Bé gái bị rận mu 'ngoi' lên mắt

Mới đây, một bé gái tới Viện Sốt rét và ký sinh trùng TP.HCM khám vì đỏ mắt, sưng tấy và ngứa quanh mắt. Qua khám các bác sĩ chẩn đoán bé gái bị rận mu ký sinh ở mi mắt.

Hình ảnh con rận mu.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Nam, Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP HCM, rận mu ký sinh bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng đối với người lớn thường thấy ở lông bộ phận sinh dục, lông mu và khu vực ven hậu môn, tóc, bụng, hố nách, râu, ria mép. Ở trẻ em thì thường thấy ký sinh ở lông mi.

Rận mu gây ngứa là các triệu chứng phổ biến nhất. Ngứa xảy ra sau 1 - 2 tuần nhiễm bệnh. Ngứa dẫn đến gãi, gãi nhiều gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc. Sẩn đỏ ngứa là biểu hiện phổ biến nhất, ngứa nhiều vào ban đêm do sau khi nghỉ ngơi, ngủ say rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa, khó chịu, mất ngủ.

Rận mu được truyền qua tiếp xúc cơ thể, như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, Rận mu còn có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm, … dùng chung.

Bác sĩ Nam cho biết, điều trị rận mu không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến các phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị triệt để.

Được biết, trước đó các bác sĩ của bệnh viện cũng tiếp nhận một cháu bé 6 tuổi nhập viện với các triệu chứng trên và cũng bị rận mu tấn công vùng mí mắt.

Cháu Trần Văn A. 5 tuổi, Chương Mỹ Hà Nội, vào khoảng tháng 4/ 2012 bị rận bẹn ký sinh trên mi mắt, gây đau và ngứa khó chịu. Cháu đến khám tại Viện sốt rét Ký sinh trùng trung ương các bác sĩ đã tìm thấy rận bện bám vào mi mắt và đã hướng dẫn mẹ cháu dùng panh kẹp bắt hết rận bẹn ký sinh trên mi mắt cho cháu, kết quả đã bắt được 20 con rận bẹn (cả thiếu trùng và con trưởng thành). Mẹ cháu cho biết trong gia đình ngoài cháu A. không ai bị nhiễm rận bẹn.

Theo PGS Nguyễn Văn Châu – nguyên bác sĩ Viện sốt rét Ký sinh trùng trung ương rận bẹn, rận mu hay rận càng cua có tên khoa học Pthirius pubis (Linnaeus, 1758), thuộc họ Pthiridae, bộ chấy rận (Anoplura), lớp côn trùng (Insecta), ngành chân đốt (Arthropoda). Rận bẹn là loài côn trùng không cánh sống ký sinh hút máu trên người và động vật, cơ thể dẹt theo hướng lưng bụng, ngắn và rộng. Thân dài 1,5 - 2mm, rộng 1,2 – 1,8mm; độ dày cơ thể 0,1 - 0,2 mm.

Đầu của rận bẹn có một đôi mắt đơn, một đôi râu. Miệng kiểu chích hút ngắn. Ngực có ba đốt khó phân biệt, phát triển theo bề ngang. Chân to khỏe, vuốt phát triển, đặc biệt vuốt của đôi chân thứ hai và thứ ba. Các vuốt này bám chắc và cắm sâu vào da vật chủ. Bụng ngắn, gồm có 5 đốt. Trứng tương tự như trứng chấy, nhưng trơn và nhỏ hơn. Thiếu trùng tương tự con trưởng thành nhưng bé hơn và chưa có cơ quan sinh dục.

Rận bẹn là côn trùng biến thái không hoàn toàn, chu kỳ phát triển gồm 3 giai đoạn: trứng - thiếu trùng (thiếu trùng I, II, III) - trưởng thành. Suốt đời con cái đẻ khoảng 50 trứng. Trứng bám sát gốc lông và nở sau 7 - 8 ngày. Thiếu trùng chui vào gốc lông, nên khi tắm, kỳ cọ mạnh thiếu trùng không bị rơi.

Thường thấy rận bẹn ở lông vùng mu (nên có tên khoa học của loài là pubis). Nếu bị nhiễm nặng có thể phát tán đến các vùng lông khác trên cơ thể như lông ngực, lông đùi, lông nách, lông mi, lông mày và râu. Rận bẹn phát tán chủ yếu qua tiếp xúc như hoạt động tình dục hoặc các hoạt động tiếp xúc giữa con người và phổ biến nhất là giới trẻ.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/be-gai-bi-ran-mu-ngoi-len-mat-post298914.info