Bế giảng Lớp tập huấn võ thuật khóa D1 tại Học viện Chính trị Công an Nhân dân

Sáng ngày 17/07/2018 tại Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã diễn ra buổi Lễ bế giảng lớp tập huấn võ thuật khóa D1 và trao chứng chỉ cho các học viên.

Các võ sư, lãnh đạo nhà trường, học viên chụp ảnh kỉ niệm

Lớp tập huấn võ thuật khóa D1, gồm 161 học viên, thuộc Học viện chính trị công an nhân dân, tham gia học tập, được giảng dạy và đào tạo cơ bản trong 2 tháng và cấp chứng chỉ bởi các võ sư cao cấp thuộc môn phái Bình Định Gia.

Tại buổi Lễ bế giảng, Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Phó giám đốc Học Viện Chính trị Công an Nhân dân - cho biết: “Qua nắm bắt tâm tư, trao đổi với các em học viên thì các em học viên cũng đánh giá cao quá trình tổ chức, huấn luyện của môn phái. Với tinh thần trách nhiệm và hợp tác có hiệu quả như vậy, việc Học viện Chính trị Công an Nhân dân lựa chọn môn phái Bình Định Gia là hoàn toàn đúng đắn”.

Đại tá Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm: “Cũng có người có ý kiến chất vấn tôi: ở trường đại học thể dục thể thao Từ sơn, Bắc Ninh cũng có nhiều môn phái như karate, Taekwondo, Pencak Silat …. Tại sao bên Học viện Chính trị Công an Nhân dân lại chọn môn phái Bình Định Gia giảng dạy? Tôi cũng trả lời thẳng thắn, tôi lựa chọn vì thấy tính hiệu quả và thích cách tổ chức huấn luyện của môn phái Bình Định Gia lắm”.... “Cách tổ chức, huấn luyện của các môn phái khác vẫn còn hành chính quá, cứ phải đến 7h30 đến 8h mới làm, xong đến chiều cũng thế, nó hành chính, mà chúng tôi đòi hỏi cần phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hiện nay của các học viên, kinh phí thì hợp lý. Tôi chúc mừng kết quả thắng lợi mà chúng ta đã đạt được”. Đại tá Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Cùng ngày, tại Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ Động thuộc Học viện Chính trị Công an Nhân dân cũng diễn ra lễ khai mạc Lớp tập huấn võ thuật cho học viên D2LK tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ K20, do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp với Học viện Chính trị Công an tổ chức.

Trực tiếp tham gia giảng dạy gồm Võ sư Quốc tế Bùi Công Phương, Võ sư Đinh Công Tuấn, Võ sư Nguyễn Thạc Tín, thuộc Môn phái Bình Định Gia.

Hy vọng với sự hợp tác giữa đào tào võ thuật giữa Học viện Chính trị Công an Nhân dân và Môn phái Bình Định Gia sẽ giúp các Học viên có thêm nhiều kiến thức về võ thuật, để áp dụng tốt hơn trong công việc tác chiến cũng như nghiệp vụ của mình.

Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Phó giám đốc Học Viện Chính trị Công an nhân dân - trao chứng chỉ cho các học viên

Bà Lê Minh Thu - Trưởng môn phái Bình định gia - trao chứng chỉ cho học viên

Ban lãnh đạo nhà trường, các vị khách mời cùng võ sư và học viên tại buổi Lễ Bế giảng

Võ sư cao cấp Nguyễn Bá Mạnh – Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam - trao chứng chỉ cho các học viên

Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Phó giám đốc Học Viện Chính trị Công an nhân dân - phát biểu

Võ sư Quốc tế Bùi Công Phương, người trực tiếp tham gia giảng dạy võ thuật tại Học viện

Các Võ sư Môn phái Bình Định Gia chấm thi trước khi trao chứng chỉ

Đại tá Nguyễn Văn Quyền - Phó giám đốc Học Viện Chính trị Công an Nhân dân phát biểu khai mạc Lớp tập huấn võ thuật cho học viên D2LK

Võ sư Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa - trao chứng chỉ cho các học viên

Võ sư cao cấp Nguyễn Bá Mạnh – Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam - trao chứng chỉ cho các học viên

