Đây là lực lượng quan trọng trong ứng phó với TT, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới và công tác PCTT tại khu vực biên giới.

- Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của BĐBP trong công tác PCTT-TKCN cũng như giúp dân ổn định cuộc sống sau TT?

- Tôi được biết, trước mùa mưa bão, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt các đơn vị, nắm chắc và thực hiện triệt để các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác PCTT-TKCN. Chủ động bám sát cơ sở, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống TT. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được giáo dục nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCTT-TKCN và coi đó là “nhiệm vụ chiến đấu” của quân đội trong thời bình.

Khi TT xảy ra, BĐBP luôn chủ động và là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường, triển khai hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả một cách hiệu quả trong cả những điều kiện vô cùng nguy hiểm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như 2 cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương, BĐBP Thanh Hóa trong đợt mưa lũ tháng 10-2017. Trong đợt mưa lũ tại miền Trung năm 2020, BĐBP đã có mặt ở những vùng bị ngập sâu nhất để hỗ trợ di dời người dân tới nơi an toàn, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Đội chó nghiệp vụ của BĐBP tham gia TKCN đoàn cán bộ gặp nạn tại khu nhà Trạm kiểm lâm Tiểu khu 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất hiệu quả...

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp ngư dân chằng néo tàu, thuyền tránh trú bão. Ảnh: Toàn Hùng

Cùng với việc thực hiện “4 tại chỗ”, các đơn vị BĐBP còn sẵn sàng cơ động làm nòng cốt trong xử lý các tình huống PCTT-TKCN. Hệ thống thông tin TKCN được BĐBP duy trì thường xuyên, liên tục, kịp thời thông báo và kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền di chuyển, tránh trú, đảm bảo an toàn và xử lý các tình huống. Chính sự chủ động, kịp thời tham gia PCTT, TKCN của BĐBP đã góp phần làm giảm thiệt hại do TT trên biển nhiều năm trở lại đây.

- Đề nghị ông cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục PCTT sẽ tập trung phối hợp với BĐBP ở những nội dung cụ thể nào?

- Trong năm 2019-2020, Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát tổng thể công tác phối hợp, xây dựng quy chế phối hợp trong giai đoạn tới, trong đó có phối hợp giữa Tổng cục PCTT và Bộ Tư lệnh BĐBP. Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tập trung phối hợp thực hiện các nội dung chính gồm: Tăng cường trao đổi thông tin về tình hình TT, các nội dung cần triển khai đến các địa phương và tuyến dưới.

Đồng thời, theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang còn trong khu vực nguy hiểm để cùng có giải pháp chỉ đạo đảm bảo an toàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tàu thuyền và ngư dân vào trú tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả sau TT tại khu vực biên giới, hải đảo; phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là pháp luật về PCTT, kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-la-luc-luong-quan-trong-trong-ung-pho-voi-thien-tai-post446453.html