BĐBP thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình, mô hình thiết thực hỗ trợ chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm chủ cuộc sống. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm góp phần xóa bỏ định kiến giới cho đồng bào DTTS ở khu vực biên giới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Thanh và xã Ba Tầng của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Mạnh Hùng

Phụ nữ dân tộc thiểu số chịu bất bình đẳng “kép”

Thực tế cho thấy, phụ nữ vùng DTTS đang hứng chịu bất bình đẳng “kép”, vừa thụt lùi so với phụ nữ ở vùng, miền khác trên cả nước, vừa yếu thế trong chính gia đình, cộng đồng của mình. Đồng thời, thực trạng hiện nay cho thấy, còn nhiều rào cản đối với thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ vùng DTTS. Nguyên nhân dẫn cho việc thúc đẩy bình đẳng giới còn nhiều rào cản, đó là vấn đề lồng ghép các chính sách về giới chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, dẫn đến tác động làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mặt khác, do nhận thức của đồng bào DTTS, nhất là của phụ nữ về bình đẳng giới còn hạn chế; sự bấp bênh về thu nhập; một bộ phận phụ nữ còn chưa chủ động vượt khó vươn lên để chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời trong đời sống đồng bào các dân tộc, định kiến xã hội về trao quyền cũng là nguyên nhân gây khó khăn để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới ở vùng DTTS.

Hiện nay, nước ta có hơn 14 triệu người DTTS, trong đó, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới người DTTS tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế và chịu nhiều thiệt thòi, sự bất bình đẳng về giới trong gia đình và xã hội. Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình người DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng, vì thế phụ nữ DTTS càng trở nên yếu thế hơn trong gia đình. Khi rơi vào thế phụ thuộc, người phụ nữ DTTS thường là nạn nhân của tình trạng bạo lực trong gia đình, nhất là ở những dân tộc phụ hệ.

Sau khi kết hôn, nam giới vẫn được ưu tiên đi học, còn phụ nữ phải ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Vì thế, tỷ lệ nữ giới DTTS biết đọc, biết viết thấp hơn nhiều so với nam giới DTTS và nữ giới người Kinh. Một số DTTS như Hà Nhì, Lự, La Hủ, Mông… chỉ có khoảng 20-30% phụ nữ biết đọc, viết. Ngoài ra, bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Điều đáng chú ý hơn cả là vẫn còn diễn ra tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS. Với tỷ lệ khoảng 20%, trong đó, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai. Điều này càng làm cho bất bình đẳng giới xảy ra nghiêm trọng hơn khi bé gái, người phụ nữ DTTS chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, sức khỏe để tự bảo vệ hay lên tiếng cho chính mình.

Không chỉ trong gia đình, phụ nữ người DTTS còn chịu bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, số lượng phụ nữ DTTS tham gia cấp ủy, cấp lãnh đạo vẫn chênh lệch nhiều so với nam giới. Đây cũng là rào cản khi triển khai thực hiện các chính sách về bình đẳng giới tại các địa phương.

BĐBP tham gia tích cực vào thúc đẩy bình đẳng giới

Nhận thấy nguyên nhân đầu tiên của bất bình đẳng giới vùng DTTS đến từ nhận thức của đồng bào, thời gian qua, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm xóa bỏ định kiến giới cho đồng bào DTTS ở khu vực biên giới. Hình thức tuyên truyền được các đơn vị tổ chức linh hoạt, đa dạng, như tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Đặc biệt, các đơn vị đã lồng ghép tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt tại các thôn, bản hoặc đến từng nhà dân. Qua đó, đồng bào DTTS đã nhận thức sâu sắc hơn vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và có thêm hiểu biết về pháp luật để xóa bỏ định kiến giới. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, chống bạo lực gia đình, chỉ kết hôn khi đủ tuổi, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình…

Đại diện BĐBP Bình Thuận và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho các em học sinh do đơn vị đỡ đầu. Ảnh: Trung Thành

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, các đơn vị BĐBP cũng chú trọng hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành của phụ nữ DTTS phát triển kinh tế hộ gia đình, để các chị em phấn đấu, vươn lên làm chủ cuộc sống. Đặc biệt, từ khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay, đã có 110 xã biên giới khó khăn thuộc 26 tỉnh, thành biên giới, hải đảo được các đơn vị nhận hỗ trợ, với tổng mức kinh phí huy động hơn 280 tỷ đồng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình mang tính bền vững được các đơn vị hỗ trợ phụ nữ ở khu vực biên giới nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm giúp phụ nữ DTTS hoặc trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, chuyển giao khoa học công nghệ cho chị em phụ nữ DTTS.

Không chỉ đồng hành cùng phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế, BĐBP còn đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục vùng DTTS với Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Nhiều trẻ em gái người DTTS được hưởng thụ, chắp cánh ước mơ từ chương trình nhân văn của BĐBP và đạt được kết quả tốt trong học tập. Điển hình như em Đàm Thúy Mai, sinh năm 2004, người dân tộc Nùng, sinh sống tại thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng nhờ được BĐBP đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, em đã có thêm động lực vươn lên trong học tập và đỗ vào Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Em Cao Thị Hằng, người dân tộc Rục, ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đỗ ngành Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm Huế. Không chỉ Hằng, Mai, mà nhiều trẻ em gái khác đã và đang được BĐBP giúp đỡ, hỗ trợ. Những mô hình, chương trình thiết thực, ý nghĩa nêu trên của BĐBP chính là sự đầu tư cho tương lai thiết thực nhất đối với các trẻ em gái và là giải pháp bền vững nhất giúp thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực biên giới.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bdbp-thuc-day-binh-dang-gioi-o-vung-dong-bao-dan-toc-post456700.html