Lớp tập huấn võ thuật cho học viên D2LK tại Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ Động thuộc Học viện chính trị Công an nhân dân

GIỚI THIỆU MÔN PHÁI BÌNH ĐỊNH GIA

Bình Định Gia là môn phái võ được lưu truyền trong gia tộc họ Trần ở vùng đất Tây Sơn, tỉnh Bình Định từ thế kỷ 18. Tổ sư sáng lập Môn phái là Võ sư Trần Đại Chí. Theo gia phả dòng họ, Cụ Trần Đại Chí sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thiểm Tây, Trung quốc.

Thuở nhỏ được gia đình gửi vào chùa Thiếu Lâm học võ. Cụ "xuống núi” sau hơn chục năm miệt mài rèn luyện tinh thông thập bát ban võ nghệ. Bất mãn với sự hà khắc của triều đình Mãn Thanh, cụ Trần Đại Chí đã đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam lập nghiệp tại ấp Tây Sơn, Tỉnh Bình Định. Tại đây, Cụ làm nghề bốc thuốc và dạy võ. Trong số những người bạn tâm giao của Cụ Trần Đại Chí có Cụ Võ Văn Dũng - người mà sau này đã trở thành một đại tướng của Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trong mối thâm tình ấy, hai người đã thường xuyên trao đổi về quyền cước, đòn thế cùng những bí kíp võ công đã lĩnh hội được của võ cổ truyền Bình Định và võ Thiếu Lâm Trung Quốc.

Sau khi Đại tướng Võ Văn Dũng qua đời, cụ Trần Đại Chí tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp tinh hoa của hai nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, đúc kết, sáng lập nên dòng võ Bình Định Gia được ghép từ Bình Định (địa phương nơi Cụ lập nghiệp) và Gia (Gia đình).

Thực hiện ý nguyện của Tổ sư Trần Đại Chí, trải qua các đời Chưởng môn Trần Đại Si, Trần Đại Y võ phái gia đình này ngày càng phát triển mạnh mẽ với một hệ thống các bài quyền thảo, các loại binh khí ngày càng phong phú. Đặc biệt là Thập nhị bộ và Ngũ bộ tinh (Hầu quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Hùng quyền, Hổ quyền), đặc dị với hiệu quả và công năng chiến đấu cao. Các loại binh khí từ phổ thông, dễ sử dụng như trường côn, đoản côn, thương, nhị khúc, tam khúc, kiếm, đao, phủ, thiết phiến…đến các loại độc khí, ám khí như Ô giang thiết địch, tiêu dây, tiêu đũa, tiêu sao…ngày càng được nghiên cứu phát huy hết công năng khi xung trận. Tuy nhiên, những công phu tuyệt luân ấy chỉ được truyền dạy trong nội tộc để bảo lưu, gìn giữ như một món Gia bảo mà không được truyền bá ra cho người bên ngoài.

Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, lão võ sư Chưởng môn đời thứ tư Trần Hưng Quang và con trai, cố võ sư Chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp xin ý kiến của toàn bộ các bậc lão thành trong dòng họ để mở rộng môn phái, đem tuyệt nghệ công phu của dòng họ truyền dạy cho người ngoài gia tộc. Sau 5 năm (1983 – 1988) thu nạp đệ tử , môn phái Bình Định Gia (võ Bình Định Gia truyền) đã tìm và chọn được 5 cá nhân ưu tú làm lễ nhập gia để truyền dạy như người trong nội tộc.

Đầu xuân năm 1989, nhận lời mời của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội, võ sư Trần Hưng Quang chính thức tham gia Liên đoàn và khai trương võ đường Bình Định Gia đầu tiên tại trường PTCS Việt Nam - Angieri (gọi là võ đường Việt - An). Từ đây Bình Định Gia bắt đầu chuyển sang một trang mới - truyền dạy võ thuật cho quảng đại quần chúng.

Nguồn: binhdinhgia.vn

Mộc Miên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/be-giang-lop-tap-huan-vo-thuat-khoa-d1-tai-hoc-vien-chinh-tri-cong-an-nhan-dan-62731