Bê bối chấm dứt kỷ nguyên huy hoàng của đế chế nội y Victoria's Secret

Đế chế nội y Victoria's Secret đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi vướng vào hàng loạt bê bối trầm trọng như quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc, bóc lột sức lao động trẻ em...

Màn trình diễn của dàn siêu mẫu nội y Victoria's Secret Victoria's Secret Fashion Show là chương trình biểu diễn thời trang từng có sức hút lớn với khán giả toàn cầu.

Năm 2011, Karlie Kloss - chân dài được các nhãn hàng cao cấp yêu thích bậc nhất bấy giờ - khoác lên mình bộ nội y có cánh đầu tiên. Cô bật khóc và nói: "Tôi dành cả quãng đời đã qua để chờ đợi giây phút này đây".

Karlie Kloss nói Victoria's Secret là "giấc mơ Mỹ" của mọi bé gái. Sàn diễn phủ kim tuyến lấp lánh của hãng nội y là ảo mộng đẹp nhất mà bất kỳ thiếu nữ nào cũng ao ước được đặt chân lên dù chỉ một lần.

 Victoria's Secret từng được coi là ảo mộng đẹp đẽ của các thiếu nữ.

Victoria's Secret từng được coi là ảo mộng đẹp đẽ của các thiếu nữ.

Nhưng giấc mơ đẹp đẽ ấy dần trở thành ác mộng khi ngày càng nhiều bê bối được khui ra. Ẩn đằng sau lớp áo hào nhoáng của đế chế nội y là những vụ quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc, tư tưởng bảo thủ cố hữu của đàn ông hay những chiến dịch quảng cáo thiếu lành mạnh...

Bóc lột trẻ em, phân biệt chủng tộc và nhiều bê bối nhân quyền

Giới mộ điệu thời trang có một khái niệm quen thuộc là "thiên thần của Victoria's Secret". Đây là những người mẫu được ký hợp đồng với hãng nội y này, xuất hiện trong mọi bộ hình và video quảng cáo, đồng hành cùng ban giám đốc trong các chiến dịch quảng bá. Hay nói cách khác, các "thiên thần" chính là bộ mặt của Victoria's Secret.

Chính vì nguyên nhân trên, sai lầm của một "thiên thần" cũng có thể khiến danh tiếng của hãng lao đao. Đây là trường hợp của Taylor Hill - chân dài sinh năm 1996 và ký hợp đồng với Victoria's Secret từ năm 2015. Cô bị ghét bỏ vì chế giễu người theo đạo Hồi, nhại cách phát âm tiếng Anh của người Ấn Độ.

Lùm xùm liên quan đến phân biệt chủng tộc chưa dừng lại ở đó. Đầu năm 2017, một người phụ nữ Mỹ gốc Phi có tên Kimberly Houzah đã chia sẻ câu chuyện cô và một người phụ nữ da đen khác bị nhân viên tại cửa hàng bán lẻ Victoria’s Secret tại Oxford (Mỹ) đuổi ra ngoài. Hai người phụ nữ này còn bị đổ cho tội danh ăn cắp đồ nhưng nhân viên cửa hàng không có bất kỳ động thái nào nhằm kiểm tra sự thật hoặc minh oan cho khách hàng.

Nhân viên của hàng Victoria's Secret từng bị chỉ trích vì phân biệt chủng tộc.

Vấn đề nhân quyền và truyền tải những thông điệp thiếu tích cực đến cho xã hội còn được đề cập đến trong các tranh cãi liên quan đến hình ảnh quảng cáo hoàn hảo của các người mẫu.

Theo quan điểm cựu giám đốc điều hành Ed Razek, sản phẩm của Victoria's Secret hướng tới một số đối tượng khách hàng nhất định nên không cần điều chỉnh hoặc thêm các size lớn - tức là các kích cỡ phổ thông của phụ nữ.

Về việc này, nhiều nhóm phụ nữ có vóc dáng đẫy đà đặc trưng của người Âu Mỹ từng biểu tình trước cửa hàng của Victoria's Secret để phản đối hãng chỉ sử dụng các người mẫu thon thả, nuột nà.

Nhiều người dùng cũng lên tiếng khẳng định sẽ tẩy chay sản phẩm của Victoria's Secret nếu hãng vẫn tiếp tục "tẩy não" giới trẻ rằng thân hình gầy gò, thiếu sức sống mới là chuẩn mực cái đẹp.

