Bẻ gẫy ý định phạm pháp để tội phạm không dám gây án (Kỳ cuối)

Đi trước tội phạm trong triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống, ngăn chặn, xử lý, luôn là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an đặt ra đối với lực lượng CSHS, Công an các đơn vị, địa phương. Không chỉ quyết liệt trấn áp, đấu tranh, các đơn vị phải nhìn nhận rõ tính chất, hành vi vi phạm của các đối tượng, có biện pháp giải quyết phù hợp, qua đó bẻ gẫy ý định phạm tội và tội phạm biết sợ, không dám phạm pháp.

Nhận diện rõ những nguy cơ

Tội phạm đường phố xét ở góc độ, khía cạnh nào đó chúng khá manh động. Đánh giá của Cục CSHS cho thấy, thậm chí, khi bị lực lượng Công an ngăn chặn, vây bắt, các đối tượng còn lao thẳng xe, chống trả lực lượng chức năng để giải cứu đồng bọn, hay tấn công gây thương tích cho cán bộ xử lý. Thậm chí, có vụ việc chúng còn đập phá phương tiện, công cụ, quay phim, livestream kích động, vu khống trên mạng xã hội gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Một số đối tượng tội phạm đường phố bị bắt giữ, xử lý.

Phân tích nguyên nhân xảy ra những vụ việc trên, Cục CSHS chỉ ra, phần lớn là do mâu thuẫn giữa các cá nhân từ trước. Qua tìm hiểu, Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội là một trong những đơn vị kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng, sử dụng vũ khí đi cướp tài sản.

Thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng Công an huyện Đông Anh cho biết: Hầu hết những đối tượng này đều ở các quận, huyện lân cận, kéo nhau sang địa bàn huyện Đông Anh để giải quyết mâu thuẫn hoặc lợi dụng những tuyến đường vắng vẻ, xung quanh các khu công nghiệp nhằm cướp tài sản của người đi đường. Những đối tượng này đều bị Công an huyện Đông Anh trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng nhanh chóng điều tra, truy xét, bắt giữ, xử lý nghiêm nhằm tạo tính răn đe, trấn áp.

Hiện nay, theo đánh giá của Cục CSHS, trong số những vụ án liên quan đến tội phạm đường phố còn có nguyên nhân do tranh giành địa bàn, bảo kê tệ nạn xã hội hoặc đòi nợ, siết nợ. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, thành lập những hội, nhóm mang tính chất tiêu cực, vi phạm pháp luật, từ đó kêu gọi nhau đi gây án, phạm pháp.

Không chỉ gây án trong thành phố, địa bàn nơi các đối tượng sinh sống, chúng còn kéo nhau đi sang tỉnh, thành khác để đánh nhau, gây rối. Nhiều vụ số lượng đối tượng tham gia đông như vụ 30 đối tượng ở Hải Dương điều khiển xe lạng lách, đánh võng mang hung khí để giải quyết mâu thuẫn.

Một số vụ việc khi điều tra, Cơ quan Công an xác định có cả đối tượng tiền án, tiền sự, truy nã, thành viên những ổ nhóm phạm pháp tham gia. Hung khí, vũ khí các đối tượng sử dụng thường là đao, kiếm, vũ khí tự chế trong đó có cả loại “bom” xăng, gạch, đá, được chúng chuẩn bị, cất giấu trước với số lượng lớn để gây án.

Thống kê của lực lượng Công an cho thấy, các vụ trọng án ngoài đường phố phần lớn do các đối tượng phạm tội lần đầu, mâu thuẫn bộc phát cá nhân, hoặc quẫn bách dẫn đến hành vi phạm tội. Từ ghi nhận thực tế đến số liệu thống kê, đánh giá của Cục CSHS, Công an các địa phương đều cho thấy, phần lớn đều các đối tượng đều do a dua, thông qua mạng xã hội để kêu gọi giải quyết mâu thuẫn.

Có nhiều đối tượng trong nhóm lên tới hàng chục tên nhưng không hề biết nhau. Tuy nhiên, khi được kích động, hô hào trên nhóm, mạng xã hội, chúng bất chấp các quy định của pháp luật, kéo nhau đi gây rối. Nhiều đối tượng thậm chí còn đang là học sinh, sinh viên, chính vì vậy không nằm trong diện quản lý, khó trong chủ động phát hiện, phòng ngừa. Bên cạnh đó, công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng ngáo đá, tâm thần, hoang tưởng gặp khó khăn do gia đình đối tượng không hợp tác.

Công tác phối hợp, tham gia phòng ngừa tội phạm của các tổ chức đoàn thể, nhà trường tại địa phương còn chưa thật sự quyết liệt, vẫn còn có tâm lý ỷ lại vào lực lượng Công an, nhất là trong việc quản lý các nhóm thanh, thiếu niên hư. Cục CSHS cũng chỉ rõ một số nguyên nhân, tồn tại dẫn tới việc tội phạm đường phố có những lúc diễn biến phức tạp.

Phòng ngừa, đấu tranh từ sớm, từ xa

Xuyên suốt trong thời gian qua đó là sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trên các mặt công tác, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm.

Chỉ lấy dấu mốc từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện, bùng phát, từ việc nhận định tình hình kinh tế - xã hội, đánh giá quy luật và dự báo diễn biến tội phạm, Bộ Công an đã triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội có tính chất “đi trước, đón đầu”, điển hình là ban hành Phương án số 03 ngày 16/8/2021.

