Bê bối của những quốc gia đăng cai World Cup

Qatar không phải nước chủ nhà World Cup duy nhất chịu chỉ trích vì những vấn đề trong công tác tổ chức và cả quá trình giành vé đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

 Bóng đá không phải lúc nào cũng là tất cả ở những quốc gia đăng cai World Cup. Ảnh: AFP.

Bóng đá không phải lúc nào cũng là tất cả ở những quốc gia đăng cai World Cup. Ảnh: AFP.

FIFA luôn hứa hẹn về một thế giới mà ở đó, bóng đá dành cho mọi người. Theo đó, những quốc gia ở các châu lục khác nhau sẽ được lựa chọn để đăng cai các kỳ World Cup. Về lý, các nước đăng cai phải đáp ứng đủ điều kiện về an ninh và cơ sở vật chất để phục vụ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Nhưng thực tế không đơn giản như thế.

Kỳ World Cup chưa từng có

Tính đến hết World Cup 2022, thế giới đã được chứng kiến 22 lần giải đấu này được tổ chức. Kể từ năm 1930, khi lần đầu tiên World Cup diễn ra tại Uruguay, đã có 17 quốc gia được lựa chọn trở thành chủ nhà. Tất cả những cuộc đăng cai này đều được bỏ phiếu công khai nhằm tìm ra nước chủ nhà phù hợp nhất.

Song những tranh cãi xoay quanh nó vẫn luôn tồn tại. World Cup 2022 ở Qatar đã và đang làm sục sôi báo chí về sự thiếu minh bạch.

Năm 2010, không ai dám đặt cược vào việc Qatar sẽ trở thành nước chủ nhà World Cup 2022. Qatar thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết và hầu như không có truyền thống thể thao. Khí hậu khắc nghiệt khiến World Cup buộc phải dời sang mùa thu khi các giải vô địch châu Âu đang trong giai đoạn cao điểm. Thay đổi mùa tổ chức World Cup là điều chưa từng xảy ra trước đây.

Sau chiến thắng của Qatar trước Mỹ trong cuộc đua giành quyền tranh cãi ở vòng bỏ phiếu thứ tư, truyền thông Mỹ và châu Âu đã chỉ trích kịch liệt quyết định của FIFA.

Đằng sau sự hoành tráng của các sân vận động đăng cai World Cup tại Qatar là máu của nhiều nhân công. Ảnh: Reuters.

Trong thời gian chuẩn bị World Cup, Qatar cũng bị tố cáo vi phạm nghiêm trọng về mặt nhân quyền. Tờ Guardian tiết lộ có hơn hơn 6.500 lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã thiệt mạng tại Qatar kể từ khi nước này giành quyền đăng cai World Cup. Tuy nhiên, tổng số người chết có thể cao hơn đáng kể vì những con số này không bao gồm số công nhân thiệt mạng đến từ Philippines và Kenya. Những trường hợp tử vong xảy ra trong những tháng cuối năm 2020 cũng không được tính đến.

Qatar còn khiến người hâm mộ tới xem World Cup gặp khó khi đưa ra hàng loạt luật cấm chưa từng thấy. Đây là quốc gia Hồi giáo nên quan hệ đồng tính vẫn chưa được chấp nhận. Quan hệ trước hôn nhân cũng bị cấm. Nếu VĐV hoặc người hâm mộ bị phát hiện có "tình một đêm", họ sẽ đối diện với án tù lên đến 7 năm.

Ở các kỳ World Cup trước, việc uống rượu bia và đắm mình trong cơn say để mừng chiến thắng của đội nhà là điều bình thường. Ở Qatar, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Các sản phẩm nước có cồn như rượu mạnh, rượu vang và bia đều chỉ được cung cấp ở những phòng chờ VIP nằm trong sân vận động tổ chức trận đấu World Cup 2022.

Nhiều đội tuyển cũng đã có hành động phản đối việc vi phạm nhân quyền ở Qatar. Các cầu thủ Na Uy mặc áo có ghi “Quyền con người” còn ĐT Đức xếp hàng dài với những chiếc áo đen, trên áo mỗi người có một chữ cái màu trắng ghi thông điệp tương tự.

Cuối cùng, quá trình vận động đăng cai cũng bị đặt dấu hỏi. Qatar bị nghi ngờ đã mua phiếu bầu của Ủy ban Điều hành FIFA. Những phiên điều trần và điều tra tham ô vẫn tiếp diễn. Song vào thời điểm chưa đầy một tháng nữa World Cup khởi tranh, sự thật vẫn chưa sáng tỏ.

Biểu tình phản đối World Cup 2014 tại Brazil, một quốc gia cũng có nhiều vấn đề xã hội và kinh tế.

Lùm xùm đăng cai trước đây

World Cup 2022 không phải kỳ Cúp thế giới đầu tiên xuất hiện những cáo buộc tham nhũng. World Cup 2014 ở Brazil, Nam Phi 2010 và thậm chí Đức 2006 đều có chung mẫu số.

Năm 2000, quyết định chọn Đức trở thành nước chủ nhà bởi Ủy ban điều hành FIFA đã gây nhiều tranh cãi. Nam Phi khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành nước chủ nhà châu Phi đầu tiên nhằm kỷ niệm thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc ở nước này. Nhưng Đức đã chiến thắng trong cuộc đua với 12 phiếu bầu, hơn 1 phiếu so với Nam Phi. Câu hỏi về khả năng tham nhũng xung quanh World Cup 2006 đã nổi lên kể từ 2015 khi Der Spiegel tuyên bố rằng Đức đã sử dụng một quỹ bí mật trị giá 10 triệu franc Thụy Sĩ (6,7 triệu euro vào thời điểm đó) để mua phiếu bầu.

Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đương nhiên phủ nhận những cáo buộc tham nhũng này dù thừa nhận đã thanh toán 6,7 triệu euro cho FIFA. DFB nhấn mạnh khoản tiền này "không liên quan đến World Cup 2006".

Nước chủ nhà World Cup 2010 Nam Phi không nằm ngoài vòng xoáy này. Năm 2016, Nam Phi bị cáo buộc đã trả 10 triệu USD hối lộ cho cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner để giành được quyền đăng cai World Cup 2010.

Chủ nhà World Cup 2014 và Olympic 2016 Brazil thì hứng chịu sự phản đối từ chính người dân trước khi trở thành trung tâm của những cáo buộc tham nhũng. Trước khi Confederations Cup 2013 diễn ra, hơn một triệu người Brazil đã xuống đường để bày tỏ sự bất bình. Họ muốn bệnh viện, trường học mới thay vì sân vận động.

Ngay cả khi World Cup 2014 diễn ra, làn sóng phản đối vẫn gia tăng. Kỳ Cúp thế giới tại Brazil cách đây 8 năm luôn được nhớ tới như một biểu tượng của sự phân hóa giàu nghèo khi một bên thành phố là sân vận động tràn ngập cờ, hoa và champagne, bên còn lại là khu ổ chuột, nơi trẻ em không có đủ thuốc, thức ăn và nước uống để vượt qua mùa hè.

5 chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử World Cup Miroslav Klose, cựu tiền đạo người Đức với sở trường đánh đầu, đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở các kỳ World Cup với 16 pha lập công.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-boi-cua-nhung-quoc-gia-dang-cai-world-cup-post1368828.html