Bé 20 tháng tuổi nuốt chiếc đinh vít sắc nhọn dài đến 3,5 cm

Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện tá tràng của bệnh nhi có vật sắc nhọn dài đến 3,5 cm. Nó có thể đâm thủng nội tạng, gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.

Ngày 15/6, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết bác sĩ vừa gắp thành công dị vật là chiếc đinh vít sắc nhọn dài đến 3,5 cm từ tá tràng của bệnh nhi ra ngoài an toàn.

Trước đó, ngày 14/6, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhi N.H.H. (20 tháng tuổi) với chẩn đoán nuốt phải dị vật kim khí. Kết quả nội soi cho thấy tại đoạn cuối tá tràng của bệnh nhi có hình ảnh dị vật kim loại một đầu sắc nhọn (ốc vít kim loại) dài 3,5 cm.

Chiếc đinh vít có một đầu rất sắc nhọn có thể đâm thủng ruột, dạ dày của bé, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp dị vật ra ngoài an toàn bằng phương pháp thòng lọng.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy chiếc đinh vít sắc nhọn ở trong cơ thể bệnh nhi. Ảnh: VOV.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy chiếc đinh vít sắc nhọn ở trong cơ thể bệnh nhi. Ảnh: VOV.

Trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp bệnh nhi phải nhập viện vì không may nuốt phải dị vật kim loại vô cùng nguy hiểm. Mới đây, trường hợp cháu L.Đ. (13 tháng tuổi, trú tại TP Vinh) nhập viện ngày 9/6 với dị vật là một chiếc nhẫn đính đá.

Cụ thể, trong lúc chơi đùa cùng chị gái, bé đã bỏ vào miệng ngậm chiếc nhẫn. Dù đã được mẹ và chị phát hiện, chiếc nhẫn vẫn theo phản xạ nuốt của trẻ và trôi xuống đường ruột. Với cấu tạo có đính đá gồ lên mặt nhẫn cùng tác động lực co bóp của dạ dày, dị vật đã gây nên tình trạng xước xát niêm mạc, xung huyết dạ dày của bé Đ.

Với sự phối hợp của bác sĩ khoa Thăm dò chức năng và Nhi Sơ sinh, dị vật trong dạ dày của bé đã được lấy ra an toàn.

Dị vật là chiếc nhẫn trong dạ dày bé trai 13 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trước đó, khoa Nhi Sơ sinh Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi 2 tuổi, nuốt chiếc bản lề cửa. Các bác sĩ rất khó khăn mới có thể nội soi, lấy được dị vật.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trẻ bắt đầu biết đi là khoảng thời gian tự khám phá thế giới xung quanh. Mọi đồ vật đều được trẻ cầm lên cho vào miệng. Do đó, nguy cơ dị vật đường tiêu hóa của trẻ nhỏ rất cao.

Ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải dị vật, nếu trẻ không tím tái, không ho rũ rượi, bố mẹ cần bình tĩnh, cho trẻ há miệng và quan sát bên trong khoang miệng xem còn có dị vật nào còn mắc không.

Nếu không không quan sát thấy dị vật, tuyệt đối không được dùng tay để thăm dò, cố tính lấy dị vật hoặc cố tính kích thích cho trẻ nôn ra. Việc làm trên có thể gây tổn thương các cơ quan của trẻ, gây kích thích làm dị vật lọt vào đường thở.

Đối với các dị vật trơn nhẵn, kích thước nhỏ như các loại hạt, nếu trẻ không ho rũ rượi, không tím tái thì mẹ có thể bình tĩnh chờ em bé tự thải ra theo đường phân. Bố mẹ cần phải theo dõi tính chất nôn, phân của trẻ. Nếu trẻ nôn máu hoặc đi ngoài phân đen thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với các dị vật sắc nhọn, cản quang, các dị vật gây độc cho trẻ thì cần đưa ngay đến các cơ sở có khả năng nội soi gắp dị vật.

Việc cần làm ngay để cứu sống con khi bị hóc hạt Ngày Tết, trẻ tiếp xúc nhiều với các loại hạt nên nguy cơ hóc tăng cao. Dị vật có trong đường thở quá lâu có thể khiến bé ngừng thở, suy hô hấp,...

Theo Nhật Minh / VOV

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/be-20-thang-tuoi-nuot-chiec-dinh-vit-sac-nhon-dai-den-3-5-cm-post957028.html