Trong thời gian dịch bệnh và sau đó, Bộ Công an luôn chỉ đạo sát sao Công an các đơn vị, địa phương thực hiện những phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tội phạm đường phố.

Nhận diện rõ những tồn tại, đồng thời chỉ ra để Công an các đơn vị, địa phương nắm được, chuyển hướng “đánh” tội phạm đảm bảo sát hơn, chắc hơn, đúng, trúng, hiệu quả hơn, Bộ Công an đã ban hành Phương án số 06 ngày 16/11/2021 về “xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội”.

Trong Phương án số 06 này, lãnh đạo Bộ Công an đã vạch ra 7 tình huống cơ bản. Cục CSHS với vai trò “tư lệnh” trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đã hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện.

Năm 2021, 2022, Cục CSHS đã phối hợp với các trường trong CAND tổ chức những lớp tập huấn, diễn tập những tình huống trong Phương án 06 cho hàng trăm lãnh đạo cấp phòng, quận, huyện, đội trưởng thuộc Phòng CSHS Công an các địa phương.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSHS còn ban hành Hướng dẫn số 06 ngày 15/12/2021 về “phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội”, trong đó hướng dẫn Công an các địa phương đấu tranh hiệu quả với các băng, nhóm tội phạm và nhóm đối tượng nằm trong diện tội phạm đường phố.

Tại một số địa phương xuất hiện tình trạng băng nhóm cướp, cướp giật tài sản mặc dù những đối tượng ít tuổi song thủ đoạn manh động, liều lĩnh, tấn công người đi đường. Ngày 13/5/2022, Bộ Công an đã ban hành Điện số 58 về phòng, chống tội phạm đường phố, trong đó tập trung phòng ngừa, đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, lưu manh, côn đồ, đối tượng gây án có biểu hiện “ngáo đá”, tâm thần…

Sau khi ban hành những phương án, kế hoạch, điện chỉ đạo, cùng với việc triển khai những lớp tập huấn, nhiều đơn vị đã tổ chức diễn tập những tình huống trong phương án, phù hợp với tình hình trên địa bàn.

Đối với Phương án 06, kể từ khi Bộ Công an ban hành đến nay, Công an các địa phương đã cơ bản khắc phục những hạn chế trước đó, huy động lực lượng triển khai xử trí các tình huống, bảo vệ hiện trường, khám nghiệm, truy xét theo dấu vết nóng.

Công an các đơn vị, địa phương đã giải quyết 62 vụ án, vụ việc có tính chất cấp bách, phức tạp theo tình huống, đạt hiệu quả cao trong đấu tranh, phòng, chống, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm đường phố nói riêng.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS cho biết, Cục CSHS đã trực tiếp có văn bản đề nghị Giám đốc Công an các địa phương và chỉ đạo hệ lực lượng tăng cường phòng, chống tội phạm đường phố, nhất là tình trạng băng, nhóm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án. Cùng với đó, các băng, nhóm, đối tượng sử dụng hung khí, vũ khí hỗn chiến, giải quyết mâu thuẫn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, Cục CSHS phối hợp với Văn phòng Bộ Công an thành lập những đoàn công tác hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả những phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm của lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành. Ngoài lực lượng 141 của Công an TP Hà Nội, nhiều mô hình về đấu tranh phòng, chống tội phạm đường phố có hiệu quả cũng được Công an các tỉnh, thành phố triển khai.

Có thể kể tới như việc Công an TP Hồ Chí Minh triển khai Tổ công tác đặc biệt 363 trong tuần tra, phát hiện xử lý tội phạm đường phố. Thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, có 76 tổ công tác đặc biệt này, đã kiểm tra 28.793 đối tượng, qua đó phát hiện 10.357 vụ việc, khởi tố 198 vụ, xử phạt hành chính 9.188 vụ; thu giữ nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Hay như Công an TP Đà Nẵng có các tổ công tác 911, 161 của Công an Đồng Nai, 171 của Công an Bình Dương, 313 của Công an Nghệ An, 151 của Công an Hải Dương, 1311 của Công an Thừa Thiên – Huế… cũng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, cướp, cướp giật tài sản, các băng, ổ nhóm sử dụng hung khí, vũ khí để giải quyết mâu thuẫn…

Thông tin với PV, Đại tá Lê Khắc Sơn, Trưởng phòng Trọng án, Cục CSHS cũng đánh giá, từ khi lãnh đạo Bộ Công an ban hành Phương án 06 và Điện số 58, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, qua đó tiếp tục kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019. Lực lượng CSHS đã triệt phá 729 băng nhóm tội phạm, đấu tranh từ sớm, từ xa, hiệu quả đối với các loại tội phạm và tội phạm đường phố.

Cũng theo lãnh đạo Cục CSHS, Bộ Công an đã đánh giá cao sự chuyển biến đặc biệt là nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công an các địa phương đã chủ động nhận diện những thay đổi của các loại tội phạm để xác định đúng với bản chất của tội phạm, qua đó góp phần răn đe vi phạm.

Cụ thể có thể kể tới như Công an Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty luật; Công an Thanh Hóa đấu tranh hiệu quả với các băng nhóm tội phạm cướp, cướp giật tại nơi tập trung đông người.

100% các vụ cướp ngân hàng đều được Công an các địa phương điều tra bắt giữ đối tượng gây án trong thời gian nhanh nhất. Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định những hành vi của băng, nhóm thanh, thiếu niên tụ tập giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng…

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/be-gay-y-dinh-pham-phap-de-toi-pham-khong-dam-gay-an-ky-cuoi--i695119/