BĐBP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình: Tăng cường công tác phối hợp bảo vệ biên giới, vùng biển tiếp giáp

Ngày 26/3, tại Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình phối hợp tổ chức Hội nghị ký Quy chế hiệp đồng bảo vệ vùng biển tiếp giáp năm 2024. Thượng tá Tạ Duy Hiển, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hải Phòng; Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh; Đại tá Tống Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP Thái Bình đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2023 tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, vùng biển tiếp giáp giữa các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình cơ bản ổn định; tuy nhiên vẫn còn nhiều còn diễn biến phức tạp.

Nổi lên là các hoạt động như: buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép (chủ yếu là xăng dầu, khoáng sản, đồ điện tử, điện lạnh có nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng); khai thác khoáng sản; nuôi trồng, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Tình trạng tai nạn, đâm va trên biển tại các khu vực giáp ranh còn nhiều diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, trong năm 2023, BĐBP các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung hiệp đồng, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, làm tốt công tác thông tin, trao đổi tình hình vụ việc, nhất là tình hình liên quan đến hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm, vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giải quyết các tranh chấp, va chạm trên biển; thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện; kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và khu vực giáp ranh...

Trong năm 2023, BĐBP thành phố Hải Phòng và BĐBP Thái Bình đã trao đổi 17 lần tình hình liên quan đến vi phạm chủ quyền trên biển của tàu cá nước ngoài, tỉnh hình liên quan đến đối tượng khiếu kiện về an ninh nông thôn, đô thị; hoạt động khai thác cát và hoạt động nuôi trồng thủy sản không phép tại khu vực cửa sông Thái Bình; phối hợp tuần tra khu vực tiếp giáp được 3 lượt/45 hải lý/14 cán bộ, chiến sĩ tham gia; kiểm tra, kiểm soát, đăng ký kiểm chứng 465 lượt phương tiện thủy nội địa/4.174 lao động; tổ chức trao đổi thông tin, phối hợp điều tra cơ bản, nắm chắc các các đối tượng trên địa bàn tỉnh Thái Bình tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản không đúng quy định trên vùng biển Hải Phòng có biểu hiện chống đối để có cơ sở phối hợp với UBND huyện Kiến Thụy tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 84 chòi/63 bãi nuôi ngao của 54 hộ dân/550 cọc chòi, giải tỏa khoảng 1.422ha mặt biển; UBND huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ 99 chòi canh của 45 hộ dân, giải tỏa khoảng 2.615ha mặt biển.

Chỉ huy trưởng BĐBP các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình ký quy chế hiệp đồng năm 2024. Ảnh: Nguyễn Khánh

BĐBP Quảng Ninh và BĐBP thành phố Hải Phòng có 38 lần trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền, tình hình liên quan đối tượng khiếu kiện về an ninh nông thôn, đô thị; các đối tượng có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh; hoạt động của các tàu vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn thiếu thủ tục giấy tờ; trao đổi 43 thông tin liên quan đến kế hoạch, thời gian tàu ra vào, địa điểm khu vực neo đậu, chuyển tải, tình hình thuyền viên, chủng loại, số lượng hàng hóa…; trao đổi tình hình an ninh trật tự địa bàn, hoạt động của các ổ nhóm, đối tượng thu mua phế liệu, nghi vấn trộm cắp trên tàu nước ngoài tại khu vực neo đậu, chuyển tải Hạ Long, Quảng Ninh.

Ngoài ra, hai đơn vị đã phối hợp kiểm tra giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn cho 35 lượt chuyến tàu nước ngoài/766 lượt thuyền viên/1.353.052 tấn hàng hóa nhập khẩu; tuần tra kiểm soát trên vùng biển tiếp giáp 12 lượt/24 phương tiện/72 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, đảm bảo duy trì an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động tại khu vực vùng biển tiếp giáp; tổ chức 8 lượt tổ/36 lượt cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, kêu gọi và đảm bản an toàn cho 254 lượt tàu du lịch, tàu cá/855 lượt người hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn; phối hợp, tổ chức tìm kiếm cứu nạn máy bay trực thăng Bell 505 bị nạn tại khu vực vùng biển giáp ranh Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Tạ Duy Hiển, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hải Phòng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp giáp phải có kế hoạch, dự kiến các tình huống có thể xảy ra; đồng thời, chủ động phối hợp hiệp đồng bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp, vùng biển năm 2024. Trong đó, trọng tâm là trao đổi kịp thời thông tin về tình hình vi phạm chủ quyền, đánh bắt trộm hải sản trên biển và địa bàn khu vực biên giới biển; phối hợp tìm kiếm cứu nạn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sử dụng kích điện, thuốc nổ, khai thác thủy sản, tài nguyên biển trái phép, phá hoại môi trường biển và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị ký kết kế hoạch hợp đồng bảo vệ biên giới khu vực tiếp giáp, vùng biển; cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên tuyền Luật Biên phòng Việt Nam và thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và khu vực giáp ranh.

Xuân Chính

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-quang-ninh-hai-phong-thai-binh-tang-cuong-cong-tac-phoi-hop-bao-ve-bien-gioi-vung-bien-tiep-giap-post474052.html