BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Ngày 21-10, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với những nội dung của dự thảo Luật. Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo biên giới, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Trị về vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu của.

Ông Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thành Phú

Ông Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thành Phú

- Đề nghị ông cho biết về tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên KVBG của tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua?

- Quảng Trị có đường biên giới trên bộ dài 179,628km tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và 73,35km bờ biển. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và vai trò quan trọng của lực lượng BĐBP nên trong nhiều năm qua, tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên KVBG của tỉnh luôn được giữ vững, địa bàn an toàn, tạo môi trường ổn định để người dân yên tâm lao động sản xuất.

Tuy nhiên, KVBG của tỉnh Quảng Trị vẫn ẩn chứa những yếu tố gây phức tạp về an ninh trật tự. Hoạt động của tội phạm ma túy, mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ trái phép, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài trái phép, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, buôn lậu, tệ nạn xã hội và các vụ việc hình sự khác có chiều hướng ngày càng phức tạp... đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân.

- Là người trực tiếp chỉ đạo về công tác biên giới và theo dõi sát hoạt động thực thi nhiệm vụ của BĐBP tỉnh, ông đánh giá như thế nào về kết quả xử lý tình hình cũng như các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên KVBG, cửa khẩu của BĐBP tỉnh?

- Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), BĐBP Quảng Trị luôn là “lá chắn thép” nơi phên dậu của Tổ quốc và trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, những người lính Biên phòng luôn xử lý mọi tình hình, vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên KVBG, cửa khẩu một cách thấu đáo, thuận lòng dân và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua biên giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

Mỗi năm, BĐBP tỉnh trực tiếp phối hợp phát hiện và xử lý hàng trăm chuyên án, vụ án, vụ việc hình sự, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như đấu tranh thành công Chuyên án 313G (điều tra, bắt giữ 3 đối tượng giết 5 người đi tìm trầm tại địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa xảy ra vào ngày 23-3-2013) hay như vụ án vợ giết chồng do ghen tuông xảy ra tại xã A Xing, huyện Hướng Hóa vào tháng 8-2016... Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn xử lý có hiệu quả một số vụ việc về an ninh nông thôn xảy ra trên địa bàn biên giới, bờ biển của tỉnh.

Năm 2015, Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh được triển khai tại địa bàn 2 xã Hải An và Hải Khê, huyện Hải Lăng, trong quá trình triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, đặc biệt là do quan niệm về tâm linh nên nhiều người dân không chịu di dời mồ mả để bàn giao đất. Trước những khó khăn đó, BĐBP tỉnh, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải An đã kịp thời nắm bắt tâm lý, tư tưởng của người dân, tích cực tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và đồng lòng để các cơ quan chức năng triển khai các hạng mục của dự án.

- Thưa ông, dự thảo Luật BPVN tiếp tục khẳng định vai trò của BĐBP trong việc chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu. Từ thực tiễn của tỉnh Quảng Trị, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Thực tiễn hơn 61 năm qua, dù là trực thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng thì BĐBP luôn tích cực triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để hoàn thành xuất sắc vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu.

Xuất phát từ thực tiễn về kết quả trong tham mưu và trực tiếp xử lý các vụ việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật để khẳng định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu.

Cụ thể, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới đã xác định: “BĐBP là lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao”. Tại khoản 2, Điều 31, Luật BGQG, năm 2003 cũng đã quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG theo quy định của pháp luật”.

Đặc biệt, khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng quy định, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “Duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định: “BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG; đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG”; “bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tài nguyên, môi trường sinh thái, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KVBG”.

Ngoài những văn bản của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì trong thực tiễn, trên địa bàn biên giới, mỗi khi xảy ra các vụ việc thì người có mặt sớm nhất chính là các cán bộ, chiến sĩ BĐBP, bởi họ luôn “4 cùng” với dân. Mặt khác, mỗi khi xảy ra những vụ việc có liên quan đến hai bên biên giới, cho dù đó là an ninh, hình sự hay trật tự, an toàn xã hội thì BĐBP cũng chính là người có mặt sớm nhất, đại diện cho các cấp tiến hành tiếp nhận thông tin và bàn bạc, thống nhất với các cơ quan chức năng của nước láng giềng để xử lý.

Do vậy, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP có chức năng nhiệm vụ “Chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu” là hoàn toàn phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thành Phú (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-luon-hoan-thanh-xuat-sac-vai-tro-chu-tri-duy-tri-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-o-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-post434702.html