Bê bối khiến hàng loạt cuộc thi hoa hậu bị quay lưng

Cuộc thi hoa hậu ngày càng nhiều, cùng với đó là loạt bê bối khiến hình ảnh của các đại diện nhan sắc không còn giữ được giá trị trong mắt công chúng.

Ngày 7/4 báo chí đăng tải hàng loạt thông tin gây sốc liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp. Từ Miss Eco International trở thành ổ dịch Covid-19, Hoa hậu Hòa bình Myanmar bị chính quyền truy nã vì phát ngôn chính trị, đến Hoa hậu Quý bà Sri Lanka bị giật vương miện ngay trên sân khấu đăng quang.

Các cuộc thi hoa hậu ngày càng "mọc lên như nấm sau mưa" và được xây dựng kịch bản như show giải trí nhiều drama hơn là để tôn vinh nhan sắc. Đó là lý do nhiều nước châu Âu, một số nước châu Á không còn chuộng danh xưng hoa hậu.

Đấu trường sắc đẹp trở thành ổ dịch Covid-19

Khép lại đêm chung kết Miss Eco International - Hoa hậu Sinh thái Quốc tế vào tối 4/4, một số thí sinh xác nhận có kết quả dương tính với Covid-19. Theo Rappler, cuộc thi diễn ra ở Ai Cập đã trở thành ổ dịch mới vô cùng nguy hiểm.

Juthamas Mekseree - đại diện Thái Lan - là một trong những cô gái đầu tiên nhiễm bệnh. Đơn vị cử Mekseree đi thi đã hỏi ban tổ chức Miss Eco International về kế hoạch điều trị cho người đẹp nhưng không được phản hồi. Kết quả, Mekseree phải tự lo lấy thân mình.

 Đại diện Thái Lan dương tính với Covid-19. Ảnh: Instagram Juthamas Mekseree.

Đại diện Thái Lan dương tính với Covid-19. Ảnh: Instagram Juthamas Mekseree.

Giám đốc quốc gia Thái Lan tuyên bố sẽ không bao giờ cử thí sinh tham gia cuộc thi này nữa. Phía họ cho rằng Miss Eco International hời hợt, vô trách nhiệm, coi thường sức khỏe thí sinh.

"Cuộc thi không đảm bảo an toàn cho thí sinh khi không cách ly y tế 14 ngày, không cho thí sinh mang khẩu trang để phòng dịch Covid-19", người này nói.

Trước phát ngôn trên, thông qua Missosology, ban tổ chức Miss Eco International tuyên bố những cáo buộc đã bị phóng đại quá mức. Họ vẫn đang bảo vệ các cô gái khỏi nguy hiểm.

Tuy nhiên, hàng loạt những giám đốc quốc gia khác đã nhanh chóng vào cuộc vạch trần sự thật. Bà Jessica Newton - Giám đốc quốc gia Miss Peru - nói đại diện Peru phải tự bỏ tiền túi đi xét nghiệm Covid-19 và cô còn bị sốt 37,8 độ C nhưng không được quan tâm. Bà tố ê-kíp biết thí sinh mắc bệnh nhưng không đưa đi cách ly.

Tương tự Thái Lan, Peru, phía Nhật Bản cũng khẳng định ban tổ chức cuộc thi thiếu trách nhiệm và họ sẽ ngừng tham dự đấu trường sắc đẹp này.

Miss Eco International mới chỉ tổ chức được vài mùa nhưng liên tục dính phốt. Một số diễn đàn sắc đẹp nêu quan điểm rằng cuộc thi này nên bị khai tử.

Scandal của Miss Eco đã dấy lên hồi chuông cảnh báo cho những đấu trường sắc đẹp khởi động trở lại vào năm nay. Nếu không tuân thủ các biện pháp cách ly, đảm bảo an toàn, không ai có thể đoán trước được hậu quả sẽ như thế nào.

Thí sinh bị bỏ đói, ăn bốc, diễn trên sân khấu "hội chợ"

Tại Miss Eco International năm nay, khâu tổ chức cũng bị lên án. Giám đốc quốc gia Canada nói rằng dàn thí sinh đã bị đối xử như "con ghẻ", không được cho ăn uống đàng hoàng tử tế, và thậm chí còn bị nhân viên quát mắng.

Vụ việc khiến khán giả nhớ lại mùa giải Miss Earth 2018 (năm đại diện Việt Nam Nguyễn Phương Khánh đăng quang). Trong một hoạt động tập trung, 88 cô gái phải đứng vây kín một bàn ăn được bày trí cẩu thả, mất vệ sinh. Trên bàn ăn có cơm nắm, thịt gà rán, nước lọc, chuối, dưa hấu... nhưng không hề có các vật dụng ăn uống như dao, thìa, muống, đũa... Các thí sinh phải ăn bốc và để lộ những khoảnh khắc "kém sang".

Thí sinh ăn bốc ở Miss Earth 2018. Ảnh: Miss Earth.

