BẾ MẠC ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA 41: BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG TRONG THÚC ĐẨY HỢP TÁC LIÊN NGHỊ VIỆN KHU VỰC

Ngay sau khi Đại hội đồng AIPA 41 bế mạc, đánh giá về những kết quả đạt được, nhiều thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam vui mừng cho biết, hầu hết đại biểu, trong đó có Trưởng đoàn các nghị viện thành viên AIPA đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và trọng thị của Việt Nam. Dù họp trực tuyến nhưng không ảnh hưởng đến tranh luận, trao đổi giữa các đoàn nghị viện thành viên AIPA. Những nghị quyết, báo cáo và sự đồng thuận đạt được tại Đại hội đồng là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy hợp tác liên nghị viện khu vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Thành công, chu đáo, trọng thị

Đây không phải ý kiến của riêng tôi, mà Trưởng đoàn các nghị viện thành viên AIPA đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công, trọng thị cho Đại hội đồng AIPA 41 của nước chủ nhà Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, lần đầu tiên chúng ta tổ chức họp Đại hội đồng AIPA theo phương thức trực tuyến. Chúng ta cũng có rất nhiều sáng kiến được bạn bè các nước đánh giá cao.

Đặc biệt, nếu trước đây, Ủy ban Kinh tế thường thông qua số lượng nghị quyết nhiều hơn, nhưng do đại dịch, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế lần này, trên cơ sở ý kiến của các nghị viện thành viên AIPA, chúng tôi thống nhất gộp thành một Nghị quyết chung về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid - 19”. Nghị quyết như lời khẳng định, để đối mặt với đại dịch Covid - 19 không một quốc gia nào có thể đứng riêng và tự thúc đẩy nền kinh tế một cách độc lập. Chúng ta cần phải gắn kết, liên kết trong một cộng đồng chung, cùng nhau dập dịch, từ đó phục hồi, phát triển kinh tế của các nước thành viên ASEAN.

Đáng chú ý, chúng ta nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị viện trong giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19. Ủy ban Kinh tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể, như: tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia mà mỗi quốc gia đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch là vận tải, vận chuyển, du lịch, dịch vụ, sản xuất… hướng đến giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Các quốc gia thành viên AIPA cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an ninh và bảo mật số, kiến thức và kỹ năng số giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số. Tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong đại dịch Covid - 19. Với những hướng đi này, các nghị viện thành viên AIPA cần thể chế hóa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hình thức, hoạt động kinh doanh mới này đi vào cuộc sống.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa: Khuôn mẫu để Nghị viện thành viên AIPA học hỏi

Dù lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, không có tiền lệ nào để học hỏi hay tìm hiểu kinh nghiệm để tổ chức, nhưng bằng sự chủ động, sáng kiến và nỗ lực, nhất là sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng, Đại hội đồng AIPA 41 đã được Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công. Điều này có thể thấy rõ khi hầu hết bài phát biểu của đại diện các Nghị viện thành viên AIPA đều vui mừng, phấn khởi, cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, các nghị viện ghi nhận, đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam tại AIPA lần này, như Hội nghị không chính thức Nghị sĩ trẻ AIPA được các nghị viện thành viên AIPA hết sức ủng hộ, thống nhất cao về việc ban hành Nghị quyết thành lập Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa

Những kết quả này đến từ công tác chuẩn bị hết sức tập trung, thận trọng, kỹ càng và chu đáo của Việt Nam. Ví dụ như việc đưa ra dự thảo các nghị quyết chuyên đề, sau khi được gửi các Nghị viện thành viên AIPA xin ý kiến lần một để tổng hợp, tiếp tục gửi xin ý kiến lần thứ hai. Tiếp đó, khi sát ngày diễn ra Đại hội đồng AIPA 41, các văn bản này tiếp tục được gửi xin ý kiến lần thứ ba. Và gần như tất cả những đề xuất quan trọng của các Nghị viện thành viên AIPA đều được chúng ta tiếp thu một cách cầu thị và thể hiện trong các dự thảo Nghị quyết. Chính vì lẽ đó, tại các Phiên họp các Ủy ban của Đại hội đồng AIPA 41, những dự thảo Nghị quyết được các nghị viện thành viên AIPA trao đổi sôi nổi, trách nhiệm và đi đến sự đồng thuận cao.

Tôi cho rằng, trong tương lai, nếu có những tình huống tương tự xảy ra như dịch bệnh Covid-19, thì kinh nghiệm từ Việt Nam khi tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến có thể là khuôn mẫu để các nghị viện thành viên AIPA có thể học hỏi và dễ dàng hơn trong tổ chức, triển khai các hoạt động của AIPA.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang: Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo

Đại hội đồng AIPA 41 diễn ra bằng phương thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đại biểu nghị viện thành viên AIPA không gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Do vậy, để hình thành được các nghị quyết trình tại mỗi phiên họp của các Ủy ban đòi hỏi sự dày công chuẩn bị. Các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Tổ chức đều phải tiến hành họp trước đó nhiều lần, họp giữa các nghị viện thành viên hoặc họp theo nhóm nghị viện. Nói cách khác, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 lần này được tạo dựng từ quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho mỗi hoạt động diễn ra trong ba ngày vừa qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Quang