Vào tháng 11/2014, chiến dịch quảng cáo "Perfect Body" (Cơ thể hoàn hảo) của Victoria's Secret với hình ảnh của 10 chân dài sở hữu vóc dáng như búp bê sống một lần nữa đã vấp phải làn sóng chỉ trích nặng nề. Nhiều người cho rằng thông điệp này mang tính xúc phạm phụ nữ và khiến đa phần phái yếu thấy tự ti vào bản thân.

Không ít phụ huynh cũng cho rằng các mẫu quảng cáo hào nhoáng của Victoria's Secret sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con em mình, khiến các bé gái tin rằng thân hình siêu mảnh mới là chuẩn mực. Đã có gần 30 nghìn chữ ký yêu cầu thương hiệu nội y phải xin lỗi và điều chỉnh lại hình ảnh, thông điệp quảng cáo.

Chiến dịch quảng cáo "Cơ thể hoàn hảo" của hãng bị chỉ trích nặng nề.

Tuy nhiên, vụ việc được coi là tai tiếng "để đời" của Victoria's Secret đã xảy ra từ năm 2011. Một báo cáo của Bloomberg, hãng này đã sử dụng các nhân công trẻ em tại các xưởng may cũng như trang trại trồng bông để hạ giá thành sản phẩm.

Những đứa trẻ dưới 10 tuổi hoặc lớn nhất chỉ 13 tuổi ở quốc gia Tây Phi Burkina Faso phải làm việc nhiều giờ, chỉ được ăn ngày một bữa, bị đánh đập và nhận 2 USD/ngày để sản xuất mặt hàng may mặc phục vụ cho các sản phẩm của Victoria's Secret.

Dù tôn chỉ hoạt động là đề cao cái đẹp và tôn vinh phụ nữ nhưng thực tế Victoria's Secret vướng phải rất nhiều tranh cãi liên quan đến nhân quyền. Những vụ việc này đã tạo nên làn sóng giận dữ âm ỉ trong suốt nhiều năm, chỉ chờ để bùng phát.

Ngoại tình, quấy rối người mẫu, thiếu tôn trọng văn hóa

Năm 2012, Victoria's Secret vướng phải vụ tranh cãi lớn liên quan đến văn hóa. Cụ thể, trong show diễn nội y năm đó, "thiên thần" Karlie Kloss đã mặc bộ trang phục lấy ý tưởng từ người da đỏ trên lục địa Mỹ. Chân dài 28 tuổi đội lên đầu chiếc mũ tù trưởng dài tới gót chân và mặc bộ nội y họa tiết da báo.

Mẫu nội y do Karlie Kloss mặc bị chỉ trích là xúc phạm văn hóa người Mỹ bản địa.

Ngay khi những hình ảnh này được truyền ra ngoài, những cư dân Mỹ bản địa - tức người da đỏ - đã tức giận và chỉ trích hãng nội y gay gắt. Theo các nhà nghiên cứu, việc một phụ nữ da trắng đội chiếc mũ chỉ dành cho người đàn ông lãnh đạo bộ tộc là hành động xúc phạm nghiêm trọng các giá trị văn hóa bản địa.

Victoria's Secret đã đối mặt với làn sóng giận dữ vô cùng lớn và buộc phải cắt bỏ phần trình diễn của Karlie Kloss khỏi bản phát sóng của show nội y năm đó.

Một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của Victoria's Secret là Sharen Jester Turney. Bà được chủ tịch L Brands (công ty mẹ của hãng nội y) - Leslie Wexner - bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Victoria's Secret từ năm 2000. Bà là người đã giúp nâng doanh số lên 6,6 tỷ USD, hướng hãng tới hình ảnh sang trọng hơn.

Tuy nhiên, chính Turney cũng là một trong những nguyên nhân cho loạt bê bối khiến Victoria's Secret "muối mặt". Tháng 9/2013, Sharen Jester Turney bị một người môi giới bất động sản tố lừa gạt tình cảm. Turney ngoại tình với người đàn ông này trong 2 năm dù đã lập gia đình và có con.

Ông Ed Razek - cựu giám đốc điều hành của Victoria's Secret - cũng là kẻ "lắm công, nhiều tội" của hãng. Razek là công thần hàng đầu trong việc đưa Victoria's Secret Fashion Show trở thành thương hiệu trình diễn thời trang hàng đầu thế giới. Ông là người có tiếng trong giới mẫu, từng giúp những chân dài hàng đầu như Gisele Bündchen, Tyra Banks, Heidi Klum có được bước đệm sự nghiệp vững chắc.