Đại diện Bỉ từng công khai hình ảnh khẩu phần ăn mà ban tổ chức cung cấp chỉ có cơm trắng, vài miếng thịt và nước tương được đựng trong hộp xốp. Cô nói lượng thức ăn không đủ dinh dưỡng, và ban tổ chức đối xử quá tệ với thí sinh.

Theo The Manila Times, các cô gái phải chi 2.000 USD phí tham gia nhưng chỉ được ở khách sạn 3 sao, đứng chen nhau trên tàu điện ngầm để di duyển đến địa điểm ghi hình. Họ phải chụp ảnh trước backdrop nhàu nát và catwalk trên sân khấu ọp ẹp chẳng khác gì hội chợ.

Cách đây 6 năm, cuộc thi này cũng bị tung ra những bằng chứng về việc ban tổ chức không cung cấp những bữa ăn tối thiểu, chỉ có mì với sốt cà chua, dẫn đến việc vài người đẹp phải tự bỏ tiền túi để gọi đồ ăn ở ngoài. Chưa hết, thay vì 2 thí sinh ở một phòng như các cuộc thi khác, ê-kíp đã rút giảm chi phí bằng cách xếp 4 người/phòng trong một khách sạn bình dân.

Miss World được xem là cuộc thi uy tín nhất thế giới cũng không tránh khỏi sơ sài trong khâu tổ chức. Năm 2018, hình ảnh đăng quang của Hoa hậu Thế giới Vanessa Ponce trên chiếc ghế nhựa đơn điệu phần nào làm giảm giá trị cuộc thi.

Ngay cả Miss Universe cũng vậy. Đại diện của Pháp, Malaysia, Malta... vào mùa giải 2019 đã vấp ngã mạnh vì sàn trơn, thậm chí nhảy khỏi sân khấu bán kết chật hẹp để nhường chỗ cho một số thí sinh biểu diễn.

Mua giải, nói xấu nhau

Nếu nhắc đến cuộc thi hoa hậu nhiều bê bối nhất, có lẽ là Miss Earth.

Đấu trường này từ lâu đã bị Global Beauties nhìn nhận chiếc vương miện không còn giá trị sau vài vụ mua giải bị khui ra.

Phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda từng giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck - chủ tịch Miss Earth, về chuyện “đi cửa sau”, và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.

Năm 2016, Miss World bị chỉ trích khi để giám đốc quốc gia Indonesia và Puerto Rico làm giám khảo. Đây được cho là một trong những lợi thế giúp đại diện Puerto Rico chiến thắng.

Mới đây nhất, người đăng quang Hoa hậu Thế giới Lào 2021 Phongsavanh Souphavady đã chủ động trả lại vương miện sau 3 ngày đương nhiệm vì dính cáo buộc mua giải, khai man tuổi tác. Đây là trường hợp chưa từng có trong lịch sử cuộc thi này.

Trước scandal gian lận, mua giải Miss World Laos 2021, Phongsavanh Souphavady đã quyết định trả lại vương miện chỉ sau 3 ngày đăng quang.

Hình ảnh xấu xí trong các cuộc thi còn là những màn đấu tố, nói xấu nhau giữa thí sinh. Người đẹp Paola Chacon trong cuộc thi Miss Costa Rica 2019 đã để lộ đoạn chat mỉa mai đối thủ Evelyn Sibaja. Chưa hết, cô dùng từ "phù thủy, gái bán hoa" để cười cợt hai cô gái Catalina Freer và Mónica Zamora.

Paola Chacon cuối cùng vẫn giành được vương miện nhưng khán giả quê nhà đã kịch liệt phản đối vì cách ứng xử của cô. Người đẹp này buộc phải mở họp báo thừa nhận mình dại dột và gửi lời xin lỗi đến những ai bị cô làm tổn thương.

"Tôi đã không làm chủ được mình. Đoạn tin nhắn ấy không nên được công khai ra ngoài như vậy. Tôi xin gửi lời tạ lỗi tới những người được nhắc đến trong tin nhắn đó", cô này nói.

Cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2018 khép lại với chiến thắng thuộc về người đẹp Puerto Rico, song người chiếm "spotlight" lại là đại diện Philippines - Jehza Huelar. Huelar ngoài mất hành lý còn bị đối thủ chơi xấu, phá hỏng phần lưng váy dạ hội trước giờ phút quan trọng. Dù đã "chữa cháy" bằng cách dùng kim băng cố định váy, phần biểu diễn của cô vẫn không được suôn sẻ.

Tác giả Sally-Ann Fawcett đã khẳng định trong cuốn sách Misdemeanours: Beauty Queen Scandals (tạm dịch: Những bê bối của nữ hoàng sắc đẹp): "Chuyện đấu đá, hãm hại lẫn nhau ở các đấu trường nhan sắc vẫn ngấm ngầm diễn ra".

Và dù muốn dù không, những cô gái khi đi thi hoa hậu buộc phải chấp nhận.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-boi-khien-hang-loat-cuoc-thi-hoa-hau-bi-quay-lung-post1202177.html