Những nghị quyết, báo cáo được thông qua trong các phiên họp của Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tổ chức đều có những bước tiến. Ví dụ như, trước đây, Ủy ban Chính trị không tổ chức họp được, do giữa Myanmar và Indonesia có quan điểm khác nhau về một số vấn đề, nhưng tại AIPA 41 này, với sự nỗ lực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, Ủy ban Chính trị đã tiến hành họp, xem xét, thông qua 6 báo cáo, trong đó đã đưa vào vấn đề an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Các phiên họp của Ủy ban Chính trị, Ủy ban Tổ chức, Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Xã hội đều diễn ra sôi nổi. Tuy một số vấn đề ban đầu các bên có ý kiến khác nhau, song, qua thảo luận, tranh luận, các bên đã đi đến thống nhất chung, ban hành các nghị quyết, báo cáo. Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tại AIPA 41 lần này, các vấn đề ban đầu còn ý kiến khác nhau đều đạt được sự thống nhất, qua đó giúp ban hành nhiều nghị quyết. Như vậy, có thể thấy, họp trực tiếp hay trực tuyến chỉ là phương thức, không ảnh hưởng đến tranh luận, trao đổi giữa các đoàn nghị viện thành viên AIPA.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ hai, các Đoàn nghị viện thành viên đều đánh giá cao và cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực tổ chức thành công tổ chức Đại hội đồng AIPA 41. Với tư cách chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã kết nối được về mặt tổ chức, giải quyết được một số vấn đề bất đồng, giúp đi đến thống nhất chung, qua đó ban hành nhiều nghị quyết. Sự thành công của Đại hội đồng AIPA 41 cũng được thể hiện qua một chi tiết, đó là hầu hết trưởng đoàn nghị viện các nước tham gia đều là Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện. Trong các lần tổ chức Đại hội đồng AIPA bằng hình thức họp trực tiếp tôi từng tham dự trước đây, có những kỳ họp chỉ cử Phó Chủ tịch Thượng viện, Phó Chủ tịch Hạ viện tham gia. Sự tham gia của Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện các nước thành viên cho thấy sự quan tâm của họ với AIPA 41, cũng như thể hiện sự trọng thị với nước chủ nhà Việt Nam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong: Nhiều sáng kiến thể hiện sự linh hoạt, thích ứng của Việt Nam

Có thể nói, phiên họp của Ủy ban Chính trị tại Đại hội đồng AIPA 41 đã đạt được những thành công rất quan trọng. Thành công thứ nhất là việc Ủy ban Chính trị họp được sau một thời gian gián đoạn, gần nhất là ở Thái Lan, Ủy ban Chính trị không họp; hoặc tại một số kỳ trước đó, Ủy ban Chính trị có họp nhưng không thông qua được nội dung nào. Như vậy, có thể nói, thành công đầu tiên là việc Ủy ban Chính trị họp được để các nghị viện thành viên nêu bật các mối quan tâm và ưu tiên của mình liên quan đến các vấn đề chính trị, an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong

Thành công thứ hai là Ủy ban Chính trị đã thông qua được một số văn bản quan trọng tồn đọng trong 3 kỳ gần đây, trong đó có 3 Báo cáo của Hội nghị Tư vấn AIPA (AIPA Caucus) và 3 Báo cáo về kết quả đối thoại giữa các nhà lãnh đạo AIPA với lãnh đạo ASEAN.

Thành công thứ ba là các nghị viện thành viên đã nêu được những mối quan tâm, ưu tiên, những vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, các đại biểu đã đồng thuận trên hầu hết các vấn đề được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết.

Đặc biệt với tư cách là nước Chủ tịch AIPA 41, chúng ta đã có sáng kiến quan trọng, đó là đưa ra một dự thảo nghị quyết tích hợp các đề xuất của các nước trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam, với nội dung bao trùm rất rộng về tình hình an ninh, hòa bình khu vực Đông Nam Á. Do họp dưới hình thức trực tuyến với thời gian và không gian hạn chế, cho nên chúng ta đã đề xuất chỉ thảo luận một nghị quyết và đưa tất cả các đề xuất, sáng kiến của các nước về các vấn đề quan tâm đến chính trị, an ninh vào Nghị quyết này. Có thể nói, sáng kiến này cho thấy sự linh hoạt, “thích ứng” của chúng ta, đúng với tinh thần, chủ đề của Năm ASEAN cũng như Năm AIPA 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”.

Thành công thứ tư, là riêng đối với Việt Nam, những quan tâm của chúng ta về an ninh, chính trị trong khu vực, đặc biệt là đề xuất, yêu cầu và khuyến nghị của chúng ta liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong đó có việc giải quyết những bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã nhận được sự đồng thuận của tất cả đại biểu. Đặc biệt hơn nữa, nội dung này thực chất không chỉ do Đoàn Việt Nam tại Ủy ban Chính trị đề xuất mà còn có đề xuất của một số nghị viện khác tích hợp lại, như Indonesia, Brunei... Philippines, Myanmar… đều bày tỏ sự ủng hộ rất tích cực, mạnh mẽ những đề xuất, khuyến nghị của các nước liên quan đến nội dung này.

Có thể nói, việc các nghị sĩ, đại biểu Quốc hội các nước thành viên có thể ngồi lại với nhau trong khuôn khổ của Ủy ban Chính trị và đồng thuận về đại đa số các vấn đề quan tâm đã là một bước tiến vô cùng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy hợp tác liên nghị viện khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều tác động và thách thức đặt ra đối với ASEAN hiện nay./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48214