Bé 19 tháng tuổi nguy kịch vì bị bỏ quên trên xe ô tô suốt 2 tiếng

Bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô suốt 2 tiếng giữa trời nắng nóng, bé trai 19 tháng tuổi nhập bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng hôn mê, sốt cao, kích thích co giật.

Chiều ngày 9/6, thông tin với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Lê Văn Tịnh - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khoa Cấp cứu tại bệnh viện mới tiếp nhận một bé trai 19 tháng tuổi bị bố mẹ bỏ quên trên xe ô tô trong tình trạng xe không nổ máy, không có điều hòa nhiệt độ.

Theo thông tin ban đầu, vào trưa ngày 8/6, gia đình bé T.V.L. (19 tháng tuổi, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho cháu chơi trên ô tô, sau đó để quên bé trên xe khoảng 2 tiếng dưới trời nắng, khi đó xe đóng kín, không nổ máy. Đến khi phát hiện, cháu bé đã hôn mê, được chuyển đến trung tâm Y tế huyện Lập Thạch.

Cháu bé đang được chăm sóc tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc.

Cháu bé đang được chăm sóc tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc.

Tại Trung tâm Y tế huyện, bé T.V.L (19 tháng tuổi, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) sốt 41 độ C và xuất hiện tình trạng co giật. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng, nên các bác sĩ chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Bé được tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng hôn mê. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận: bé bị sốc nhiệt do ở trên xe ô tô dưới trời nắng quá lâu. Kết quả xét nghiệm cho thấy: Bé bị rối loạn đông máu, các chỉ số đều có dấu hiệu bất thường, rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, hạ Kali...

Bé đã được các bác sĩ hồi sức tích cực kịp thời nên tình trạng ý thức đã khá hơn, các triệu chứng ban đầu đã dần ổn định. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi liên tục.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Trong trường hợp này, nếu chỉ chậm trễ hơn 1 chút thì nguy cơ để lại di chứng cao, cơ hội để trẻ trở lại tình trạng bình thường rất khó.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với những gia đình có trẻ nhỏ chưa biết cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm, luôn cần có người lớn để ý, trông trẻ, tránh để trẻ nhỏ ở một mình trong bất cứ trường hợp nào. Với những trẻ đã lớn, có nhận thức hơn thì các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con những kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết khi gặp các tình huống nguy hiểm, bởi khi đó có khi chỉ 1% cơ hội cũng bảo toàn được mạng sống.

H.A (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/be-19-thang-tuoi-nguy-kich-vi-bi-bo-quen-tren-xe-o-to-suot-2-tieng-51738.html