BĐBP phối hợp, vận động đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

BĐBP được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới trên đất liền dài hơn 5.032km và bờ biển dài 3.260km. Khu vực biên giới (KVBG) gồm 1.084 xã, phường, thị trấn/233 huyện, thị thuộc 44 tỉnh, thành phố, với 51 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ở KVBG ngày càng được nâng lên.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn.

Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; tình trạng di cư vẫn còn xảy ra, tỷ lệ hộ không có đất, thiếu đất sản xuất và hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; y tế, giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn cao.

Mặt khác, đây còn là địa bàn các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông” ở địa bàn Tây Bắc, “Nhà nước Đê ga” ở địa bàn Tây Nguyên; “Nhà nước Khmer” ở địa bàn Tây Nam.

Do đó, với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở KVBG là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong tình hình hiện nay. Quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những năm qua, BĐBP đã ký kết chương trình phối hợp với 19 bộ, ngành Trung ương về việc BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG. Trong đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc về việc “Vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc tuyên truyền, vận động nhân dân KVBG thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...

Trên cơ sở nội dung của Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc, BĐBP các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó, BĐBP đã đưa 332 cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn, phân công 9.661 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình, trong đó, hộ gia đình là người dân tộc thiểu số chiếm 48%; giới thiệu 2.096 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản sát biên giới.

Qua đó, các đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập 1.587 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 14.822 Tổ tự quản an ninh trật tự, tạo nên một “lá chắn thép”, một “phên dậu lòng dân”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phát huy được vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số... Thông qua đó đã xuất hiện nhiều phong trào, như: “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Buôn làng không có người vượt biên trái phép”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”... đã được đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng và tham gia tích cực.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình phối hợp với Ủy ban Dân tộc về việc “Vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng ký kết Chương trình phối hợp với Ban, Phòng Dân tộc các tỉnh, thành, huyện biên giới; đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung ký kết.

Nổi bật là: Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở KVBG về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là Luật Biên giới quốc gia, các văn kiện pháp lý về biên giới, tuyên truyền, vận động đồng bào về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số; thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số KVBG về quốc gia, quốc giới được nâng lên, tích cực tham gia cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và tình hình thực tiễn của địa bàn KVBG, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 của Chính phủ... Các đồn Biên phòng trực tiếp giúp địa phương triển khai thực hiện hàng trăm dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đến nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế đang được nhân rộng ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, có nơi, từ chỗ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay, bà con đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện. Tiêu biểu như đồng bào La Hủ, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; dân tộc thiểu số Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh...

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của các địa phương, BĐBP đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, tính đến nay, BĐBP đã có 22 mô hình, chương trình, phong trào giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Một số mô hình, chương trình tiêu biểu mà BĐBP đã và đang triển khai có hiệu quả là: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đặc biệt, Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”. Trong đó, đã có 355 cháu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn được nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bản Máy, BĐBP Hà Giang hướng dẫn bà con người dân tộc Phù Lá ở cụm dân cư Hoa Si Pan, thôn Bản Máy, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cách chăm sóc và phát triển mô hình “Vườn rau dinh dưỡng”. Ảnh: Quang Long

Thông qua những việc làm trên, đã củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, mối quan hệ đoàn kết quân - dân gắn bó mật thiết; qua đó, đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tích cực tham gia có hiệu quả cùng BĐBP và các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm... góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Trong những năm tới, để vận động đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phải tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG.

Hai là, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 15-2-2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, gắn với thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Ba là, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn; phân công đảng viên đồn Biên phòng tham gia cấp ủy huyện, xã biên giới; tham mưu cho địa phương triển khai các chính sách về công tác dân tộc. Đồng thời, tiếp tục đưa đảng viên tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản biên giới và phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình, chú trọng quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở KVBG.

Bốn là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung đã ký kết giữa BĐBP với các ban, bộ, ngành Trung ương. Trong đó, chú trọng Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban dân tộc; triển khai đồng bộ các nội dung, chính sách về công tác dân tộc và dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới. Đồng thời, BĐBP các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân vững chắc.

Năm là, tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp công tác Biên phòng, nắm chắc tình hình địa bàn. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG để đề xuất với Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ chế chính sách chăm lo cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số ở KVBG.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vai-tro-cua-bdbp-trong-phoi-hop-van-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khu-vuc-bien-gioi-tham-gia-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-post435438.html