Nhưng Razek từng không ít lần vạ miệng khiến hãng nội y nước Mỹ nhận nhiều "gạch đá" từ phía công chúng. Trong một bài phỏng vấn năm 2018, ông tuyên bố Victoria's Secret không có ý định tuyển mẫu nội y ngoại cỡ.

Việc ông Razek khẳng định hãng không tuyển người mẫu chuyển giới còn làm mất lòng cộng đồng LGBT+ và những người ủng hộ họ. Thời điểm đó, làn sóng kêu gọi tẩy chay lớn đến mức Ed Razek phải lên tiếng xin lỗi.

Cựu giám đốc điều hành Ed Razek (ngoài cùng bên phải) mang đến nhiều điều tiếng cho thương hiệu nội y.

Một năm sau đó, Razek gửi đơn từ chức. James A. Mitarotonda - quản lý quỹ đầu tư Carrington Captiol Group - bình luận về cựu giám đốc điều hành: "Ông ấy không thể hoàn thành trách nhiệm quản lý Victoria's Secret, ông ấy lơ là việc cập nhật hình ảnh thương hiệu, dẫn tới kết cục như ngày hôm nay".

Trước đó, chủ tịch của tập đoàn mẹ L Brands - Leslie Wexner - được cho là có mối liên hệ mật thiết đến scandal tình dục chấn động nước Mỹ của tỷ phú Jeffrey Epstein.

Jeffrey Epstein can thiệp không ít vào hoạt động tài chính cũng như một số định hướng phát triển của thương hiệu nội y này. Thời điểm đó, một số nạn nhân khai báo rằng Epstein lừa bán họ với lời hứa sẽ giúp các cô gái trở thành "thiên thần nội y" của Victoria's Secret.

Đế chế đang sụp đổ

Dù đã thôi đảm nhận chức giám đốc, "ông trùm" chân dài một thời vẫn tiếp tục mang tới tai tiếng cho thương hiệu nội y này. Mới nhất, Ed Razek bị tố quấy rối tình dục nhiều nhân viên nữ và người mẫu của hãng.

Ngay cả Monica Mitro - chuyên viên cao cấp luôn đồng hành cùng Razek trong các chiến dịch quảng bá lớn hàng năm - cũng đệ đơn khiếu nại lên hội đồng quản trị, tố cáo Ed Razek quấy rối mình.

Vụ Ed Razek bị tố quấy rối tình dục nhiều nhân viên và người mẫu nữ như cú đánh mạnh mẽ vào bộ máy đang rệu rã của Victoria's Secret. Nhiều người cho rằng đế chế nội y khó lòng vực dậy sau scandal này.

Đại diện truyền thông của L Brands đã cố gắng lẩn tránh vấn đề này khi trả lời phóng viên New York Times. Bản thân Ed Razek cũng từ chối bình luận về các cáo buộc chi tiết của nhân chứng.

Có nhiều thông tin xoay quanh việc chủ tịch L Brands - Leslie Wexner - đang tìm cách rao bán lại thương hiệu Victoria's Secret. Nhiều người tin rằng Wexner không còn ý định níu kéo thương hiệu này, đặc biệt khi thương hiệu này đã đánh mất thị phần vào tay rất nhiều thương hiệu mới khác.

Rating show nội y của Victoria's Secret chạm mức thấp kỷ lục vào năm 2018.

Trong những năm gần đây, thương hiệu này đã sụt giảm mạnh về doanh số dẫn đến phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ. Đầu năm 2019, có thông tin hãng dự định "xóa sổ" 53 cửa hàng trên khắp thế giới. Trước đó, năm 2018, 30 cửa hàng đã bị đóng cửa vì doanh thu yếu kém.

Hồi tháng 11/2019, tập đoàn chủ quản L Brands thông báo ngừng sản xuất show diễn nội y thường niên do hiệu quả mang lại không đủ. Rating show diễn đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào năm 2018. Cùng thời điểm này, thông tin từ CNBC cho biết Victoria's Secret đã phải sa thải 15% nhân viên ở trụ sở chính của hãng.

Đi qua kỷ nguyên hoàng kim ở thập niên 2000, đế chế nội y chỉ còn lại cái vỏ xa hoa với nội bộ nhiều scandal "để đời". Với loạt bê bối liên tiếp trong nhiều năm, nhiều người cho rằng Victoria's Secret đang đứng bên bờ sụp đổ.

Nghiêm Ngọc

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/be-boi-cham-dut-ky-nguyen-huy-hoang-cua-de-che-noi-y-victoria-s-secret-post1042311.html