Bé gái bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch được cứu sống nhờ kỹ thuật mới

Trước khi nhập viện lần 3 vào BV Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh, bé gái đã trải qua liên tiếp 2 đợt điều trị Viêm phổi nặng trước đó (10 ngày tại BV Nhi Đồng 1, 12 ngày sau tại BV Nhiệt Đới).

Bé gái bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch được cứu sống nhờ kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO).

Bé gái bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch được cứu sống nhờ kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO).

Bệnh nhi là bé T.N.P.L, (2,5 tuổi, ngụ Quận 4, Tp.HCM) được chuyển từ BV Nhiệt Đới em đến BV Nhi Đồng Thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/09/2019.

Khi nhập viện bé vẫn còn sốt cao liên tục, viêm phổi nặng dần, sốt co giật, suy hô hấp tiến triển, khởi phát thêm cơn suyễn nặng, sức thở đuối dần dù được hỗ trợ thông khí áp lực dương liên tục, kháng sinh mạnh, tổn thương phổi trắng xóa trên phim Xquang và phổi không thể trao đổi khí thêm được nữa. Bé được đặt ống nội khí quản, thở máy thông số cao,

Tại khoa Cấp cứu, tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện và bệnh nhi đi vào trạng thái sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu, độ bão hòa oxy trong máu chỉ còn 60%.

Bệnh nhi được chuyển thẳng khoa Hồi Sức Tích Cực, lãnh đạo khoa tiến hành hội chẩn khẩn, đồng thời xin ý kiến Ban Giám đốc và đã thống nhất chỉ định triển khai áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO) mode V-V cho bệnh nhân, mode được sử dụng trong các bệnh lý nguy kịch của phổi, mà khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy thông số cao mà lượng ôxy máu vẫn thiếu (ví dụ như trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - ARDS, suy hô hấp nặng do viêm phổi, suyễn...)

Ekip mạch máu nhanh chóng được huy động gồm BSCK2 Nguyễn Kinh Bang, BS Dương Quốc Tường, phối hợp nhịp nhàng cùng ekip Hồi Sức Tích Cực gồm BS Nguyễn Đạt Thịnh, BS Ngô Văn Tuấn An nhịp nhàng xẻ mạch máu, luồn canula, primming máy ECMO và kết nối hoàn chỉnh vào cơ thể bệnh nhi.

Sau khi triển khai ECMO và theo dõi sát, tình trạng bé tiến triển tốt dần, sau 8 ngày, bệnh nhi được ngưng hết thuốc vận mạch hỗ trợ tuần hoàn, giảm đáng kể thông số thở máy và rút ống nội khí quản ngay sau khi vừa cai ECMO, phim phổi trắng xóa lúc nhập viện đã cải thiện đáng kể, 2 phế trường sáng dần, thông khí tốt cả 2 phổi, bệnh nhân đã có thể tự thở không cần sự hỗ trợ của ECMO.

Có lẽ đây là một trong những trường hợp hiếm hoi tại Việt Nam được bỏ thở máy ngay sau khi chạy ECMO mode V-V. Chính kỹ thuật kịp thời này là yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của điều trị, bệnh nhi đã gần như bình phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường.

BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc, trưởng ekip ECMO cho biết: "phương pháp ECMO được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng do tổn thương phổi và/hoặc trụy tim, suy tuần hoàn nặng đáp ứng kém hoặc không còn đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây chính là biện pháp cuối cùng, là tia hy vọng cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết."

Được biết, đây là trường hợp trẻ viêm phổi nặng kèm suyễn, nguy kịch suy hô hấp cấp tiến triển đầu tiên được thực hiện ECMO mode V-V tại BV Nhi Đồng Thành Phố, cũng là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được triển khai tại một trung tâm nhi khoa tại miền Nam Việt Nam.

PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/be-gai-bi-viem-phoi-nang-suy-ho-hap-nguy-kich-duoc-cuu-song-nho-ky-thuat-moi-76003-9.html